Kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng và phát triển bền vững

06/08/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

“Nguồn lực từ ngành công nghiệp khai khoáng mang lại cho các thế hệ hiện tại cơ hội để chuộc lại những của cải vay mượn từ thế hệ con cháu và khôi phục lại những tài sản được thừa hưởng từ tổ tiên” - John F. S. Muwanga – Chủ tịch Nhóm công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI.

Ngành công nghiệp khai khoáng và kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng

Theo định nghĩa của Nhóm công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI, các ngành công nghiệp khai khoáng bao gồm ngành công nghiệp dầu mỏ, ngành công nghiệp khí đốt và ngành công nghiệp khai thác khoáng sản rắn. Kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng là thực hiện kiểm toán nguồn thu ngân sách nhà nước tạo ra từ lĩnh vực khai khoáng, các khoản công quỹ đầu tư vào lĩnh vực này và chức năng giám sát của chính phủ trong lĩnh vực khai khoáng.
 

Nhóm công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà ngành công nghiệp khai khoáng ở nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển lớn mạnh thì việc đảm bảo phát triển bền vững là vô cùng cần thiết. Câu hỏi được đặt ra là liệu các hoạt động thuộc lĩnh vực ngành công nghiệp khai khoáng có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai hay không? Nhận thức được vấn đề này, tại Đại hội INTOSAI lần thứ 21 tổ chức vào tháng 10/2013, INTOSAI đã thành lập Nhóm công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng (WGEI). Đây là một bước ngoặt lớn trong tiến trình hướng tới việc tạo những điều kiện tốt nhất cho các SAI nhằm đạt được kỹ năng thích hợp và kiến thức chuyên môn để có thể đưa ra những hướng dẫn cần thiết trong việc kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng.
 
Nhóm công tác WGEI của INTOSAI tạo ra một diễn đàn chung để các SAI có thể làm việc cùng nhau nhằm thúc đẩy những hiểu biết sâu rộng hơn về lĩnh vực kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng, từ đó hướng tới thực hiện nhiệm vụ tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của công quỹ. Nhóm công tác giúp các thành viên có được cơ hội học tập lẫn nhau những thông lệ tốt của quốc gia. Thông qua Nhóm công tác, các SAI có thể cải thiện tình hình quản lý các ngành công nghiệp khai khoáng: điều này đồng nghĩa với việc vai trò của SAI trong lĩnh vực các ngành công nghiệp khai khoáng được công nhận rộng rãi hơn, từ đó sẽ có nhiều hơn các tổ chức, cá nhân sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến hoạt động và phát triển của SAI.
 

Hiện nay, WGEI INTOSAI có 32 thành viên chính thức và 2 quan sát viên. Trong kế hoạch hành động 2014 – 2016, các nhiệm vụ trọng yếu Nhóm định hướng thực hiện là: (i) Thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gia tăng giá trị trong lĩnh vực các ngành công nghiệp khai khoáng, (ii) Tăng cường năng lực thực hiện kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của các SAI, từ đó góp phần thay đổi tích cực tới đời sống của công dân, (iii) Phổ biến rộng rãi hiểu biết về vai trò của SAI trong lĩnh vực khai khoáng, (iv) Thực hiện các nghiên cứu và xây dựng hướng dẫn về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng. Tính tới thời điểm hiện tại, WGEI INTOSAI đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thành lập nhóm, xây dựng bộ máy vận hành và các văn bản liên quan, tổ chức cuộc họp thường niên nhằm phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng tới các SAI thành viên. Sắp tới, cuộc họp lần thứ hai của Nhóm sẽ diễn ra tại Ox-lô, Na-uy từ ngày 21-23/9/2015.

Cơ hội và thách thức
 
“Ngành công nghiệp khai khoáng tạo ra cơ hội lớn giúp những tác động tích cực từ hoạt động của SAI tới đời sống của công dân được công nhận; và khi được quản lý hiệu quả, những thay đổi này sẽ mang lại những đóng góp tiềm năng, nổi trội và đáng kể về nguồn thu cho quốc gia.” – John F. S. Muwanga – Chủ tịch Nhóm công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI.
 
Sản phẩm của ngành công nghiệp khai khoáng mang lại lợi ích chung cho công dân của một quốc gia. Tuy nhiên, thực tế này lại ít được công nhận tại rất nhiều quốc gia phát triển, nơi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của quốc gia chưa có được những đóng góp cần thiết vào công cuộc giảm nghèo. Thay vào đó, những nguồn tài nguyên thiên nhiên này lại trở thành khởi nguồn của những vấn đề đối kháng, xung đột ngày càng gia tăng. Thực trạng này đã tạo ra một kịch bản thường được nhắc tới, đó là “lời nguyền tài nguyên”.
 
Trong một bài nghiên cứu gần đây, ông John F. S. Muwanga – Chủ tịch Nhóm công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI đã nêu lên quan điểm của mình về kịch bản này, đồng thời gợi ý giải pháp cho vấn đề. Ông cho rằng, trong tương quan so sánh với những quốc gia cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên thì những nước với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú – đặc biệt là các quốc gia đang phát triển – lại cho thấy sự tăng trưởng kinh tế thấp, biểu hiện ở cơ chế quản lý yếu kém và tính dễ bị tổn thương do tác động của xung đột. Hiện tượng “lời nguyền tài nguyên” liên quan chặt chẽ tới sự thiếu vắng trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong lĩnh vực khai khoáng. Tăng cường thể chế và thúc đẩy trách nhiệm giải trình là một trong những công cụ cần thiết để biến đổi nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia thành dòng doanh thu mang lại những tác động tích cực rõ rệt tới chất lượng đời sống của công dân.
 
Ông Muwanga cũng nhấn mạnh: Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) là mắt xích không thể thiếu được trong chuỗi hoạt động này. Các SAI được giao phó trách nhiệm bảo đảm với công dân rằng cơ chế quản lý kiểm soát việc tận dụng các nguồn lực công là hợp lý, minh bạch và đạt được những giá trị tốt nhất. Các SAI, do vậy, cần phát huy năng lực nhằm thực hiện vai trò quan trọng của mình trong việc giám sát hoạt động của lĩnh vực khai khoáng.
 
Vai trò chủ chốt của SAI mang lại cơ hội hình thành một môi trường thuận lợi có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phúc lợi cho công dân, đồng thời cũng đảm bảo rằng hoạt động khai thác không gây ra những thiệt hại môi trường không thể cải tạo được.
 
Trong cộng đồng INTOSAI, vai trò của mỗi SAI đối với ngành lĩnh vực khai khoáng là khác nhau. Các SAI phải đối mặt với rất nhiều thử thách, đặc biệt là những khó khăn bắt nguồn từ sự phức tạp kỹ thuật của lĩnh vực khai khoáng (thiếu kiến thức về quy trình hoạt động, các quy định liên quan của chính phủ và nhiều nguy cơ khác), nhu cầu tăng cường năng lực chuyên môn và thách thức trong việc duy trì các nhân viên có nghiệp vụ vững vàng. Chức năng nhiệm vụ của SAI cũng có khả năng bị ràng buộc do thiếu khung pháp lý thỏa đáng.
 

Giải pháp đặt ra

Một số SAI (đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển) hiện đang bị hạn chế về chức năng, quyền hạn khi thực hiện kiểm toán các đầu mối trong khu vực tư nhân. Điều này cho thấy cần phải có  sự mở rộng cần thiết về chức năng nhiệm vụ của SAI để SAI có thể kiểm toán các dự án hợp tác công-tư trong lĩnh vực ngành công nghiệp khai khoáng. Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ và trao quyền cho các SAI  để họ có thể thực hiện chức năng nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, chính phủ cũng nên khuyến khích các SAI chủ động trong việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua các sáng kiến, chẳng hạn như ký kết hiệp định quốc tế về Sáng kiến minh bạch các ngành công nghiệp khai khoáng (EITI).
 
Hiện nay, việc bảo vệ quốc gia khỏi “lời nguyền tài nguyên” là rất cần thiết. Một khi đã được trao quyền tuyệt đối, các SAI sẽ tiếp tục tạo ra những đóng góp tích cực cho chiến dịch này. Bởi các SAI góp phần tạo nên nền tảng quốc gia cho việc định hướng các sáng kiến về trách nhiệm giải trình và tính minh bạch nên SAI có khả năng hoạt động như một công cụ giúp doanh thu từ các ngành công nghiệp khai khoáng tăng đáng kể, khiến nguồn thu từ lĩnh vực này trở thành nguồn phát triển bền vững của quốc gia.  
 

Nhóm công tác của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng

Năm 2014 đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong hoạt động hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) khi Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được công nhận trở thành thành viên chính thức của Nhóm công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI - lần đầu tiên được chính thức tham gia một nhóm chuyên môn sau 18 năm là thành viên INTOSAI. Ngày 29/8/2014, Tổng Kiểm toán Nhà nước ký Quyết định thành lập Nhóm công tác Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI, thể hiện quyết tâm của toàn ngành trong việc phổ biến, thúc đẩy và nâng cao những hiểu biết cũng như ứng dụng quốc tế về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng trong nội bộ KTNN.
 
Nhóm được thành lập với nhiệm vụ đại diện cho KTNN khi làm việc với đối tác trong khuôn khổ Nhóm công tác WGEI của INTOSAI, trực tiếp tham gia các hoạt động của Nhóm công tác WGEI của quốc tế và tham mưu Lãnh đạo KTNN về các hoạt động trên; phối hợp với các đơn vị trong ngành để thực hiện, triển khai các hoạt động của Nhóm công tác WGEI của INTOSAI, chịu trách nhiệm về nội dung và biên soạn các tài liệu, sản phẩm khác trong khuôn khổ hoạt động này của INTOSAI trình lãnh đạo KTNN xem xét, phê duyệt.
 

Lời kết

Hiện nay, kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ trong hoạt động của KTNN. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác học tập kinh nghiệm quốc tế để sửa đổi cho phù hợp với thực tế đất nước và áp dụng tại KTNN là một trong những việc làm thiết yếu để mang lại sự phát triển cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, KTNN cũng cần xây dựng chương trình đào tạo để tổ chức tập huấn cho kiểm toán viên về kiểm toán chuyên đề việc quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản nhằm cung cấp, bổ trợ những kiến thức chuyên môn cần thiết cho kiểm toán viên. Đặc biệt, trong một số trường hợp cần trợ giúp về chuyên môn thì cân nhắc việc thuê ngoài các chuyên gia về lĩnh vực khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản để hỗ trợ quá trình kiểm toán là vô cùng cần thiết.
 

Phương Thảo – Vụ Hợp tác Quốc tế - Tổng hợp

 
Tài liệu tham khảo:

- Website của Nhóm công tác về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng của INTOSAI: http://www.wgei.org;
- Tạp chí Kiểm toán chính phủ INTOSAI tháng 4/2015;
- Quyết định số 1651/QĐ-KTNN ngày 29/8/2014 về việc thành lập Nhóm công tác KTNN về kiểm toán các ngành công nghiệp khai khoáng;
- Kế hoạch hoạt động năm 2015 của Nhóm công tác KTNN về kiểm toán các ngành
công nghiệp khai khoáng.

Xem thêm »