Kiến nghị của KTNN Hung-ga-ri trong việc cải cách cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước

17/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chính phủ Hung-ga-ri đã quyết định cải cách cơ chế bổ nhiệm người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước hiện hành theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước Hung-ga-ri (SAO). Các cuộc kiểm toán gần đây của SAO đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trực thuộc các vùng tự trị đã cho thấy công tác quản lý không phù hợp và các biện pháp kiểm soát kém có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. SAO đã chỉ ra những rủi ro và các mối đe dọa có liên quan trong nhiều trường hợp gần đây. Theo đó, Chính phủ quyết định thực hiện các kiến nghị của SAO trong việc cải cách cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước. Theo Quyết định này, Chính phủ đã cam kết sẽ đề ra các điều kiện về hoạt động minh bạch, hiệu quả và kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước.


Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Laszlo Domokos, Chủ tịch SAO đã nhấn mạnh rằng, các cuộc kiểm toán gần đây của SAO đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các vùng tự trị đã chỉ ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Ông cho rằng, người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước cần phải có đủ năng lực để thực hiện các dịch vụ công, đồng thời, doanh nghiệp nhà nước cần áp dụng phương pháp quản lý mà doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện. Ngoài ra, liên quan đến chính sách điều chỉnh tiền lương, ông cho rằng cần phải có các mục tiêu rõ ràng, hệ thống quản lý hiệu quả và  biện pháp kiểm soát quyền sở hữu.

Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ - ông Janos Lazar cho biết, các kiến nghị của Chủ tịch SAO về các vấn đề nêu trên đã được đưa ra chất vấn tại hội nghị Thông tin Chính phủ. Ngay sau đó, tại cuộc họp Chính phủ, ông Laszlo Domokos đã đưa ra thông tin chi tiết về các phát hiện kiểm toán và kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện công tác kiểm toán của SAO. Ông còn cung cấp chi tiết về 4 kiến nghị mà SAO đã dự thảo bao gồm: Việc thực hiện công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước cần được đánh giá liên tục dựa trên các nguyên tắc về tính pháp lý, tính hiệu quả, hiệu lực và kinh tế; Tăng cường năng lực và hoạt động đánh giá tính hiệu quả cho cấp quản lý; Người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về đạo đức và tính liêm chính; Thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với người đứng đầu doanh nghiệp.

Liên quan đến kiến nghị thứ tư, SAO cho rằng các tiêu chuẩn và khoản phụ cấp của những người quản lý và đứng đầu doanh nghiệp nhà nước nên giống với các doanh nghiệp tư nhân. Nên gộp tiền thưởng vào lương cơ bản, ngoài ra không thưởng thêm các khoản nào khác. SAO đề xuất rằng người đứng đầu doanh nghiệp nên được hưởng thêm trợ cấp nếu việc hoạt động của doanh nghiệp đạt kết quả khả quan và đạt được mục tiêu đề ra, và do đó họ cần phải thiết lập quỹ để chi trả cho việc này.

Phát biểu tại hội nghị Thông tin Chính phủ, Bộ trưởng Janos Lazar cho rằng Chính phủ đã bắt đầu cải cách cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước và xây dựng cơ chế mới dựa trên các phát hiện kiểm toán của SAO. Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định về cải cách cơ chế bổ nhiệm người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước. Quyết định của Chính phủ công bố trên Tạp chí chính thức của Hung-ga-ri chỉ ra rằng Chính phủ đã lắng nghe các kiến nghị của Chủ tịch SAO liên quan đến vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước. Theo Quyết định của Chính phủ, người đứng đầu các doanh nghiệp phi lợi nhuận sẽ không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp nào.

Theo Quyết định, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về đạo đức và tính liêm chính. Nội dung này có liên quan đến cuộc khảo sát thường niên của SAO về tính liêm chính nhằm chỉ ra các rủi ro về tham nhũng liên quan đến các tổ chức công. Cuộc khảo sát năm 2015 đã được thực hiện và đã có 2.557 tổ chức tham gia.

Bước tiếp theo của quá trình cải cách cơ chế quản lý nhà nước là cải thiện chính sách đào tạo dành cho cấp quản lý. Quốc hội đã đặt ra nhiệm vụ cho KTNN Hung-ga-ri là nâng cao vai trò chuyên gia tư vấn về hệ thống quản lý và tăng cường hỗ trợ đào tạo các cấp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước liên quan đến công tác quản lý nguồn công quỹ tuân thủ các chuẩn mực về đạo đức. Hiện nay, các nhiệm vụ được đề ra trong Quyết định của Quốc hội đang được triển khai thực hiện./.

(Theo KTNN Hung-ga-ri)

Nguyễn Thị Thanh Phương – Vụ Hợp tác quốc tế



Xem thêm »