Kiểm toán nhà nước phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”

04/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Thực hiện Quyết định số 1478/QĐ-TTg ngày 28/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký và ban hành Kế hoạch 304/KH-KTNN ngày 29/3/2023 phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Một trong những điều kiện khen thưởng với tập thể đối trong lĩnh vực phát triển hạ tầng là chủ trì hoặc tham gia và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc kiểm toán những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, được xã hội quan tâm về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Kế hoạch được ban hành với  mục đích tạo khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh của toàn ngành KTNN trong việc hưởng ứng thi đua đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại trên phạm vi cả nước; từng ngành, từng vùng và từng địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và thực hiện nghiêm quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống xã hội.

Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN và các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là vai trò của Người đứng đầu cấp ủy và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thông qua phong trào thi đua, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được tiết kiệm, hiệu quả, các chỉ tiêu, biện pháp, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ.

Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, xây dựng đất nước giàu mạnh, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân nói chung, của KTNN và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN nói riêng; tự lực tự cường, khai thác tối đa tiềm năng của quốc gia, của Ngành và đơn vị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VII.
 
Kế hoạch đã quy định rõ về tiêu chí thi đua, điều kiện khen thưởng đối với tập thể như sau:

Về phát triển kết cấu hạ tầng, chủ trì hoặc tham gia và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc kiểm toán những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, được xã hội quan tâm về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó kết quả kiểm toán có kiến nghị quan trọng và nổi bật về: Hoàn thiện thể chế, luật pháp, quy hoạch, cơ chế, chính sách, nhằm khắc phục, hoàn thiện, bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng để huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là sử dụng nguồn lực đất đai, phát huy hiệu quả hoạt động xây dựng, đầu tư, đấu thầu... đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi đồng hành nhau với cả 03 chủ thể Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.

Đầu tư và hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ các dự án; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn; đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tiếp cận hoặc tham gia giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật.
 
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Bám sát Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động của KTNN về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ban hành tại Quyết định số 38/QĐ-KTNN ngày 18/01/2023 để xây dựng Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện tốt và có hiệu quả yêu cầu và nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị mình.
 
Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí chi thường xuyên, vốn đầu tư công, tài sản công, công cụ lao động, văn phòng phẩm; sử dụng lao động và thời gian lao động; cải cách thủ tục hành chính thông qua việc rà soát, hoàn thiện, xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí, chỉ tiêu tiết kiệm chi tiết, cụ thể và khoa học; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, nhất là hoạt động kiểm toán nhằm tiết kiệm thời gian, nhân lực, kinh phí và hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.
 
Thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn đối với việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là Đoàn ra, Đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị, tiết kiệm điện, xăng dầu... Sử dụng hiệu quả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, khảo sát, nghiên cứu khoa học; quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí được trích 5% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước do KTNN phát hiện và kiến nghị; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư công, đảm bảo quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định.

Thực hiện tích hợp, kế thừa các phần mềm có cùng mục đích, đối tượng, phạm vi và quản lý thống nhất trên nền tảng số, kết nối liên thông nhằm tiết giảm chi phí.

Chủ trì hoặc tham gia và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc kiểm toán những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm, được xã hội quan tâm, tiềm ẩn nhiều rủi ro tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kết quả kiểm toán nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách, nhằm khắc phục, hoàn thiện, bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; kiến nghị xử lý tài chính lớn, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí, tham nhũng và tiêu cực.
 
Tiêu chí thi đua, điều kiện khen thưởng đối với đối với cá nhân như sau:

Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chương trình hành động của KTNN về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản nhà nước đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; có sáng kiến, giải pháp được cấp có thẩm quyền công nhận trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; có công trình nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ phục vụ xây dựng và quản lý khai thác công trình hạ tầng.

Tham gia và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc kiểm toán, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí, tham nhũng và tiêu cực.

Sử dụng tài nguyên thiên nhiên đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; góp sức và tích cực vận động nhân dân chung sức làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi tại xã, phường, thị trấn, thôn tổ dân phố, bằng nhiều biện pháp phù hợp (góp sức người, sức của, vật lực, tài lực, hiến đất, vật liệu…). Đặc biệt, chấp hành tốt và vận động nhân dân tích cực tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Kế hoạch nêu rõ, phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030, chia thành các giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 2022 - 2025): Ban hành Kế hoạch, hướng dẫn tổ chức triển khai trong Quý I năm 2023. Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm tại các đơn vị và KTNN trong năm 2025, để triển khai giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030): Trên cơ sở sơ kết, đánh giá kết quả việc thực hiện Giai đoạn 1, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng KTNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện khi có Kế hoạch của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục triển khai Giai đoạn 2 của phong trào thi đua.

Để tổ chức thực hiện, kế hoạch quy định rõ:

Căn cứ Kế hoạch này, các đơn vị trực thuộc KTNN xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua, với các chỉ tiêu thi đua cụ thể, gắn với mục tiêu, nội dung chi tiết tại Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của KTNN và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm đảm bảo phong trào thi đua diễn ra liên tục, đạt hiệu quả cao.

Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng KTNN (Ban Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng KTNN) có trách nhiệm hướng dẫn sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, tổng hợp kết quả thực hiện phong trào thi đua, hồ sơ trình khen thưởng của các đơn vị, để tham mưu, đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua. Đồng thời, định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện phong trào thi đua của Ngành, trình Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước báo cáo Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) theo quy định tại Quyết định số 1478/QĐ-TTg ngày 28/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Báo Kiểm toán, Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán, Cổng thông tin điện tử KTNN đưa tin về phong trào thi đua Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, gắn với việc đẩy mạnh tuyên truyền mô hình, cách làm mới và hay, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023”, tạo sức lan tỏa sâu rộng, tạo thế và lực mạnh mẽ trong toàn Ngành, thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2024)./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »