Thái Lan: SAI cần nỗ lực vượt thách thức, đóng góp nhiều hơn vào quá trình phục hồi sau đại dịch

30/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Thái Lan đã công bố một báo cáo, trong đó chỉ ra những thách thức các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) phải đối mặt thời kỳ hậu đại dịch và các phương pháp SAI cần nắm vững để vượt qua thách thức trong kỷ nguyên mới.

Kiểm toán viên vượt qua khó khăn để thực hiện công tác kiểm toán. Ảnh: ST

Các SAI đối mặt với nhiều khó khăn

KTNN Thái Lan cho biết, sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, tình hình hoạt động, tài chính và chiến lược của các đơn vị được kiểm toán đã có những thay đổi đáng kể.

Mặc dù đã có những điều chỉnh nhất định về phương pháp, quy trình kiểm toán, các SAI vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện kiểm toán hậu đại dịch.

Nhiều SAI trên thế giới chia sẻ, quyền truy cập dữ liệu của họ bị hạn chế đáng kể. Các thỏa thuận làm việc từ xa và tình trạng gián đoạn hoạt động cản trở việc truy cập dữ liệu kiểm toán cần thiết. KTNN Thái Lan cho rằng, điều này có thể được giảm thiểu bằng cách tận dụng các công nghệ kiểm toán từ xa và phân tích dữ liệu.

Bên cạnh đó, sự phân chia tài chính thời kỳ đại dịch đã tạo ra những thay đổi trong báo cáo tài chính và sự phức tạp trong quy trình thuyết minh báo cáo, gây nhiều khó khăn cho kiểm toán viên. Việc xác định các chỉ số hoạt động phù hợp để đánh giá tác động của đại dịch và tính hiệu quả của các biện pháp ứng phó cũng đặt ra thách thức lớn.

Báo cáo của KTNN Thái Lan chỉ ra rằng, nhiều SAI lo ngại khi rủi ro và sự không chắc chắn gia tăng trên toàn cầu. Việc chuyển đổi đột ngột sang làm việc từ xa, những thay đổi về nhu cầu sản phẩm, dịch vụ và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào viện trợ của Chính phủ góp phần làm tăng mức độ rủi ro.

Trước nhiều khó khăn và thay đổi, các bên liên quan đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với thông tin phi tài chính liên quan đến vấn đề Môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Điều này đòi hỏi SAI mở rộng kiểm toán ngoài các chủ đề tài chính thông thường.

Cần chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết thách thức

Theo KTNN Thái Lan, để hiểu rõ tác động của đại dịch Covid-19 đối với các đơn vị được kiểm toán, SAI cần tìm cách đánh giá tác động của đại dịch hiệu quả, cần điều chỉnh phương pháp kiểm toán phù hợp. Các SAI cũng cần củng cố nhân lực, nâng cao năng lực, sẵn sàng đối phó với những thách thức mới.

KTNN Thái Lan cho rằng, phương pháp kiểm toán tác động của đại dịch bao gồm các bước nhất định. Trước tiên, SAI cần hiểu bối cảnh, cần nắm bắt các trường hợp đặc biệt mà đơn vị được kiểm toán gặp phải như gián đoạn hoạt động, khó khăn tài chính, sửa đổi chính sách hoặc quy định và các tác động khác do đại dịch gây ra.

Sau đó, SAI cần thiết lập mục tiêu kiểm toán rõ ràng, tập trung vào việc đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp ứng phó với đại dịch, đánh giá tác động của đại dịch đối với hiệu quả hoạt động hoặc đánh giá việc sử dụng các nguồn lực được phân bổ. Việc xác định phạm vi cũng rất quan trọng và đòi hỏi SAI cần phác thảo các chương trình kiểm toán, phân định giai đoạn được xem xét và xác định dữ liệu cần đánh giá.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cần tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao, đánh giá rủi ro liên quan đến quản lý tài chính, hiệu quả hoạt động, việc tuân thủ quy định và việc hoàn thành các mục tiêu cũng như các biện pháp ứng phó, phục hồi sau đại dịch.

Một công tác quan trọng khác là thu thập và phân tích dữ liệu, bao gồm việc xem xét các tài liệu liên quan đến các biện pháp ứng phó với đại dịch và áp dụng các kỹ thuật phân tích để xác định xu hướng, điểm bất thường và các lĩnh vực cần quan tâm.

Công tác kiểm toán được khép lại bằng việc lập báo cáo kiểm toán và theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Kết quả kiểm toán phải được truyền đạt rõ ràng thông qua các báo cáo toàn diện, làm rõ tác động của đại dịch và đưa ra kiến nghị về các biện pháp ứng phó với đại dịch trong tương lai. Một quy trình theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán chủ động rất quan trọng để đảm bảo việc thực hiện tất cả các kiến nghị.

Cùng với việc tuân thủ Chuẩn mực quốc tế của các Cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI) và các chuẩn mực liên quan khác, SAI cần kết hợp các bước này với việc kiểm toán từ xa, phân tích dữ liệu, kiểm toán dựa trên rủi ro, kiểm toán hoạt động và kiểm toán các Mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời phản ánh thực tế hậu đại dịch.

Theo KTNN Thái Lan, bối cảnh hậu đại dịch gây ra những thách thức mới cho các SAI nhưng cũng tạo ra cơ hội điều chỉnh các phương pháp kiểm toán. Thông qua việc điều chỉnh các phương pháp, áp dụng các công nghệ mới, tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và mở rộng phạm vi kiểm toán, SAI có thể vượt qua thách thức, gặt hái thành công trong thời kỳ mới và đóng góp đáng kể vào quá trình phục hồi sau đại dịch của mỗi quốc gia./.

(Theo SAO Thái Lan)

Xem thêm »