(sav.gov.vn) - Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI WGEA) đã thực hiện một nghiên cứu và chỉ ra vai trò quan trọng của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình tài chính khí hậu.
SAI cần chung tay với cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cải thiện khí hậu. Ảnh: ST
Trách nhiệm giải trình tài chính khí hậu cần được nâng cao
Nghiên cứu của ASOSAI WGEA chỉ ra nhiều phát hiện cụ thể và quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của năng lực thể chế. Để kiểm toán tài chính khí hậu hiệu quả, các SAI cần có kiến thức chuyên môn về khoa học môi trường, các Mục tiêu phát triển bền vững và tài chính khí hậu.
Theo đó, việc đầu tư vào đào tạo và các công cụ phân tích tiên tiến là rất cần thiết. Tài chính khí hậu đặt ra nhiều thách thức đặc biệt nên SAI cần các phương pháp, công cụ đánh giá rủi ro phù hợp để đánh giá tính hiệu quả, năng suất và tác động của các sáng kiến về tài chính khí hậu.
ASOSAI WGEA chỉ ra rằng, công tác giám sát liên tục cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cần triển khai các hệ thống cho phép giám sát liên tục các khoản chi tiêu tài chính khí hậu, thay vì kiểm toán định kỳ. Các SAI cũng cần thường xuyên công bố báo cáo chi tiết về các cuộc kiểm toán tài chính khí hậu, thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương, tổ chức phi chính phủ, các bên liên quan khác vào quá trình kiểm toán, giúp đảm bảo tính minh bạch và xây dựng niềm tin của công chúng.
Việc ứng dụng hoặc xây dựng các chỉ số (ví dụ Chỉ số tài chính bền vững - SFI) có thể giúp theo dõi, so sánh và đánh giá các khoản chi tiêu liên quan đến khí hậu. Do đó, việc thiết lập các chỉ số và mục tiêu cụ thể về hiệu quả hoạt động cần được chú trọng. Do sự phát triển nhanh chóng của khoa học và tài chính khí hậu, SAI phải đảm bảo rằng các phương pháp và thông lệ kiểm toán cần được cập nhật thường xuyên hơn.
Các chuyên gia của Nhóm công tác nhấn mạnh, việc thành lập các đơn vị hoặc nhóm chuyên môn trong SAI tập trung vào tài chính khí hậu có thể giúp thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên sâu và tập trung hơn. Và để giúp định hình tương lai, SAI có thể đóng vai trò chủ động bằng cách kiến nghị thay đổi chính sách, ban hành luật dựa trên kết quả kiểm toán nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình về tài chính khí hậu.
Nghiên cứu của Nhóm công tác cho thấy, việc hợp tác quốc tế giữa các SAI có thể dẫn tới việc chia sẻ các thông lệ tốt, kiến thức và kinh nghiệm, giúp nâng cao sức ảnh hưởng. Sự tham gia của các chuyên gia bên ngoài, các nhà khoa học môi trường và các tổ chức xã hội dân sự giúp đảm bảo việc thực hiện các cuộc kiểm toán toàn diện. Đối với các vấn đề về đại diện toàn cầu, SAI cần có tiếng nói trong các diễn đàn toàn cầu, nơi các cơ chế và cam kết tài chính khí hậu được đưa ra thảo luận.
Đánh giá cao vai trò của SAI
Trước những phát hiện trên, ASOSAI WGEA nhấn mạnh vai trò quan trọng của SAI trong đối thoại tài chính khí hậu. Khi những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu vượt ra ngoài biên giới, một yêu cầu bắt buộc phải làm là tất cả các bên liên quan cần có đại diện tại các diễn đàn quốc tế. SAI đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả trong quản lý hành chính công. Chuyên môn và khả năng giám sát giúp SAI trở thành thành phần không thể thiếu trong các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề tài chính khí hậu.
Nghiên cứu toàn diện của ASOSAI WGEA chỉ rõ vai trò của các SAI trong việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính khí hậu. Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức chưa từng có, việc phân bổ và sử dụng tài chính khí hậu càng trở nên quan trọng và cần thiết.
Khi các cuộc thảo luận về các cơ chế và cam kết tài chính khí hậu diễn ra, chính những hiểu biết sâu sắc và kiến thức chuyên môn của SAI có thể giúp đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện cam kết và duy trì tính minh bạch. Khi cùng nhau giải quyết những vấn đề phức tạp về khí hậu toàn cầu, các tổ chức như SAI không chỉ là quan sát viên mà còn là những đối tượng liên quan tham gia tích cực vào việc thay đổi tương lai.
ASOSAI WGEA cho rằng, vai trò của SAI trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình tài chính khí hậu sẽ gặp nhiều thách thức trong kỷ nguyên tới. Với tư cách là cơ quan quản lý tài chính công, SAI có trách nhiệm và cơ hội nhằm đảm bảo rằng các nguồn tài chính được phân bổ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được sử dụng minh bạch, năng suất và hiệu quả.
Nghiên cứu của ASOSAI WGEA nhấn mạnh sự cần thiết của SAI trong việc phát triển, hợp tác và đổi mới để đáp ứng những thách thức về trách nhiệm giải trình tài chính khí hậu. Trong tương lai, những hiểu biết sâu sắc và đề xuất từ nghiên cứu này có thể đóng vai trò là lộ trình cho các SAI trên toàn thế giới, đảm bảo một tương lai bền vững và có trách nhiệm cho cộng đồng./.
(Theo ASOSAI và tổng hợp)