Nam Phi: Nhiều vấn đề tồn đọng tại Quỹ Tai nạn đường bộ

01/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, Tổng Kiểm toán Nam Phi đã trình lên Ủy ban Tài khoản công một Báo cáo kiểm toán chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Quỹ Tai nạn đường bộ quốc gia. Đáng nói, những sai phạm này đã tồn đọng tại cơ quan trong nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay, Ban Lãnh đạo qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Trước đây, Quỹ từng bị lên án khi nhiều năm liền phải nhận kết quả kiểm toán yếu kém. Theo Báo cáo kiểm toán mới nhất, Quỹ bị chỉ trích vì vẫn hoạt động theo một mô hình không bền vững, đặc biệt về mặt tài chính trong hơn một thập kỷ qua. Trước tình hình đặc biệt khó khăn, các lãnh đạo, cán bộ vẫn thờ ơ với số phận của cơ quan, vẫn cố tình “vẽ” ra hàng loạt khoản chi tiêu lớn bất thường nhằm đút túi riêng.

Trong những năm gần đây, Quỹ phải đối mặt với những thách thức về việc thanh toán các khoản nợ lớn. Qua nhiều năm, số tiền nợ và tiền lãi ngày càng tăng cao, nhiều hơn cả ngân sách của cơ quan. Báo cáo kiểm toán xác định, hiện nay, Quỹ đã nợ tới hơn 300 tỷ Rand Nam Phi, tương đương 20,38 tỷ USD. Đây là một con số đáng báo động, phản ánh hoạt động vô cùng yếu kém của cơ quan.

Các thành viên của Ủy ban Tài khoản công đã bày tỏ mối quan ngại về khoản nợ trên. Ông Colin Letsoale - Giám đốc Điều hành Quỹ - cho biết, Ban Lãnh đạo đang xem xét các biện pháp hợp lý để thanh toán khoản nợ này, kết luận sẽ được phản ánh chính xác trong Báo cáo tài chính 2020-2021. Ban Lãnh đạo Quỹ cũng đã tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm soát nội bộ để ngăn chặn các trường hợp chi tiêu bất thường, không hiệu quả và lãng phí. Ông Colin Letsoale cho rằng, có thể Quỹ sẽ phải mất hơn 2 năm nữa để giải quyết triệt để những tồn đọng hiện nay.

Sau khi xem xét những phát hiện trong Báo cáo kiểm toán, Ủy ban Tài khoản công đã tổ chức một cuộc điều trần yêu cầu Ban Lãnh đạo Quỹ trình Báo cáo tài chính năm 2019-2020 của đơn vị cũng như giải trình về các sai phạm còn tồn đọng, những vấn đề mới nảy sinh, đặc biệt là tình trạng chi tiêu không hiệu quả gây lãng phí ngân sách. Nếu không sớm đưa ra những biện pháp thiết thực giúp cơ quan thanh toán khoản nợ khổng lồ trên, Quỹ có thể sẽ phải xin Chính phủ cấp cho một gói cứu trợ nhằm cứu vãn tình hình.

(Theo Parliament of South Africa)
(Báo Kiểm toán số 35/2021)

Xem thêm »