ECB tuyên bố sẽ kiểm toán các ngân hàng châu Âu

12/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 23/10, Ngân hàngTrung ương châu Âu (ECB) đã công bố một kế hoạch kiểm toán đánh giá trên quy mô rộng các ngân hàng thương mại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm gia tăng niềm tin của khu vực tư nhân vào hệ thống ngân hàng châu Âu. Hoạt động này được ECB thực hiện trước khi cơ quan này chính thức đảm nhiệm chức năng giám sát trực tiếp hoạt động của các ngân hàng trong khu vực từ tháng 11/2014 - bước khởi đầu trong kế hoạch Liên hiệp ngân hàng châu Âu để chống lại khủng hoảng tài chính.

Cuộc kiểm toán của ECB nhằm gia tăng niềm tin của khu vực tư nhân vào hệ thống ngân hàng Châu Âu

Kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng
 
Bắt đầu từ tháng 11/2013 và dự kiến kéo dài trong một năm, cuộc kiểm toán sẽ được tiến hành đối với gần 130 ngân hàng thương mại trong khu vực, chiếm tỷ lệ 85 toàn hệ thống ngân hàng châu Âu. ECB sẽ đánh giá trên ba nội dung, gồm: đánh giá rủi ro, đánh giá tài sản và kiểm tra tính ổn định của ngân hàng trước những cú sốc kinh tế. Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất mà ECB đảm nhận sau 15 năm thành lập, cũng gần như là cuộc “sàng lọc” lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng khu vực này.
 
Mario Draghi - Chủ tịch ECB nhận định: “Đây là một bước tiến quan trọng cho tương lai của nền kinh tế khu vực đồng euro”. Ông Draghi cho biết, ECB sẽ không ngần ngại đánh trượt một ngân hàng nào trong cuộc kiểm tra sức ép sắp tới - cuộc kiểm tra khả năng chịu đựng của các ngân hàng trước các sự cố khủng hoảng kinh tế. Cổ phiếu các ngân hàng châu Âu giảm giá mạnh ngay sau tuyên bố này do các nhà đầu tư lo ngại cuộc đánh giá sẽ khắt khe hơn dự đoán.
 
Qua cuộc đánh giá này, ECB sẽ yêu cầu các ngân hàng yếu kém giải quyết các vấn đề đang tồn tại như nợ xấu, thiếu vốn.Hiện nay, tín dụng đang tiếp tục thắt chặt khi các nhà băng phải chịu gánh nặng nợ xấu và gặp khó khăn trong huy động vốn do đánh mất niềm tin từ các nhà đầu tư. Điều này đang đe dọa khả năng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia trong Eurozone.
 
ECB cho biết, những ngân hàng thiếu hụt tiền sau cuộc đánh giá, trước hết sẽ phải tự huy động từ các nhà đầu tư tư nhân. Một khi ngân hàng đó không thể tự “xoay xở” mới cần đến sự can thiệp của Chính phủ. Cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro đã cho thấy thực trạng, khi nhiều ngân hàng không có khả năng tự huy động vốn, đến Chính phủ cũng không đủ khả năng để cứu trợ. Ireland và Tây Ban Nha là 2 quốc gia đã phải tìm đến sự giúp đỡ từ quốc tế để giải cứu hệ thống ngân hàng.
 
Mặc dù đã có một kế hoạch kiểm toán đánh giá khá rõ ràng, ECB vẫn chưa đưa ra được một cơ chế giải quyết số vốn thiếu hụt mà các ngân hàng phải đối mặt khi có kết quả đánh giá. Theo ước tính, hiện nay các ngân hàng khu vực đồng euro cần khoảng 50 tỷ đến 100 tỷ euro vốn mới. Nếu sự tham gia của khối tư nhân không đủ tích cực để “lấp đầy lỗ hổng”, vẫn chưa rõ liệu từng Chính phủ đơn lẻ hay Eurozone nói chung sẽ gánh trách nhiệm hỗ trợ số tiền thiếu hụt còn lại.

Một nhiệm vụ nặng nề
 
Ignazio Angeloni - một quan chức ECB cho hay, ECB sẽ yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8 - gấp đôi mức hiện tại. Trong đó, tỷ lệ vốn cấp 1 đối với tài sản rủi ro là 7 và phụ trội 1 đối với các ngân hàng có tầm ảnh hưởng lớn. Các ngân hàng sẽ thực hiện yêu cầu này theo lộ trình từ 2014 đến 2018.
 
Ông Angeloni nói thêm: ECB cũng sẽ xem xét tình hình nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng. Đây là một nhiệm vụ khá nhạy cảm kể từ khi các ngân hàng ở một số nước như Ý nắm giữ số lượng lớn trái phiếu của Chính phủ nước đó. Hiện tại Liên minh châu Âu quy ước trái phiếu của Chính phủ các nước khu vực đồng euro có rủi ro bằng 0 nên ngân hàng không phải trích lập dự phòng cho loại tài sản này. Tuy vậy, điều này có thể sẽ thay đổi, nhất là khi khủng hoảng đã cho thấy tồn tại rủi ro đối với tài sản trái phiếu Chính phủ.
 
Bên cạnh đó, nguồn vốn của các ngân hàng cũng là một đối tượng kiểm toán của ECB. Quyết định kiểm toán nguồn vốn xuất phát từ một bài học trong cuộc khủng hoảng tài chính, đó là rất nhiều ngân hàng đã dựa dẫm quá nhiều vào các khoản vay ngắn hạn mà đã “tan biến” sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers trong năm 2008.
 
Theo các chuyên gia kinh tế Anatoli Annenkov và Michel Martinez  của Ngân hàng Societe Generale SA, sự chính xác và minh bạch từ ECB sẽ quyết định độ tin cậy của cuộc kiểm toán. Với ECB, cuộc đánh giá lần này là một nhiệm vụ “nặng nề”, đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn vì cho đến nay, hoạt động của ECB vẫn chỉ giới hạn trong các chính sách tiền tệ và cơ quan này vẫn thiếu kinh nghiệm đối với các hoạt động giám sát.
 
ECB tuyên bố sẽ thực hiện cuộc kiểm toán một cách nghiêm khắc. Song nhiều chuyên gia cho rằng, nếu cuộc đánh giá quá khắt khe sẽ có thể làm suy yếu lòng tin vào đồng tiền khu vực, khiến cho lợi tức trái phiếu tăng trở lại, gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương.


Theo Báo Kiểm toán số 45/2013

Xem thêm »