Nigeria: Lỏng lẻo trong quản lý, ngân sách bị chi tiêu bừa bãi  

23/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, Tổng Kiểm toán Nigeria đã công bố một báo cáo trong đó nhấn mạnh, Bộ Dầu mỏ và 114 cơ quan khác của Chính phủ đang vướng vào các cáo buộc biển thủ công quỹ và nhiều sai phạm tài chính khác, gây thất thoát, lãng phí ngân sách công.  

Nhiều khoản bị chi sai tại Bộ Dầu mỏ

Báo cáo kiểm toán cho biết, 114 Bộ, ban, ngành và các cơ quan của Chính phủ (MDA) đã bị truy vấn vì liên tục vi phạm các quy tắc hiện hành. Hàng loạt sai phạm được Tổng Kiểm toán chỉ ra gồm: sự chênh lệch lớn giữa số liệu trong các báo cáo và số tiền ngân sách thực tế; quỹ công bị sử dụng sai mục đích, bị chi tiêu vào các mục đích cá nhân; nhiều nhân sự đã nghỉ hưu vẫn được nhận các khoản tiền trợ cấp trong suốt một năm…

Trong số 114 MDA kể trên, 84 MDA đã giải trình trước Hội đồng của Thượng viện về các truy vấn được nêu ra; 21 MDA đã gửi báo cáo bằng văn bản nhưng không xuất hiện trước Hội đồng. Những MDA còn lại chưa phản hồi thậm chí cố tình trốn tránh việc giải trình.

Báo cáo trích dẫn, trong nhiều năm qua, các cán bộ của Bộ Dầu mỏ đã phớt lờ các quy định trong quy trình mua sắm công và chi sai hơn 244 triệu Naira Nigeria (NGN), tương đương 600.000 USD. Đây là số tiền được Chính phủ cấp cho một quỹ có tên Quỹ Chiến dịch, được thành lập nhằm mục đích nâng cao nhận thức về Luật Dầu khí đã được Tổng thống Nigeria thông qua.

Văn phòng Tổng Kiểm toán cũng phát hiện trong sổ quỹ tiền mặt của Bộ Dầu mỏ một khoản 98,4 triệu NGN đã được chi với nội dung “ủng hộ một công ty để in tờ rơi cho chiến dịch nâng cao nhận thức về Luật Dầu khí”. Các cán bộ của cơ quan trả lời rằng, đề xuất chi phí đã được đệ trình và được phê duyệt trước khi thanh toán. Tuy nhiên, họ không nói rõ những đề xuất đã được đệ trình cho ai. Bộ cũng bị truy vấn vì đã chi 54 triệu NGN ủng hộ một công ty giấu tên để thực hiện việc đánh giá và lập hồ sơ về các địa điểm tràn dầu ở 10 bang thuộc Đồng bằng sông Niger, điều này cũng trái với quy trình mua sắm công hiện hành.
 
Quỹ công bị chi lãng phí tại nhiều cơ quan

Một số cơ quan lớn khác của Chính phủ cũng bị lên án vì để xảy ra những vi phạm tài chính nghiêm trọng gây lãng phí ngân sách công. Văn phòng Quy tắc ứng xử bị chỉ trích vì đã chi 995 triệu NGN cho công tác mua sắm hàng hóa và trả lương cho các nhân sự “ảo”; Cơ quan Điều tiết giá các sản phẩm hóa dầu không thu hồi được 1,6 tỷ NGN chi thừa cho các nhà tiếp thị dầu mỏ; Ủy ban Xúc tiến đầu tư Nigeria để tồn đọng nhiều vấn đề trong công tác quản lý, chi tiêu ngân sách từ năm 2016 đến 2019.

Báo cáo đặc biệt chỉ trích Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình lên Chính phủ những dự án, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích và xin được cấp những khoản ngân sách lớn. Tuy nhiên, sau khi được giải ngân, Ban Lãnh đạo Bộ này đã không sát sao trong việc quản lý ngân sách dẫn đến tình trạng nhiều dự án trị giá hơn 390 triệu NGN bị bỏ hoang trong nhiều năm gây lãng phí ngân sách. Tương tự, Hội đồng Đấu thầu quốc gia đã tự ý chi gần 146 triệu NGN trả cho một quản lý để thực hiện chiến dịch giúp phổ biến Luật Dầu khí. Số tiền này lẽ ra phải được dùng để trả cho các công ty có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực này, các công ty được chọn phải thông qua quá trình đấu thầu cạnh tranh công khai.

Đáp lại cáo buộc trên, một đại diện của Hội đồng cho biết, cán bộ của cơ quan đã nhận số tiền trên là người dày dặn kinh nghiệm, có khả năng giám sát, theo dõi và tiếp cận mục tiêu của chương trình trong thời gian phù hợp. Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán cho rằng, lời giải trình trên chưa hợp lý, rõ ràng Hội đồng đã vi phạm các quy định trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách và đấu thầu, đồng thời đưa ra các bằng chứng thuyết phục về nhận định được đưa ra.

Chung quan điểm với cơ quan kiểm toán, Ủy ban của Thượng viện xác nhận không có bằng chứng nào chứng minh Hội đồng sử dụng ngân sách công một cách hợp pháp. Ủy ban cũng yêu cầu những cán bộ có liên quan đến sự việc trên phải được điều tra, xác minh rõ và bị xử phạt theo các quy định hiện hành.

(Theo allafrica và tổng hợp)
(Báo Kiểm toán số 38/2021)
 

Xem thêm »