Tăng cường hợp tác đa phương thông qua kiểm toán phối hợp

10/03/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kiểm toán phối hợp là những cuộc kiểm toán do nhiều cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) cùng thực hiện tại mỗi nước với cùng một chủ đề kiểm toán. Sáng kiến này cũng đã được Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Mỹ Latin và Caribe (OLACEFS) áp dụng trong nhiều năm qua như một chiến lược nhằm xây dựng năng lực cho các SAI trong khu vực.

Kiểm toán phối hợp đã được Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Mỹ La tinh và Caribe (OLACEFS) áp dụng trong nhiều năm qua. Ảnh: ST.

Cơ chế xây dựng năng lực
Kiểm toán phối hợp trong những năm gần đây đang được các SAI sử dụng như một cơ chế xây dựng năng lực mạnh mẽ. Các cuộc kiểm toán này cho phép ứng dụng kiến thức về phương pháp và kĩ thuật cho các vấn đề thực tế, đem lại kết quả là bản báo cáo kiểm toán hợp nhất.

Quy trình kiểm toán phối hợp đem lại nhiều cơ hội trên nhiều khía cạnh cho vấn đề xây dựng năng lực. Các kiểm toán viên luôn được cập nhật những phương pháp mới nhất và đào sâu kiến thức về những lĩnh vực liên quan cụ thể trong cuộc kiểm toán thông qua các phương thức đào tạo đa dạng gồm các khóa học trực tuyến, hội thảo... Trong giai đoạn nghiên cứu và lập kế hoạch, các kiểm toán viên được các chuyên gia bên ngoài cung cấp thông tin và truyền đạt các kĩ năng cần thiết để thực hiện kiểm toán.

OLACEFS đang củng cố một chiến lược xây dựng năng lực thông qua triển khai các cuộc kiểm toán phối hợp. Việc sử dụng các cuộc kiểm toán phối hợp như một chiến lược xây dựng năng lực giúp củng cố những khuôn mẫu kiểm toán quốc gia hiện tại. Sáng kiến kiểm toán phối hợp cũng thúc đẩy các SAI chia sẻ kiến thức và hội tụ nguồn lực nhằm tăng cường sự hiểu biết của kiểm toán viên về các chủ đề kiểm toán.

Thông qua chiến lược kiểm toán phối hợp, các chuẩn mực và thông lệ kiểm toán quốc tế có thể truyền tải tới kiểm toán viên ở từng SAI. Cộng đồng INTOSAI đã đồng thuận cao về tầm quan trọng của việc áp dụng Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI) và sáng kiến kiểm toán phối hợp đã tạo ra một môi trường lý tưởng để thực hiện điều này. Nhờ đó, kiểm toán viên ở nhiều nước khác nhau sẽ được làm quen và bắt đầu áp dụng các thông lệ hoàn toàn tuân thủ theo ISSAI, tạo điều kiện thúc đẩy các SAI cập nhật chuẩn mực và phương pháp kiểm toán tại quốc gia của mình.

Kiểm toán phối hợp trong hợp tác đa phương
Ngoài lợi ích xây dựng năng lực, các cuộc kiểm toán phối hợp còn đặc biệt phù hợp trong hợp tác đa phương. Thành công của những cuộc kiểm toán phối hợp trong OLACEFS có sự hỗ trợ không nhỏ của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), trong đó có hỗ trợ việc nghiên cứu sơ bộ chủ đề kiểm toán, tổ chức các buổi hội thảo, dịch và công bố các bản báo cáo hợp nhất. Chương trình hợp tác cũng hướng tới hỗ trợ thiết kế và thực hiện các khóa học trực tuyến - một hợp phần quan trọng để chuẩn bị cho các cuộc kiểm toán phối hợp. Ngoài GIZ, nhiều cơ quan và tổ chức đa phương khác cũng đã bày tỏ sự quan tâm hợp tác với các cuộc kiểm toán phối hợp trong OLACEFS.

Có thể kể một cuộc kiểm toán phối hợp thành công diễn ra trong Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) là kiểm toán Chương trình hành động chống lở mồm long móng (Chương trình PAMA), với sự tham gia của các SAI 5 Brazil, Argentina, Paraguay, Bolivia và Venezuela. Mặc dù không phải là nước hưởng lợi trực tiếp từ chương trình PAMA nhưng SAI Venezuela đã thực hiện một cuộc kiểm toán song song về Chương trình chống bệnh lở mồm long móng của quốc gia này, sử dụng phương pháp tương tự và đã đóng góp vào bản báo cáo chung của 5 nước.

Chương trình PAMA được lựa chọn để kiểm toán phối hợp do có phạm vi đa quốc gia và đủ tiêu chuẩn về độ rủi ro, tầm quan trọng và tính khả thi theo ISSAI 3100. Một số cuộc kiểm toán trước đây do SAI Brazil thực hiện đã cho thấy yếu kém tại một số điểm kiểm soát biên giới, cùng với đó là rủi ro tổn thất hàng triệu USD do dịch long móng lở mồm có thể lại xuất hiện. Theo thống kê, Mercosur là khu vực sinh sống của khoảng 250 triệu gia súc.

Bản báo cáo hợp nhất đã được hoàn tất trong tháng 10/2012 và được báo cáo tại Đại Hội đồng OLACEFS trong tháng 11. Riêng mỗi SAI có nhiệm vụ công bố bản báo cáo tới cơ quan lập pháp, bộ nông nghiệp và các cơ quan liên quan khác tại quốc gia mình. Ngoài ra, các SAI còn phải giám sát việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán và hàng năm gửi một báo cáo tóm tắt trình lên nhóm các SAI thuộc Mercosur về tình trạng thực hiện kiến nghị tại mỗi nước./.

Theo Báo Kiểm toán số 10/2014

Xem thêm »