Malaysia: Chương trình trợ giá lúa gạo ST15 không tới tay đúng đối tượng hưởng lợi

03/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chương trình trợ giá lúa gạo Super Tempatan 15 (ST15) của Malaysia - cung cấp gạo trợ giá cho các gia đình thu nhập thấp do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp (MoA) triển khai thực hiện từ năm 2008, hiện đang đối mặt với những chỉ trích và yêu cầu bãi bỏ sau khi Cơ quan Kiểm toán Malaysia (NAD) công bố bản Báo cáo kiểm toán năm 2014, hé lộ thông tin cho rằng Chương trình này đã không đạt được mục tiêu đem lợi ích đến cho người nghèo.

Báo cáo kiểm toán của NAD công bố hôm 23/11 là kết quả của cuộc kiểm toán triển khai từ tháng 3 đến tháng 7/2015. NAD kết luận Chương trình ST15 đã không đạt được một trong những mục tiêu trọng yếu là trợ giúp người nghèo, có thể mua gạo với mức giá thấp. Từ năm 2008 đến 2014, Chính phủ Malaysia đã thông qua nhiều đợt phân bổ hỗ trợ để mua và cung cấp gạo ST15 không vượt quá 40.000 tấn/tháng đối với các thương lái tại bán đảo Malaysia và 20.000 tấn/tháng đối với các thương lái tại các tỉnh Sabah và Sarawak.

Báo cáo kiểm toán đã hé lộ nhiều yếu kém trong Chương trình ST15 như: hạn ngạch lúa gạo được cấp cho những thương lái có giấy phép hết hiệu lực; nhiều thương lái đã không thực hiện các hoạt động bán buôn; phân bổ hạn ngạch hàng tháng không thông qua quy trình lựa chọn, khối lượng lớn gạo trợ giá không tuân thủ theo các quy cách của gạo tấm… Điển hình tại tỉnh Saravak, số gạo trợ giá được bán thực tế có giá đắt hơn nhiều so với mức giá kiểm soát. Bên cạnh đó, một khối lượng lớn gạo trợ giá lại được bán cho nhóm đối tượng người nước ngoài đến từ Bangladesh, Nepal, Indonesia, Pakistan, Philippines, và các nhà hàng, khách sạn để làm thức ăn cho thú nuôi, dẫn đến việc gạo trợ giá bị hao hụt trên thị trường bán lẻ. Trong số 83 cửa hàng thực phẩm được khảo sát, có đến 38 cửa hàng không tích trữ đủ gạo trợ giá do không được nhận đủ khối lượng cung để đáp ứng yêu cầu. Khảo sát 86 đối tượng tiếp nhận, thì 32 người không đủ điều kiện mua gạo trợ giá.

Trong Chương trình ST15, cơ quan Thu mua lương thực Malaysia (Bernas) đã mua gạo từ nhà sản xuất ở mức giá 2.100 Ringgit/ tấn và bán cho thương lái ở mức giá thấp từ 1.350-1.400 Ringgit, như vậy Bernas đang phải gánh một khoản lỗ lớn với tư cách là đơn vị cung cấp gạo độc quyền tại quốc gia này. Để giúp gánh một phần lỗ của Bernas, MoA đã phân bổ ngân sách 3,3 tỷ Ringgit (780 triệu USD) hỗ trợ chương trình trợ giá trong 7 năm (2008-2014) thông qua 16 hợp đồng ký kết với Bernas, song lợi ích từ Chương trình lại không đến đúng đối tượng hưởng lợi là người thu nhập thấp.

Trước đó, hồi tháng 3/2015, Chủ tịch Ủy ban Tài chính công (PAC), ông Datuk Nur Jazlan Mohamed đã kêu gọi đình chỉ Chương trình trợ cấp gạo ST15 vì cho rằng Chương trình này đã không đạt được mục tiêu đem đến lợi ích cho người nghèo mà MoA đề ra. Song Chương trình vẫn tiếp tục được triển khai phớt lờ những yêu cầu của PAC. Phản hồi lại những chỉ trích, Bộ trưởng MoA ông Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob cho biết, MoA đang cố gắng giảm lượng gạo rò rỉ bằng cách không bán gạo trợ cấp trong siêu thị mà bán thẳng tới các làng và cố gắng khắc phục mọi bất cập để đảm bảo mục tiêu của Chính phủ là hỗ trợ người nghèo...

Hiện Chính phủ Malaysia đang đặt mục tiêu hoàn toàn tự cung tự cấp gạo vào năm 2020, theo đó sẽ tập trung tăng sản lượng gạo để đối phó với các cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra. Chính phủ nước này đang nỗ lực hỗ trợ về mặt tài chính cho người nông dân nhằm thúc đẩy sản lượng gạo, khuyến khích các DN tư nhân tham gia vào việc canh tác lúa, tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho người nông dân và giúp họ cải thiện mức sống

(Nguồn: Malaysia Times và The Malaysia Insider)

Báo Kiểm toán số 49/2015

Xem thêm »