(kiemtoannn.gov.vn) - Trong khoảng 10 năm lại đây, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào Việt Nam luôn tăng.Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ODA chưa như mong muốn. Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư nhằm hướng dẫn quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Sắp có hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án ODA
Ông Hoàng Viết Khang - Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, dự kiến năm 2013, Việt Nam có thể nhận được 5 đến 6 tỷ USD cam kết ODA. Tuy nhiên, ông Khang nhấn mạnh, không phải hầu hết các cam kết viện trợ đều được hiện thực hóa. Dù nhận được cam kết khoảng 72 tỷ USD từ 1993 đến nay, song các hiệp định thỏa thuận chính thức về vốn ODA chỉ đạt 58 tỷ USD, bằng 72 giá trị cam kết, nhưng số tiền giải ngân còn thấp hơn, chỉ đạt 37 tỷ USD. Điều này khiến nhiều nhà tài trợ phàn nàn về việc Việt Nam giải ngân chậm và không sử dụng hết vốn.n
Thiếu cơ chế tài chính cụ thể
Tại Hội thảo góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hoà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết: Dự thảo Thông tư gồm 11 chương, 33 Điều nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Theo Dự thảo Thông tư, nguyên tắc xác định cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với các chương trình, dự án thuộc Danh mục tài trợ từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ là: cấp phát từ NSNN từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của NSNN; cho vay lại toàn bộ hoặc một phần từ nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho chương trình, dự án đầu tư có khả năng thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn ODA và vay ưu đãi...
Đối với các địa phương, ngân sách T.Ư hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và các dự án thuộc lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và là đối tượng chi của NSNN; cho vay lại toàn bộ hoặc một phần từ nguồn vốn ODA của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh có dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương đã hoàn thành thủ tục đầu tư và ngân sách địa phương bảo đảm trả được nợ...
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư cũng quy định các cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với khu vực tư nhân khi tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ cũng như các điều kiện để cho các tổ chức tài chính, tín dụng vay lại theo chương trình, hạn mức tín dụng…
Về cơ chế tài chính, nhóm tư vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng: định nghĩa về khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc thu hồi một phần chưa rõ ràng. Nhóm khuyến cáo Bộ xem xét việc công bố danh mục các loại dự án mà UBND tỉnh được vay lại vốn ODA/vốn ưu đãi, đồng thời bổ sung những yêu cầu tối thiểu được vay lại. Ngoài ra, Thông tư cần quy định rõ quy trình và cơ sở thẩm định của Bộ Tài chính về khả năng trả nợ của UBND tỉnh hoặc khả năng trả nợ của các tổ chức tín dụng.
Theo đại diện của NHNN, cơ chế tài chính trong dự án ODA là một trong những hợp phần quan trọng nhất quyết định dự án có thành công hay không. Do vậy, cơ chế tài chính cần được xác định và phê duyệt đồng thời với quá trình xác định dự án, tránh tình trạng đàm phán được nhiều nhưng triển khai không được bao nhiêu vì vướng mắc về cơ chế tài chính…
Cần cam kết đảm bảo vốn đối ứng
Dự thảo Thông tư dành riêng Điều 21 quy định cụ thể trách nhiệm bố trí vốn đối ứng. Theo đó, “ngân sách T.Ư chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng cho các dự án/hợp phần dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách T.Ư theo Luật Ngân sách và do cơ quan T.Ư là chủ dự án/hợp phần dự án quản lý và thực hiện. Ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng cho: các dự án/hợp phần dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và do cơ quan địa phương là chủ dự án/hợp phần dự án quản lý và thực hiện; các dự án do UBND cấp tỉnh vay lại vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ. Tổ chức tài chính tín dụng, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng cho các dự án/hợp phần dự án do tổ chức tài chính tín dụng, doanh nghiệp là chủ dự án/hợp phần dự án quản lý và thực hiện; các dự án/hợp phần dự án do tổ chức tài chính tín dụng, doanh nghiệp vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ. Người hưởng lợi có trách nhiệm đóng góp phần vốn đối ứng (bằng tiền, hiện vật hoặc công lao động) theo thiết kế của từng chương trình, dự án”.
Liên quan đến Dự thảo về vốn đối ứng, ông Andrew Head, Phó Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho rằng: một nguyên nhân quan trọng khiến các chương trình, dự án chậm tiến độ là thiếu vốn đối ứng. Để hạn chế tình trạng này cần có cơ chế đảm bảo vốn đối ứng được ngân sách cấp đầy đủ và đúng thời hạn. Bên cạnh đó, đại diện ADB cũng cho rằng, Thông tư chỉ kiểm soát đối với những khoản chi quan trọng, tránh nhiều thủ tục rườm rà, làm dự án chậm tiến độ…
CHÂU ANH
Theo Báo Kiểm toán số 38/2013