Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

21/08/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong hai ngày 19-20/8/2009, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đến dự có các đồng chí Phó Tổng KTNN: Hoàng Hồng Lạc và Lê Hoàng Quân; đại diện lãnh đạo đơn vị và đại diện lãnh đạo cấp phòng có liên quan của hầu hết các đơn vị trực thuộc KTNN.

    Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đưa ra lấy ý kiến bao gồm: Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), Quy trình kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Quy trình kiểm toán Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và Quy trình kiểm toán các tổ chức tài chính - ngân hàng (TCTC-NH). Thay mặt Lãnh đạo KTNN, đồng chí Hoàng Hồng Lạc đã chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.
    Dự thảo Quy chế KSCLKT bao gồm 5 chương và 38 điều. Hoạt động KSCLKT được trình bày trong Dự thảo là hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiến nghị xử lý các sai phạm trong hoạt động kiểm toán của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ và KSCLKT) đối với việc thực hiện các giai đoạn của quy trình kiểm toán trong một cuộc kiểm toán nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, sự vận dụng thích hợp các chế độ kiểm toán trong quá trình kiểm toán và thực hiện đầy đủ các mục tiêu kiểm toán một cách có hiệu quả; ngăn ngừa, khắc phục các sai phạm trong quá trình kiểm toán trước khi phát hành báo cáo kiểm toán. Đối tượng điều chỉnh của Quy chế gồm: Vụ CĐ và KSCLKT; Đoàn KSCLKT; Đoàn kiểm toán nhà nước và đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Về mục tiêu, hoạt động này nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, chấp hành chế độ kiểm toán và vận dụng thích hợp các phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán, góp phần đảm bảo chất lượng kiểm toán, hiệu lực kết luận, kiến nghị kiểm toán và hiệu quả hoạt động KTNN. Dự thảo đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị đã qua 5 lần chỉnh sửa trên cơ sở gửi lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực, đồng thời tham khảo ý kiến của cơ quan KTNN một số quốc gia. 
    Dự thảo Quy trình kiểm toán CTMTQG gồm có 5 chương, quy định trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các bước công việc của cuộc kiểm toán CTMTQG. Trước khi đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị, Dự thảo đã được gửi tới các đơn vị trong ngành nghiên cứu, đóng góp ý kiến theo Công văn số 371/KTNN-PC ngày 24/4/2009. Đã có 12 đơn vị gửi văn bản đóng góp ý kiến, trong đó 5 đơn vị nhất trí hoàn toàn vời dự thảo, 7 đơn vị khác nhất trí với nội dung và kết cấu dự thảo, đồng thời đề nghị chỉnh sửa, bổ sung một số vấn đề. 
    Dự thảo Quy trình kiểm toán DNNN bao gồm 5 chương và phần phụ lục hướng dẫn kiểm toán; quy định trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các công việc của mỗi cuộc kiểm toán DNNN. Thực hiện Công văn số 453/KTNN-CĐ ngày 15/5/2009, Dự thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của 09 đơn vị trong ngành, trong đó có 04 đơn vị nhất trí với nội dung và kết cấu dự thảo, ngoài ra có ý kiến bổ sung và chỉnh sửa một số chi tiết, nội dung. 
    Dự thảo Quy trình kiểm toán các TCTC-NH bao gồm 5 chương và phần phụ lục hướng dẫn kiểm toán. Quy trình này quy định trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành kiểm toán đối với các TCTC-NH. Thực hiện Công văn số 530/KTNN-CĐ ngày 29/5/2009 của Lãnh đạo KTNN, Dự thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của 09 đơn vị trong ngành, trong đó có 02 đơn vị nhất trí với nội dung và kết cấu dự thảo, ngoài ra có ý kiến bổ sung và chỉnh sửa một số chi tiết, nội dung. 
    Dự thảo các quy trình nêu trên đều được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật KTNN, Hệ thống chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, các chế độ của Nhà nước và thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN trong các lĩnh vực tương ứng; quy định những nội dung cụ thể mang tính đặc thù đối với lĩnh vực kiểm toán tương ứng theo 04 bước: chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán, lập và gửi báo cáo kiểm toán, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. 
    Phát biểu kết luận Hội nghị, trên cơ sở ý kiến các đại biểu, đồng chí Hoàng Hồng Lạc khẳng định: các Dự thảo đưa ra lấy ý kiến lần này đều đã được chuẩn bị công phu, bên cạnh đó, các đại biểu đều đã tham gia đóng góp ý kiến một cách tích cực, trách nhiệm. Đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp và tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý tại Hội nghị để bổ sung, hoàn chỉnh các dự thảo và báo cáo Ban cán sự Đảng KTNN, Lãnh đạo KTNN xem xét, cho ý kiến chỉ đạo thực hiện. Đối với các quy trình kiểm toán, các đơn vị chuyên ngành liên quan có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ý kiến để phối hợp với đơn vị chủ trì hoàn thiện các dự thảo trước khi báo cáo xin ý kiến chỉ đạo; đối với Quy chế KSCLKT, đề nghị Vụ CĐ và KSCLKT xây dựng dự thảo theo hai phương án đã nêu, một là như Dự thảo hiện tại, hai là theo hướng điều chỉnh toàn bộ công tác KSCLKT của ngành để xin ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự và Lãnh đạo KTNN.
ĐC

Xem thêm »