Lãng phí ngân sách lớn trong các chương trình lâm nghiệp của Cộng hòa Séc

30/03/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Mới đây, Cơ quan Kiểm toán tối cao Cộng hòa Séc (SAO) đã lên tiếng chỉ trích gay gắt phương thức quản lý, sử dụng ngân sách kém hiệu quả của Bộ Nông nghiệp nước này tại các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp và trồng rừng. Qua đó, gây lãng phí lớn cho ngân sách quốc gia và kinh phí tài trợ từ châu Âu.

Cuộc kiểm toán được SAO thực hiện tập trung vào các khoản ngân sách hỗ trợ trong giai đoạn 5 năm từ năm 2011-2016 cho các chương trình phát triển nông thôn và các khoản đóng góp cho công tác quản lý rừng từ ngân sách quốc gia.
 
Theo đó, SAO đã đánh giá phương pháp tiến hành lựa chọn, đánh giá các đơn vị xin trợ cấp của Bộ Nông nghiệp, Quỹ can thiệp Nông nghiệp quốc gia (SAIF) và một số chính quyền địa phương. Mục tiêu của cuộc kiểm toán chủ yếu là để cải tiến các quy trình, thủ tục nhằm đáp ứng được các điều kiện được nhận hỗ trợ.
 
Các chương trình phát triển lâm nghiệp thuộc diện điều tra, kiểm toán của SAO lần này đều thuộc sự quản lý của Nhà nước thông qua Bộ Nông nghiệp, SAIF và một số dự án được nhận tài trợ từ châu Âu. Tổng giá trị của các chương trình, dự án được kiểm toán rơi vào khoảng 230 triệu Koruna (tương đương khoảng 11,2 triệu USD).
 
Báo cáo kiểm toán của SAO nhận định, mặc dù các chương trình lâm nghiệp của Séc luôn được sự ưu tiên từ ngân sách với các khoản hỗ trợ tối đa, song trên thực tế chất lượng cải thiện lại không tương xứng với giá trị của các khoản hỗ trợ.
 
Ông Jiří Kalivoda, thành viên Đoàn kiểm toán của SAO cho biết: “Mặc dù Bộ Nông nghiệp đã cơ cấu các chương trình lâm nghiệp theo cách để thu hút được tối đa ngân sách tài chính, song không đưa ra bất kỳ mức trần nào cho các khoản chi tiêu, dẫn đến nhiều khoản lãng phí lớn”.
Bên cạnh đó, SAO cũng nhận thấy nhiều khoản chênh lệch trong các khoản chi ngân sách trong cùng dự án. Ví dụ như tại cùng một địa phương, chi phí lắp đặt các đài quan sát chim và thú rừng dao động lớn từ gần 300 nghìn - 350 nghìn Koruna, hay chi phí tái thiết các con đường mòn trong rừng với mức sai lệch rất lớn lên đến gần 10 nghìn Koruna/mét đường.
 
Ngoài ra, SAO cũng tìm ra nhiều sai sót khác trong công tác quản lý nguồn tài chính. Đơn cử như khi sử dụng ngân sách để chi cho việc khắc phục các khu rừng bị thiệt hại nặng nề do gió lớn hoặc thiên tai, Bộ Nông nghiệp đã không xác định rõ chi phí tổn thất cũng như không cung cấp đầy đủ hình ảnh thiệt hại.
 
Ngoài ra, SAO cũng chỉ trích một chương trình trồng cây của Bộ Nông nghiệp đã thất bại hoàn toàn, gây tổn thất nặng nề cho ngân sách nhà nước. Dự án này ban đầu được kỳ vọng là sẽ trồng cây mới trên diện tích 37.000 ha, song cuối cùng chỉ phủ xanh được 1.500 ha, cho dù đã được cấp ngân sách đầy đủ.
 
Đồng thời, SAO chỉ trích Bộ Nông nghiệp đã không đánh giá các tác động sau cuộc kiểm toán các chương trình lâm nghiệp quốc gia mà SAO tổ chức trước đó. Cơ quan kiểm toán khuyến nghị, Bộ Nông nghiệp nước này cần phải có những chế tài quản lý ngân sách phù hợp để khắc phục sai phạm và gửi báo cáo phản hồi đến SAO trong thời gian sớm nhất.
 
Tại Séc, rừng bao phủ khoảng 1/3 diện tích cả nước và ngành kinh doanh lâm nghiệp là một “cỗ máy” kinh doanh tạo ra nhiều lợi nhuận đối với các công ty lâm nghiệp nhà nước, tư nhân và địa phương. Phần lớn khối lượng gỗ của Séc được xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là tới Đức và Áo. Rừng cũng là một nguồn tài nguyên có giá trị lớn luôn thu hút sự quan tâm của người dân nước này và công tác quản lý rừng luôn là một chủ đề khá nhạy cảm tại Séc.
 
Khuyến cáo Bộ Nông nghiệp, SAO cho rằng, ngân sách từ các chương trình phát triển nông thôn và trợ cấp từ các nguồn hỗ trợ của châu Âu phải được quản lý chặt chẽ, tập trung vào chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia.
 
(Theo Prague radio và NKU)
(Báo Kiểm toán số 13/2018)
 

Xem thêm »