Ấn Độ: Tác động của Luật công ty 2013 lên ngành kiểm toán

15/04/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 31/3 vừa qua, Bộ Doanh nghiệp Ấn Độ đã chính thức công bố Luật Công ty 2013 (thay thế Luật Công ty 1956) có hiệu lực từ ngày 01/4, trong đó lần đầu tiên có các quy định về kiểm toán và kiểm toán viên.


                                             
Ông C.A.K Raghu - Chủ tịch Viện Kế toán Công chứng Ấn Độ
 
Luân chuyển chủ phần hùn và công ty kiểm toán
Ấn Độ là một trong những nước ít ỏi đầu tiên trên thế giới yêu cầu luân chuyển kiểm toán bắt buộc. Quy định bắt buộc luân chuyển chủ phần hùn kiểm toán và công ty kiểm toán áp dụng cho các công ty niêm yết; những công ty cổ phần không niêm yết và công ty tư nhân đáp ứng đủ những tiêu chí nhất định. C.A.K Raghu - Chủ tịch Viện Kế toán Công chứng Ấn Độ, cho rằng quy định luân chuyển này sẽ có lợi cho các công ty kiểm toán vừa và nhỏ, đồng thời giảm sự chi phối của các công ty Big Four.
 
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc yêu cầu luân chuyển kiểm toán bắt buộc đối với các công ty không niêm yết có vẻ như là “độc nhất”, không giống với thông lệ quốc tế. Theo Luật mới, các công ty tư nhân ở Ấn Độ là chi nhánh của các Tập đoàn đa quốc gia cũng sẽ phải tuân thủ với yêu cầu luân chuyển nếu có đủ các điều kiện theo quy định. Vấn đề ở chỗ, các Tập đoàn đa quốc gia thường ưu tiên sử dụng một hãng kiểm toán thống nhất trên toàn cầu để kiểm toán cho các chi nhánh, từ đó dễ dàng đưa ra được một báo cáo hợp nhất cho Tập đoàn. Song, tại Ấn Độ, những công ty này không có sự lựa chọn nào khác ngoài tuân thủ theo luật lệ của quốc gia địa phương và sẽ coi đây là “chi phí của việc kinh doanh tại Ấn Độ”.
 
Thời hạn tối đa của chủ phần hùn và hãng kiểm toán

Theo Luật mới, nhiệm kỳ tối đa cho một chủ phần hùn và một hãng kiểm toán đối với một công ty tương ứng là 5 và 10 năm. Luật cho phép cổ đông công ty có quyền quyết định thời hạn luân chuyển ngắn hơn đối với chủ phần hùn kiểm toán. Quy định này áp dụng đối với thời gian các chủ phần hùn và công ty kiểm toán bắt đầu ký kết vai trò kiểm toán thay vì áp dụng từ ngày có hiệu lực của Luật. Tuy vậy, Luật cho phép thời gian chuyển giao 3 năm kể từ ngày 01/4/2014 để những chủ phần hùn hoặc công ty kiểm toán sắp sửa hết nhiệm kỳ 5 năm và 10 năm tương ứng có thời gian chuẩn bị thực hiện.
 
Quy định về luân chuyển hãng kiểm toán đều đang trải qua giai đoạn đầu ở cả châu Âu và Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một bằng chứng thống kê nào chứng minh cho việc khi thực hiện luân chuyển sẽ thực sự đạt được mục tiêu đảm bảo tính độc lập cho chủ phần hùn và hãng kiểm toán, hay chỉ làm tăng thêm chi phí hành chính cho các công ty.

Giới hạn số lượng tối đa các cuộc kiểm toán và báo cáo gian lận
 
Thay vì giới hạn số khách hàng mà một chủ phần hùn tham gia là 30 công ty như trước đây, Luật Công ty 2013 yêu cầu một chủ phần hùn kiểm toán không thể tham gia kiểm toán hơn 20 công ty, trong đó không quá 10 công ty có vốn cổ phần đã góp hơn 2,5 triệu Rupee (42.000 USD).
 
Chủ tịch Viện Kế toán Công chứng Ấn Độ tỏ ra không ủng hộ quy định trên và cho rằng, với tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán ngày nay, các chủ phần hùn hoàn toàn có thể đảm đương được nhiều hơn so với số lượng giới hạn nêu trên. Ông đánh giá, đó sẽ là một “rào cản” đối với ngành Kiểm toán trong tương lai.
 
Luật mới yêu cầu công ty kiểm toán khi có nghi ngờ về gian lận tại công ty khách hàng phải báo cáo lên Hội đồng quản trị và Ủy ban kiểm toán của công ty khách hàng và chờ phản hồi trong 45 ngày. Sau đó, trong vòng 15 ngày từ khi nhận được phản hồi từ Hội đồng quản trị và Ủy ban Kiểm toán, công ty kiểm toán sẽ phải nộp báo cáo nghi ngờ gian lận đi kèm với phản hồi của công ty khách hàng lên thẳng Bộ Doanh nghiệp. So với dự thảo, Luật chính thức đã mở rộng số ngày báo cáo lên Bộ Doanh nghiệp từ 30 lên 60 ngày. Những quy định về mức trọng yếu và các giới hạn định lượng, định tính về các nghi ngờ gian lận trong dự thảo cũng đã được gỡ bỏ, dẫn đến khả năng công ty kiểm toán có thể sẽ báo cáo cả những gian lận không trọng yếu./.

Theo Báo Kiểm toán số 15/2014

Xem thêm »