Toà Thẩm kế Brazil yêu cầu Chính phủ giải trình báo cáo tài khóa

27/07/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Lần đầu tiên trong lịch sử Brazil, Toà Thẩm kế Liên bang (TCU) đã từ chối và yêu cầu Chính phủ giải trình đối với báo cáo tài khóa. Đây sẽ là một cú huých lớn vào uy tín của Đảng Công nhân cầm quyền của Tổng thống Dilma Rousseff trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị đang diễn biến bất ổn tại quốc gia này.


TCU là cơ quan thuộc Quốc hội Brazil, thực hiện việc kiểm soát từ bên ngoài đối với hoạt động quản lý tài chính và ngân sách của Liên bang. Đây là một mô hình KTNN đặc biệt, chịu trách nhiệm lập kế hoạch kiểm tra; thực hiện kiểm tra và lập dự thảo báo cáo; thông qua báo cáo kiểm tra và ra phán quyết; xử lý các trường hợp kháng án. TCU vừa làm chức năng kiểm toán, vừa làm chức năng của cơ quan xét xử đặt trong hệ thống tư pháp và hoạt động độc lập. TCU đệ trình các báo cáo về hoạt động của mình lên Quốc hội 3 lần trong 1 năm.

Tại Brazil, hiện đa số các kiểm toán viên đều ủng hộ việc yêu cầu Chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff giải trình đối với báo cáo tài khóa năm 2014. Theo đó, ngày 23/6 vừa qua, TCU đã yêu cầu Chính phủ giải trình về các dấu hiệu vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính đối với các khoản tiền ngân sách thuộc năm tài chính 2014 (thời hạn trong 1 tháng). Giải trình này sẽ được TCU thông qua trước khi đệ trình lên Quốc hội. Đây là một quyết định chưa có tiền lệ mà TCU lần đầu tiên thực hiện trong 80 năm qua, buộc Chính phủ sửa đổi các mục tiêu tài khóa trong năm nay. 

Được biết, cáo buộc vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính đối với Chính phủ đương nhiệm được châm ngòi từ năm ngoái khi Chính phủ Brazil khẳng định sẽ đáp ứng mục tiêu ngân sách đề ra mà không cần cắt giảm chi phí. TCU đặt nghi vấn về những hạng mục ngân sách mà Chính phủ đưa ra cho năm tài chính 2014, bao gồm cả các khoản nợ phát sinh với Ngân hàng nhà nước. Cuối tháng 4/2015, TCU đã yêu cầu 17 thành viên nội các đương nhiệm và tiền nhiệm của Chính phủ phải giải trình về các khoản thanh toán chậm của Chính phủ ước tính 40 tỷ Real (13,2 tỷ USD) cho các ngân hàng quốc doanh nhằm đáp ứng các mục tiêu tài khóa của Chính phủ. Chính phủ đã rút nhiều khoản tiền lớn từ các ngân hàng quốc doanh để chi trả các chi phí, trong khi đó, Luật Trách nhiệm tài chính của Brazil nghiêm cấm việc các ngân hàng quốc doanh cấp tài chính cho Chính phủ. Trước đó, ngày 03/12/2014, Chính phủ Brazil đã thông qua khoản vay trị giá 30 tỷ Real (11,7 tỷ USD) cho Ngân hàng Phát triển nhà nước BNDES - một quyết định bị nhiều người chỉ trích vì làm tăng gánh nặng nợ công của quốc gia. 

Chính phủ Brazil hồi năm ngoái đã công bố khoản thâm hụt 22,5 tỷ Real (7,3 tỷ USD), tương đương 0,4 GDP. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế lao dốc từ mức 7,5 năm 2010 xuống gần 0 năm 2014 và tỷ lệ lạm phát chạm mức trần của Chính phủ là 6,5. Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil Joaquim Levy khẳng định, Chính phủ nước này đang tập trung thực thi kỷ luật tài chính và cắt giảm chi tiêu để đưa nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới tăng trưởng trở lại và thu hút đầu tư với mục tiêu hướng tới chính sách tài khóa thặng dư tương đương 1,1 GDP trong năm 2015. 

Với tư cách là cơ quan kiểm toán chi tiêu đối với các tài khoản liên bang, động thái này của TCU đã cho thấy một thất bại căn bản, châm ngòi cho những cáo buộc về yếu kém trong chính sách quản lý nền kinh tế của Tổng thống Rousseff kể từ khi lên nắm quyền năm 2010. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jose Cardozo đã trả lời phỏng vấn của báo giới nước này rằng, ông tin tưởng cơ quan kiểm toán sẽ chấp nhận những lập luận của Tổng thống, đồng thời lên tiếng phủ nhận những cáo buộc vi phạm Luật Trách nhiệm tài chính mà TCU đưa ra.

Ngoài các vụ bê bối tham nhũng, Chính phủ của Tổng thống Rousseff cũng đang phải chịu áp lực trước dân chúng với nạn lạm phát tăng cao và nền kinh tế Brazil đang bên bờ vực suy thoái.

Theo Báo Kiểm toán số 30/2015

Xem thêm »