Báo cáo kiểm toán phát hành ngày 08/5 của Ủy ban Kiểm toán Philippines (COA) đã ghi nhận những khoản chi tiêu đáng ngờ của chính quyền thủ phủ Tarlac, đảo Luzon, Philippines trong năm 2018. Những khoản chi tiêu này đều liên quan đến công tác mua sắm trang thiết bị cứu thương, bộ dụng cụ sơ cứu ban đầu và thi công các công trình được cho là không đạt chuẩn.
Mập mờ trong mua sắm các trang thiết bị cứu thương
Cụ thể, COA đã chỉ trích Dự án Hỗ trợ thảm họa trong năm 2018 của chính quyền thủ phủ Tarlac và đã yêu cầu các biện pháp khắc phục tức thì đối với các khoản chi tiêu đáng ngờ này. Trong Báo cáo, COA cho biết, Dự án này được cấp ngân sách từ Quỹ Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thảm họa với giá trị khoảng 38 triệu Peso (khoảng 72.000 USD). Kết quả kiểm toán cho thấy, Dự án thiếu các chứng từ hỗ trợ cần thiết và không thể xác minh được khoảng 34 triệu Peso tiền mua thiết bị sơ cứu ban đầu. Ngoài ra, những tài liệu được chính quyền thủ phủ Tarlac đệ trình lên không nêu rõ tên tuổi của những người thụ hưởng các trang thiết bị.
Báo cáo nêu rõ, vào tháng 10/2018, chính quyền thủ phủ Tarlac đã đặt mua 1.022 bộ túi sơ cứu chấn thương, bao gồm các vật tư y tế và phòng thí nghiệm với giá trị 19,9 Peso/bộ. Những túi sơ cứu chấn thương này được phân phối cho các nhân viên y tế để sử dụng trong các hoạt động ứng phó khẩn cấp. Chính quyền thủ phủ Tarlac cũng đã mua 15.000 bộ dụng cụ sinh tồn cơ bản và sơ cứu cơ bản, có chứa bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng, cồn, chăn, giày dép, đèn pin, nước đóng chai, bông gòn, băng hỗ trợ, găng tay dùng một lần, băng giấy vệ sinh và xô nhựa có nắp, với tổng số tiền là 13,5 triệu Peso. Các bộ dụng cụ sơ cứu này được dành cho cư dân của các đô thị và các xã được xác định là dễ bị tổn thương do thiên tai. Tuy nhiên, các chứng từ giải ngân và mẫu xác nhận cho các bộ dụng cụ này không được cung cấp theo danh mục các thiết bị để chứng minh rằng các mặt hàng thực sự được phân phát tới đúng đối tượng. Những gì Tarlac nộp cho COA chỉ là phiếu kiểm kê hàng tồn kho do Văn phòng Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thảm họa cấp tỉnh cung cấp.
Các công trình cứu trợ không đạt chuẩn
Ngoài ra, COA cũng chỉ trích những sai phạm liên quan đến việc thi công 2 công trình đa năng tại thị trấn Victoria. Theo đó, 2 công trình này giống như khu văn phòng hơn là công trình đa năng dành cho trung tâm vận hành cứu trợ khẩn cấp. Theo Chỉ dẫn về Điều phối và quản lý trung tâm cứu hộ, trung tâm cứu hộ cần bao gồm các trang thiết bị như: trạm y tế, nhà bếp, khu vệ sinh và giặt là, phòng dành cho mẹ và bé sơ sinh, phòng tắm riêng cho nam và nữ. Song 2 công trình tại Victoria chỉ có khu vực tiếp tân, bếp ăn, khu vực văn phòng, phòng hội thảo. COA khuyến nghị rằng, chi phí của 2 công trình này không nên tính vào 20% chi phí phòng chống thảm họa do tính chất và công dụng của 2 công trình không thuộc về cơ sở hạ tầng liên quan đến phòng chống thiên tai.
Cuộc kiểm toán của COA được tiến hành trong bối cảnh Chính phủ Philippines đang dành nhiều nỗ lực nhằm giải quyết các hậu quả của các thảm họa thiên nhiên xảy ra liên tiếp hồi tháng 4 vừa qua. Trận động đất ngày 22/4 xảy ra ở đảo Luzon, hòn đảo lớn nhất của Philippines và trận động đất ngày 23/4 làm rung chuyển khu vực miền Trung nước này đã khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương và mất tích, hàng chục tòa nhà và công trình đã bị hư hại nặng ở vùng Thủ đô Manila và đảo Luzon.
Nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, Philippines là quốc gia liên tục phải hứng chịu các vụ động đất và hoạt động của núi lửa. Trong nỗ lực đối phó với các thảm họa thiên nhiên, Chính phủ Philippines vừa khởi công Dự án Xây dựng một thành phố dự phòng thảm họa, nơi Văn phòng Chính phủ vẫn có thể hoạt động trong trường hợp Thủ đô Manila không thể chống chịu được thảm họa thiên nhiên. Thành phố dự phòng này được đề xuất nằm tại TP. New Clark, cách Thủ đô Manila 100 km về phía Bắc, với diện tích dự kiến gần 9.500 ha và có sức chứa lên tới 1,2 triệu người. Được biết, giai đoạn đầu của Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2022, nhưng sẽ mất ít nhất 30 năm để xây xong toàn bộ Thành phố. Chính phủ Philippines tin rằng, tham vọng về một thành phố đối phó với thảm họa tại New Clark là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
(Theo Manila Bulletin và The Rappler)
(Báo Kiểm toán số 21/2019)