Lithuania: Tăng cường kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc phi động vật

23/03/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Báo cáo kiểm toán mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích nhiều lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc phi động vật (FNAO) của Lithuania. Chính phủ Lithuania có khả năng phải đối diện yêu cầu kiểm dịch chặt chẽ hơn với các sản phẩm FNAO xuất khẩu vào thị trường EU.   

Không đảm bảo kiểm soát và quản lý rủi ro

Khi xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc phi động vật sang thị trường châu Âu, các DN của Lithuania buộc phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm nhập khẩu vào EU phải có mức dư lượng thuốc trừ sâu, các yếu tố vi sinh như salmonella và E.coli… ở mức cho phép.
Cuộc kiểm toán do DG Sante - cơ quan thực thi các chính sách của EU về an toàn sức khỏe và thực phẩm - thực hiện từ tháng 9/2019. Trong khuôn khổ cuộc kiểm toán, DG Sante đã tiến hành các chuyến khảo sát một số trang trại trồng dâu tây và rau xanh, cơ sở chế biến rau quả đông lạnh và sản xuất rau mầm tại Lithuania. Mục đích là để đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm ngăn ngừa các yếu tố ô nhiễm vi sinh.

Các kiểm toán viên cho biết, hệ thống kiểm soát và quản lý rủi ro ô nhiễm vi sinh tại các nhà máy chế biến ở Lithuania đã không được thực hiện một cách hiệu quả, thiếu các khóa đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến phòng chống ô nhiễm vi sinh trong sản xuất FNAO.

Tại các cơ sở chế biến, các kiểm toán viên nhận thấy vẫn còn việc không tuân thủ các yêu cầu, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như: sản phẩm chờ chế biến được đặt trên sàn nhà, thùng chứa thực phẩm không đạt yêu cầu vệ sinh… DG Sante đã yêu cầu các hành động khắc phục ngay lập tức tại các cơ sở chế biến thực phẩm này.

Tại hai nhà máy sản xuất, chế biến rau xanh thuộc diện kiểm toán, DG Sante cho biết, những khuyến nghị từ cuộc kiểm toán trước đó đều bị phớt lờ, công tác chứng nhận, lấy mẫu hạt giống không phù hợp với yêu cầu của EU, nhiều sản phẩm rau xanh không qua kiểm duyệt tồn dư hóa chất… Theo DG Sante, hệ thống kiểm soát của các nhà máy này thiếu chỉ dẫn kỹ thuật, danh mục kiểm tra sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng các yếu tố rủi ro về ô nhiễm vi sinh trong các sản phẩm.
 
Đối diện với yêu cầu kiểm dịch chặt chẽ hơn

Theo báo cáo của DG Sante, Lithuania hiện có 584 nhà sản xuất FNAO đã được đăng ký. Thông thường đối với một DN sản xuất FNAO khi đã đăng ký, công tác thanh tra, kiểm tra bắt buộc sẽ được thực hiện ​6 tháng hoặc 1 năm 1 lần. Tại Lithuania, Viện Đánh giá rủi ro thú y và thực phẩm quốc gia đóng vai trò như một phòng thí nghiệm tham chiếu quốc gia cho các cuộc kiểm tra sản phẩm. Tuy nhiên, Viện này không có đủ năng lực để thực hiện các xét nghiệm tìm virus một cách thường xuyên, dẫn đến những hạn chế trong kiểm soát ô nhiễm vi sinh trong các sản phẩm FNAO.

DG Sante nhận định, Lithuania có khả năng phải đối diện với những yêu cầu kiểm dịch chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm FNAO xuất khẩu vào thị trường EU. Để cải thiện tình hình, Chính phủ Lithuania cho biết, trong thời gian tới, Cơ quan Dịch vụ thú y và thực phẩm Nhà nước sẽ cùng phối hợp với Viện Đánh giá rủi ro thú y và thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu phân tích, xác minh dữ liệu, cung cấp đào tạo và tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất FNAO trên cả nước.

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn là yếu tố được EU đặt lên hàng đầu đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Để thực hiện điều này, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với một số nhóm sản phẩm có nguồn gốc phi động vật từ một số quốc gia cụ thể, do thường xuyên phát hiện rủi ro gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là hiện tượng tồn dư hóa chất cao.

(Theo Baltic Times và Food Safety News)
(Báo Kiểm toán số 12/2020)

Xem thêm »