Nigeria: Quản lý tài chính lỏng lẻo gây thất thoát ngân sách nghiêm trọng

27/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Văn phòng Tổng Kiểm toán Liên bang Nigeria (AGF) vừa công bố Báo cáo kiểm toán thường niên 2019 và chỉ ra hàng loạt khoản thanh toán lớn không có chứng từ, vi phạm các quy định hiện hành tại nhiều cơ quan thuộc Chính phủ, gây thất thoát nghiêm trọng NSNN.

Ngân sách bị chi bừa bãi

Nhiều Bộ, ban, ngành, tổ chức, cơ quan công và các DNNN của Chính phủ liên bang Nigeria bị Văn phòng Tổng Kiểm toán tố cáo và truy vấn vì liên tục vi phạm các quy định hiện hành. Điển hình là nhiều khoản tiền tạm ứng, trợ cấp bị chi cao quá mức quy định; nhiều khoản tiền được duyệt dù không có chứng từ hợp lệ...

Báo cáo của Văn phòng chỉ ra rằng, nhiều quan chức Chính phủ đã thực hiện các khoản thanh toán lên đến hàng tỷ Naira Nigeria (NGN). Cụ thể, vào năm 2019, Hạ viện đã duyệt chi hơn 5,2 tỷ NGN, tương đương 12,7 triệu USD, thực hiện nhiều dự án. Theo một số báo cáo, khoản tiền trên chỉ có nội dung chi chung chung như chi phí vận hành, chi phí sửa chữa, bảo trì các dự án và không được hạch toán rõ ràng.

Tuy nhiên, Hạ viện nước này tiếp tục cấp 2,55 tỷ NGN cho các chính quyền địa phương làm chi phí hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 12/2019. Khu vực Đông Bắc được nhận 187 triệu NGN, vùng phía Nam được nhận các khoản thanh toán 272 triệu NGN, khu vực Đông Nam được cấp tổng số 442 triệu NGN. Các khu vực khác gồm Bắc Trung Bộ nhận được 391 triệu NGN, vùng Tây Nam và Tây Bắc mỗi nơi được cấp tới 629 triệu NGN. Chính quyền các địa phương này đã không trình được chứng từ cho thấy các khoản tiền trên đã được sử dụng đúng mục đích. Không những thế, nhiều nhân sự công tác tại các cơ quan nhà nước dù đã nghỉ hưu vẫn nhận được các khoản tiền từ ngân sách, bất chấp các quy trình, thủ tục đã được quy định.

Báo cáo cho biết thêm, 107 triệu NGN đã được cấp cho 2 quan chức để quản lý việc thực hiện dự án sửa chữa và bảo trì một số khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay, Tổng Kiểm toán chưa xác định được những khu dân cư nào thuộc diện trên. Bên cạnh đó, có tới 1,01 tỷ NGN khác bị chi trái phép từ ngân sách lương. Điểm chung là các khoản tiền đã được chi mà không có chứng từ theo quy định hiện hành.

Tổng Kiểm toán tiếp tục truy vấn Hạ viện khi đã duyệt thanh toán 258 triệu NGN và một số khoản bổ sung khác từ quỹ lương hưu cho 59 cán bộ dù họ chưa nghỉ hưu. Đến nay, các khoản tiền này vẫn chưa được thu hồi về ngân sách. Điều này vi phạm Quy chế tài chính trong đó quy định rằng “bộ phận kế toán có trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả các khoản tạm ứng được cấp cho đúng đối tượng, đúng thời gian, nếu sai sót phải ngay lập tức thu hồi đầy đủ”. Ngoài ra, nhiều khoản chi lên đến hàng tỷ NGN cũng bị nhiều quan chức nhà nước chi trả bừa bãi.
 
Cần nâng cao năng lực kiểm soát nội bộ

Tổng Kiểm toán nhấn mạnh, những sai phạm tài chính nghiêm trọng kể trên có thể khiến các quỹ của Chính phủ thất thoát lớn. Văn phòng Tổng Kiểm toán cho rằng, những bất thường trên có thể do hệ thống kiểm soát nội bộ tại Hạ viện của Quốc hội đã và đang tồn tại nhiều yếu kém trong một thời gian dài và chưa được khắc phục. Thư ký Quốc hội được yêu cầu báo cáo sớm về tình trạng nhiều khoản chi trái phép đã cấp cho các đối tượng sai quy định, đồng thời tiến hành thu hồi các khoản tiền trên và nộp về Kho bạc Nhà nước.

Ủy ban Tài khoản công của Quốc hội từng đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn, những lời cảnh báo, bao gồm cả lệnh bắt đối với nhiều lãnh đạo của các Bộ, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, DNNN sau khi những hành vi của họ được nêu ra trong các báo cáo kiểm toán. Ủy ban cũng đã nhiều lần nhắc nhở Ban lãnh đạo một số cơ quan nhà nước như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Ngân hàng T.Ư Nigeria, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Phát triển đồng bằng sông Niger… khi các cơ quan này để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách công. Thậm chí, các cơ quan có thể sẽ không được phê duyệt ngân sách cho các năm tới nếu không có sự thay đổi và không có các biện pháp cải thiện tình hình.

(Theo Premium Times và All africa)
(Báo Kiểm toán số 51/2021)

Xem thêm »