Đặt vấn đề
‘Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) là cơ quan của nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát thu, chi công và đưa ra ý kiến độc lập về việc sử dụng công quỹ của ngành hành pháp. Mục tiêu cơ bản này định hướng cho công việc của tất cả các SAI dù cơ cấu tổ chức và quản lý của từng SAI có nhiều khác biệt’ (1). Từ lâu, câu hỏi đặt ra trong cộng đồng Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI) đến nay chưa có câu trả lời thống nhất là: Ai kiểm toán SAI?
Làm sao để các SAI thực hiện hiệu quả mục tiêu trên? Hơn 10 năm trở lại đây, đánh giá chéo (peer review) bắt đầu được một số SAI sử dụng như là một biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của mình. Đồng thời, đây cũng được coi là công cụ hữu hiệu chứng tỏ sự minh bạch và đáng tin cậy của SAI khi có thể trả lời thỏa đáng câu hỏi ai kiểm toán SAI?
Quan điểm của một số SAI về đánh giá chéo
Tổng Kiểm toán một số SAI tiên phong trong việc thực hiện đánh giá chéo đều đưa ra ý kiến tích cực về tác dụng và lợi ích của các cuộc đánh giá chéo mà SAI họ đã tham gia từ góc nhìn của cả người đánh giá và người được đánh giá (2) :
“Các phát hiện qua cuộc đánh giá chéo đối với SAI Áo vừa rồi khẳng định những năm gần đây SAI Áo đã làm tốt công việc của mình và nhiều bước đã được triển khai để thúc đẩy cải cách. Đối với SAI Áo, thực hiện cuộc đánh giá chéo là một trải nghiệm đáng có và hữu ích. Chia sẻ các ý tưởng và bài học đúc kết được với các SAI khác giúp chúng ta thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi SAI. Bằng việc phát hành toàn văn báo cáo đánh giá chéo, SAI Áo chứng minh rằng sự minh bạch có tầm quan trọng then chốt ngay cả với công việc nội bộ của SAI.” - Tiến sĩ Josef Moser, Chủ tịch Tòa thẩm kế Áo.
“... Estonia đang chuẩn bị cho việc gia nhập Liên minh châu Âu, khác biệt về quản lý và giải trình trách nhiệm tài chính, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với Cơ quan kiểm toán quốc gia Estonia (NAOE). Đánh giá chéo giúp hoạch định vai trò của NAOE trong quá trình thực hiện các bước cần thiết để đối phó với thách thức kể trên, có thể gồm cả sửa đổi luật, thành lập một ủy ban phù hợp tại Nghị viện, vv...[...] Định kỳ đánh giá chéo cần mang tính bắt buộc và kết quả chính cần được công khai. Tôi thừa nhận rằng không phải đồng nghiệp nào cũng nhất trí với quan điểm này của tôi, tuy nhiên quan điểm đó xuất phát từ thực tế là chúng ta nợ người đóng thuế của đất nước mình, cũng như rộng hơn là những người đã ủng hộ chúng ta. [...] Đánh giá chéo mang lại lợi ích song phương, cả hai bên đều thấy bổ ích cả cho tư duy và học tập. [...] Đánh giá chéo là công cụ đảm bảo chất lượng quan trọng và tôi mạnh dạn đề nghị tất cả các đồng nghiệp áp dụng nó. NAOE đang chuẩn bị cho cuộc đánh giá chéo lần thứ ba của mình với mục tiêu xác định chúng tôi có đang đi đúng đường khi thực hiện ISSAI và trong hoạt động đảm bảo chất lượng cao cho công việc của mình hay không.” – Mihkel Oviir, Tổng Kiểm toán Estonia.
“Năm 2008, Tòa thẩm kế châu Âu (ECA) được đánh giá chéo lần đầu tiên bởi các SAI Canada (Trưởng nhóm), Áo, Na-uy và Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó, ECA cũng chủ trì cuộc đánh giá chéo đối với SAI Na-uy năm 2010/2011 với sự tham gia của SAI Áo và Phần Lan. Kinh nghiệm mà ECA thu được trên cương vị được đánh giá và đánh giá đều rất tích cực, giúp tổ chức của chúng ta xây dựng được văn hóa thường xuyên hoàn thiện và chứng minh cho các bên liên quan rằng chúng ta cam kết thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình không chỉ của người khác mà cả với chính mình. ECA vì vậy tin vào lợi ích của cuộc đánh giá như vậy và hiện đang lập kế hoạch triển khai cuộc đánh giá chéo tiếp theo vào năm 2012.” – Vitor Caldeira, Chủ tịch Tòa thẩm kế châu Âu.
“Các cuộc đánh giá chéo đưa lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên tham gia. SAI đánh giá hiểu thấu đáo hơn về quy trình và phương pháp của một SAI đồng nghiệp. Từ đó họ có thể xác định những thông lệ tốt thông qua so sánh bộ máy và quy trình của mình với bộ máy và quy trình của SAI được đánh giá. SAI Đức đã tham gia 04 cuộc đánh giá chéo và qua mỗi lần chúng tôi đều xác định được nhiều gợi ý và ý tưởng tốt cho công việc của chính mình.” – Giáo sư, Tiến sĩ Dieter Engels, Chủ tịch Tòa thẩm kế Đức.
“Đánh giá chéo: thực hiện thôi! Nó giúp đưa bạn đi đúng hướng, dù bạn có đang bị thôi thúc bởi việc được đánh giá hay tự thấy cần đi đánh giá thì cũng đều nhận được phần thưởng là hiểu sâu về những điều làm cho đồng nghiệp của mình nổi tiếng. Đánh giá chéo cũng đưa đến triển vọng toàn thế giới cùng chung động lực và xác định những gì mang tính khu biệt của riêng mình. Tóm lại: đó là một trải nghiệm giá thấp, đừng bỏ lỡ.” – Saskia J. Stuiveling, Chủ tịch Tòa thẩm kế Hà Lan.
“Cơ quan kiểm toán tối cao Ba Lan (NIK) được đánh giá chéo hai lần vào năm 2000 và 2006, năm 2012 chúng tôi sẽ đánh giá chéo một lần nữa. Đánh giá chéo là một trải nghiệm đầy phấn khởi và nhiều bổ ích, khi bạn nhận được ý kiến khách quan và lời tư vấn thiết thực của đồng nghiệp là các chuyên gia về kiểm toán nhà nước cảm giác sẽ thực sự rất đặc biệt, hiếm có ngay cả trong cộng đồng kiểm toán với nhau. Độc lập với truyền thống làm việc của SAI và hiện trạng đất nước được đánh giá khiến cho cuộc đánh giá chéo thực sự là một công cụ quản lý hữu ích, có thể bổ sung, thậm chí thay thế nhiều loại hình đánh giá khác.” – Jacek Jazierski, Chủ tịch Cơ quan kiểm toán tối cao Ba Lan.
“Ấn tượng chung từ ba cuộc đánh giá chéo mà chúng tôi tham gia cả với cương vị là SAI được đánh giá và SAI đánh giá là hết sức tích cực. Trong các năm 2004/2005 SAI Đức đã thực hiện đánh giá chéo đối với SAI Thụy Sĩ. Năm 2008 SAI Na-uy thực hiện phân tích năng lực về đánh giá và kiểm toán hoạt động của chúng tôi. Cuộc cuối cùng là cuộc đánh giá chéo mà SAI Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ cùng thực hiện đối với SAI Áo. Bài học rút ra từ ba cuộc đánh giá chéo nêu trên chứng minh rõ ràng rằng đây không phải là đường một chiều. Các bên tham gia, SAI đánh giá và SAI được đánh giá, đều hưởng lợi to lớn từ việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm chặt chẽ và năng suất như vậy, đúng như tôn chỉ của INTOSAI “Trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau làm lợi cho tất cả”. Áp dụng cách tiếp cận là một SAI đối tác tiến hành đánh giá chuyên môn một cách không thiên vị giúp xác định được cả những yếu kém và hành động cần thiết trong tương lai của mình.” – Kurt Gruter, Chủ tịch Cơ quan kiểm toán tối cao Thụy Sỹ.
“Một cuộc đánh giá chéo giúp bạn trả lời câu hỏi ‘Ai kiểm toán kiểm toán viên?’. Qua việc tự nguyện thực hiện đánh giá chéo, bạn mở cửa công việc của mình cho bên ngoài đánh giá và kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán được quốc tế chấp thuận. Điều này vô cùng quan trọng cả trên bình diện quốc gia và quốc tế. Một cuộc đánh giá chéo đòi hỏi rất nhiều điều, nhưng nó mang lại lợi ích và làm gia tăng giá trị hơn cả sự mong đợi. Các kiến nghị làm rõ việc quản lý đơn vị có đang đi đúng hướng không và tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về biện pháp chấn chỉnh để công việc hiệu lực hơn, chất lượng cao hơn. Với vị trí độc tôn mà SAI nắm giữ trong khu vực công, khi các điều kiện đang đổi thay nhanh chóng và nhiều thách thức mới chúng ta phải đối mặt thì đánh giá chéo là một khoản đầu tư thời gian và nguồn lực đáng thực hiện đối với tất cả các SAI tham gia.” – Jan Jasovsky, Chủ tịch Cơ quan kiểm toán tối cao Cộng hòa Slovakia.
“Tôi nhận thấy rằng tham gia đánh giá chéo là cực kỳ đáng làm đối với mỗi cán bộ nhân viên và hữu ích đối với cơ quan chúng ta cả cho công việc hàng ngày cũng như khi chuẩn bị cho cuộc đánh giá chéo đối với SAI chúng ta dự kiến vào năm 2013. Cán bộ tham gia đều hưởng lợi từ kinh nghiệm và hiểu biết về các thông lệ tốt từ SAI được đánh giá cũng như từ các đồng nghiệp trong đoàn đánh giá, đây là những yếu tố đầu vào đã được chứng minh là có giá trị đối với Cơ quan kiểm toán quốc gia Thụy Điển.” – Claes Norgren, Tổng Kiểm toán Thụy Điển.
“Cơ quan trách nhiệm giải trình chính phủ Hoa Kỳ (GAO) hưởng lợi từ nhiều cuộc đánh giá chéo đối với thực tiễn kiểm toán hoạt động và kiểm toán tài chính của mình, đồng thời cũng đã giúp thực hiện nhiều cuộc đánh giá đối với các SAI khác. Các cuộc đánh giá đó cùng chung đặc điểm là chúng đều nêu ra ví dụ về thực tiễn tại SAI được đánh giá mà các cơ quan kiểm toán quốc gia khác muốn phát huy, cũng như đưa ra đề xuất mang tính xây dựng để các SAI xem xét. Vai trò của chúng tôi khi thực hiện đánh giá chéo và kết quả của các cuộc đánh giá chéo đối với chúng tôi là cực kỳ hữu ích trong việc tăng cường khuôn khổ đảm bảo chất lượng kiểm toán của mình. Nói tóm lại, các cuộc đánh giá chéo của GAO đã khẳng định rằng Nghị viện và nhân dân Hoa Kỳ có thể tin tưởng rằng công việc của GAO là độc lập, khách quan và đáng tin cậy – những đặc tính quan trọng nhất mà bất kỳ tổ chức kiểm toán nào cần sở hữu.” – Gene Dodaro, Tổng Kiểm toán Hoa Kỳ.
Đánh giá chéo là gì?
Vài năm gần đây, số lượng các cuộc đánh giá chéo trong cộng đồng INTOSAI đã gia tăng đáng kể. Điều này đặt ra nhu cầu chung về một bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện đánh giá chéo áp dụng trong cộng đồng INTOSAI. Tại mục Chiến lược đề xuất số 4, Mục tiêu 2, Kế hoạch chiến lược 2005-2010, INTOSAI đã giao nhiệm vụ này vào tháng 3/2006 cho Tiểu ban 3 thuộc Ủy ban tăng cường năng lực của INTOSAI. Tiểu ban 3 (3) đã hoàn thành việc xây dựng tài liệu ‘Hướng dẫn đánh giá chéo’ (4) và ‘Danh mục kiểm tra trong đánh giá chéo’ (5) . Đại hội INTOSAI lần thứ XX (tháng 11/2010 tại Nam Phi) đã chính thức thông qua bộ tài liệu này và đặt tên là ISSAI 5600.
Theo ISSAI 5600, đánh giá chéo có thể được hiểu là cuộc đánh giá đối với một SAI do một hay nhiều SAI đối tác thực hiện nhằm đảm bảo rằng SAI được đánh giá tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp áp dụng, luật và các quy định của quốc gia về công tác kiểm toán.
Vì sao lại đánh giá chéo?
SAI tự quyết định tham gia là chủ thể hay khách thể của một cuộc đánh giá chéo, không SAI nào bắt buộc phải tham gia một cuộc đánh giá như vậy. SAI toàn quyền quyết định nội dung và thủ tục đánh giá chéo.
Có nhiều lý do để SAI tham gia một cuộc đánh giá chéo, như: muốn cải thiện các quy trình và kết quả hoạt động của mình, muốn đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng công việc thực hiện theo tiêu chuẩn cao, muốn phản bác các ý kiến phê bình hay chỉ trích và đặc biệt là SAI và kiểm toán viên của mình được hưởng lợi rất nhiều từ việc thực hiện kiểm toán trong các môi trường khác, các tổ chức khác và cũng như từ việc nâng cao năng lực và kỹ năng của mình.
Mục tiêu đánh giá chéo
Ngoài mục tiêu chung là đảm bảo SAI được đánh giá tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp áp dụng, luật và các quy định của quốc gia về công tác kiểm toán. Tham gia một cuộc đánh giá chéo, SAI cũng nhằm theo đuổi các mục tiêu cụ thể như: giúp SAI xác định những lĩnh vực và chức năng mình cần tăng cường năng lực; giúp SAI đưa ra quyết định được thông tin đầy đủ về biện pháp hoàn thiện hoạt động và thực hiện nhiệm vụ của mình; hướng tới hay nâng cao nhận thức về các thông lệ tốt nhất của quốc tế; giúp SAI có được ý kiến độc lập về thiết kế và vận hành của bộ máy quản lý chất lượng của SAI; tạo sự đảm bảo về tính hợp lý của hoạt động, báo cáo của SAI và sự tuân thủ của cán bộ SAI.
Phạm vi và nội dung đánh giá chéo
Cuộc đánh giá chéo có thể thực hiện đối với công tác kiểm toán và/hoặc các chức năng thể chế nói chung, hay chỉ giới hạn đối với một hoạt động cụ thể của SAI. Ví dụ, cuộc đánh giá chéo có thể chỉ được thực hiện đối với một lĩnh vực kiểm toán hoặc riêng một chức năng nào đó.
Tùy vào trình độ phát triển của SAI được đánh giá mà nội dung đánh giá có thể là đánh giá các quy trình và chế độ, chính sách kiểm soát chất lượng đã đầy đủ và đáp ứng yêu cầu chưa; hay đánh giá xem hiện nay SAI đang ở vị trí nào và đâu có thể là bước đầu tiên để nhất quán giữa chiến lược, kế hoạch phát triển với thực tiễn hoạt động kiểm toán của SAI.
Tác dụng và lợi ích của đánh giá chéo
Một cuộc đánh giá chéo có thể đưa lại các tác dụng và lợi ích trước mắt và lâu dài cho SAI nói riêng và cộng đồng INTOSAI nói chung. Cụ thể, nó giúp tạo ra sự đảm bảo hợp lý về kết quả thực hiện nhiệm vụ của SAI; tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán khác nhau; cải tiến và hoàn thiện các quy trình kiểm toán chuyên sâu; xác định các thông lệ tốt mà SAI đánh giá và SAI được đánh giá áp dụng và có thể phổ biến rộng rãi; nâng cao hay đảm bảo chất lượng hoạt động; áp dụng các công cụ kiểm toán có hiệu quả; hoàn thiện hay đảm bảo chất lượng công tác quản lý và tổ chức; nhận diện điểm yếu và nhu cầu đào tạo; khẳng định liệu các cẩm nang, chế độ và quy trình nội bộ có tuân thủ ISSAI và các thông lệ quốc tế tốt nhất hay không; tiết kiệm các nguồn lực khi vận hành SAI; nâng cao hiệu lực kiểm toán; gia tăng số lượng báo cáo phát hành và nâng cao độ tin cậy của SAI từ các bên liên quan.
Quy trình đánh giá chéo
Theo thông lệ, một SAI muốn bộ máy tổ chức hoặc quy trình nghiệp vụ của mình được đánh giá thông qua một cuộc đánh giá chéo sẽ chủ động liên lạc với các SAI khác và mời họ là SAI đánh giá trong cuộc đánh giá chéo đang đề xuất. Những liên hệ ban đầu nên được thực hiện dưới dạng không chính thức để tránh cho những bất tiện về uy tín của cả hai SAI nếu đề nghị đó không thành công.
Để thuận tiện cho SAI được mời quyết định nhận lời hay không, liên lạc ban đầu này có thể kèm theo những thông tin cơ bản về SAI sẽ được đánh giá như căn cứ pháp lý, chuẩn mực kiểm toán... Nếu dự kiến cuộc đánh giá sẽ do từ 02 SAI trở lên thực hiện, cần lựa chọn một SAI chủ trì; thông thường, SAI dự kiến được đánh giá sẽ chọn SAI chủ trì, nhưng cũng có thể để cho các SAI đánh giá quyết định.
Sau khi các liên hệ đầu tiên nêu trên thành công, các bước trong quy trình thực hiện đánh giá chéo tiếp theo gồm: (i) Thỏa thuận về đánh giá chéo; (ii) Chuẩn bị và thực hiện; (iii) Theo dõi và đánh giá.
Thỏa thuận về đánh giá chéo
Sau khi SAI được đánh giá và SAI đánh giá cơ bản thống nhất về cuộc đánh giá chéo, phạm vi, nội dung, mục tiêu, thời gian, tiêu chí, ngôn ngữ, nhân sự, hồ sơ, tài liệu, quy trình thực hiện, chi phí, báo cáo cuối cùng và các điều kiện khác của cuộc đánh giá chéo cần được thể hiện dưới dạng một Biên bản ghi nhớ (MOU). Việc này nhằm đảm bảo sự đồng ý lẫn nhau về những khía cạnh cơ bản của cuộc đánh giá, đồng thời cũng nhằm tránh sự hiểu lầm về sau. INTOSAI hướng dẫn rất cụ thể về việc xây dựng MOU này trong tài liệu Hướng dẫn đánh giá chéo (ISSAI 5600).
Nội dung của cuộc đánh giá chéo có thể gồm một hay toàn bộ các khía cạnh sau: sự độc lập do luật pháp quy định, độc lập thực tế và độc lập về tài chính của SAI; công tác cán bộ (số lượng, công tác tuyển dụng, đào tạo ban đầu, đào tạo thường xuyên, phân giao nhiệm vụ, biện pháp khuyến khích); bộ máy và trình tự tổ chức bộ máy; công tác lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, các phát hiện kiểm toán, công tác báo cáo và theo dõi thực hiện sau kiểm toán; kiểm soát chất lượng công tác kiểm toán; quan hệ công chúng, tác động của kiểm toán, biện pháp đảm bảo uy tín của SAI; kiểm tra việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, quy chế nội bộ và tiêu chí đạo đức.
Về chi phí, các SAI tham gia cần thống nhất ai sẽ chịu các khoản chi phí chính khi thực hiện cuộc đánh giá chéo (kể cả chi phí dự thảo báo cáo và chi phí dịch thuật). Hay, từng SAI tham gia sẽ tự trả chi phí của SAI mình hoặc nhận một khoản tiền khoán cho phần công việc mà SAI mình đảm nhiệm. Cuộc đánh giá cũng có thể do các nhà tài trợ tài trợ toàn bộ hay một phần, nhưng cần thực hiện đúng theo các nguyên tắc của INTOSAI về tính độc lập.
Chuẩn bị và thực hiện
Lập kế hoạch
Việc lập kế hoạch cần căn cứ vào các điều khoản trong MOU. Khi bắt đầu cuộc đánh giá chéo, SAI đánh giá cần lựa chọn kỹ cán bộ tham gia và chuẩn bị đầy đủ cho các công việc sẽ triển khai. Cán bộ đánh giá cần được cung cấp đủ thông tin để làm quen với thẩm quyền pháp lý, sơ đồ tổ chức, môi trường hoạt động, các quy trình chính hiện hành, cũng như một số điều cơ bản về ngôn ngữ làm việc của SAI được đánh giá.
SAI được đánh giá nên thông báo cho toàn bộ nhân viên của mình về hình thức, phạm vi, quy trình… của cuộc đánh giá chéo nhằm giúp đảm bảo thuận tiện cho đoàn đánh giá liên hệ và làm việc; thông báo cho các cơ quan có liên quan khác để sẵn sàng khi SAI đánh giá muốn làm việc hay phỏng vấn.
SAI đánh giá cần thống nhất về thời gian và thời điểm kết thúc đánh giá, trình tự tổng hợp các phát hiện vào báo cáo cuối cùng, vai trò và trách nhiệm của những người tham gia, quy trình đảm bảo tính nhất quán của các kết luận, lịch thảo luận các phát hiện và kết luận đánh giá, bố cục và nội dung chính của báo cáo đánh giá.
Thực hiện đánh giá
Khi bắt đầu thực hiện đánh giá, cần tổ chức buổi họp thảo luận mang tính giới thiệu giữa đoàn đánh giá và các cán bộ có trách nhiệm của SAI được đánh giá. Mục tiêu, các giới hạn và thời gian thực hiện cần được giải thích và thảo luận rõ nếu cần. Kinh nghiệm cho thấy cần lưu ý những vấn đề như chi phí (cả chi phí dịch thuật và đi lại), hỗ trợ hậu cần cho đoàn đánh giá, nơi nhận báo cáo đánh giá.
Bên cạnh đó thẩm quyền, điều khoản tham chiếu về công việc và trình tự xử lý hiểu nhầm hay những khó khăn ngoài dự kiến, những khoản mục trong MOU mà thành viên đoàn đánh giá phải tuân thủ… cũng cần được công khai.
Trong tài liệu Danh mục kiểm tra trong đánh giá chéo, INTOSAI đưa ra bộ câu hỏi mà người đánh giá có thể sử dụng để thu thập thông tin khi thực hiện đánh giá. Bộ câu hỏi này được cấu trúc theo từng nhóm nội dung cụ thể, gồm: (i) Khuôn khổ chung (sự độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính, độc lập về tổ chức, thẩm quyền kiểm toán, chức năng và phương pháp kiểm toán, chiến lược, quản trị nội bộ, trách nhiệm giải trình, các kiến nghị về luật và hành chính); (ii) Chuẩn mực và quy chế nội bộ, thủ tục kiểm soát chất lượng (loại hình kiểm toán, kiểm toán tài chính và tuân thủ, kiểm toán hoạt động, các ngoại lệ và tính trọng yếu của các phát hiện, kiểm toán đồng thời, chuẩn mực kiểm toán, kiểm soát chất lượng, kiểm tra nội bộ và kiểm tra từ bên ngoài, quan hệ với các cơ quan công khác, an ninh thông tin); (iii) Các khía cạnh về cơ chế (cơ cấu và trách nhiệm, điều chỉnh nhiệm vụ kiểm toán, cấu trúc và tài liệu trong quy trình kiểm toán, các yêu cầu về kỹ thuật và hành chính, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực, chiến lược chung về nguồn nhân lực, chiến lược tuyển dụng, đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao, đào tạo kỹ năng và chuyên ngành, đào tạo quản lý, đào tạo thường xuyên, đánh giá, ý kiến của nhân viên); (iv) Phương pháp kiểm toán (chiến lược chung về lựa chọn kiểm toán, ưu tiên trong nhiệm vụ kiểm toán, lựa chọn cơ quan để kiểm toán, vấn đề hiệu quả chi phí, nguồn lực và sự hợp lý trong công tác lập kế hoạch kiểm toán; nhân sự, tài liệu và thủ tục thực hiện kiểm toán, việc kiểm tra trước khi thực hiện kiểm toán, việc lập hồ sơ liên tục, việc giám sát trong kiểm toán, kiểm tra khi kết thúc kiểm toán, chuyên môn từ bên ngoài; phương pháp, thủ tục nội bộ, quan điểm khác nhau, vấn đề mâu thuẫn bằng chứng, báo cáo về những hành vi lệch chuẩn khi báo cáo kiểm toán).
Ngoài ra, khi thực hiện đánh giá, các SAI tham gia có thể sử dụng tài liệu Hướng dẫn tăng cường năng lực tại các Cơ quan kiểm toán tối cao của INTOSAI làm cơ sở cho quá trình đánh giá.
Theo dõi và đánh giá
Có thực hiện các kiến nghị sau khi đánh giá chéo hay không hoàn toàn do SAI được đánh giá quyết định. Nếu có, hai bên có thể thống nhất là SAI được đánh giá sẽ phản hồi bằng văn bản về các ý kiến và kiến nghị trong báo cáo đánh giá chéo, có thể có cả một kế hoạch hành động kèm theo.
Ngoài ra, SAI được đánh giá có thể đề nghị đoàn đánh giá chéo xác minh mức độ thực hiện kiến nghị, sau một khoảng thời gian nào đó, ví dụ: một năm, tùy thuộc vào mức độ ưu tiên của kiến nghị để kiểm tra xem liệu các kiến nghị của họ có được thực hiện không và thực hiện đến mức độ nào. Sau khi xác minh, đoàn đánh giá cần lập một báo cáo khác về việc thực hiện các kiến nghị. Nếu việc thực hiện kiến nghị có vấn đề gì đó, đoàn đánh giá có thể sửa hoặc thay đổi kiến nghị. Tất cả các vấn đề mang tính thủ tục như phạm vi, hậu cần, chi phí, kế hoạch… của cuộc đánh giá sau đánh giá chéo cần được thống nhất trước.
Đánh giá sau đánh giá chéo phân tích và lập thành tài liệu các mục tiêu đã định trước và mức độ thực hiện các mục tiêu đó. Ngoài ra có thể còn nhằm xác định biện pháp xử lý các phát hiện của SAI, tác động của các cuộc kiểm toán hoạt động của SAI, nhận thức về SAI, phát hành tài liệu, quản lý rủi ro thể chế, quản lý quan hệ với bên ngoài…
Các phát hiện trong quá trình đánh giá chéo và kiểm tra, đánh giá sau đánh giá chéo cần được lập thành tài liệu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với SAI được đánh giá khi muốn rút kinh nghiệm cho các cuộc đánh giá chéo hay tự đánh giá sau này, cũng như phổ biến kinh nghiệm cho các SAI trong cộng đồng INTOSAI.
Thực tiễn áp dụng ISSAI 5600
Sau khi INTOSAI chính thức ban hành ISSAI 5600 tháng 11/2010, số lượng các SAI tham gia đánh giá chéo đã tăng lên đáng kể, tiên phong là các SAI châu Âu. Các SAI Thụy Điển, Phần Lan, Ai Len, Lít-va, Na-uy, Slovakia, Canada, Ấn Độ, I-rắc,… đã công khai báo cáo đánh giá chéo của mình trên website của INTOSAI.
SAI Slovakia là SAI đầu tiên áp dụng ISSAI 5600 cho cuộc đánh giá chéo của mình vào năm 2011. Cuộc đánh giá do các SAI Anh, Estonia, Ba lan và Slovenia thực hiện trong 19 ngày làm việc tại Trụ sở SAI Slovakia tại Bratislava và 01 trong 08 văn phòng khu vực. Ngoài việc nghiên cứu tài liệu, nhóm đánh giá đã có 06 cuộc họp chính thức và hàng chục cuộc trao đổi khác với cán bộ các cấp của SAI Slovakia làm cơ sở kiểm tra và đưa ra kết luận trong báo cáo cuối cùng ký và phát hành ngày 30/5/2011.
Báo cáo đánh giá chéo đối với SAI Slovakia đưa ra 18 kiến nghị được chia thành 05 nhóm. Nhóm thứ nhất, đề cập đến các hoạt động kiểm toán chính phủ trung ương, nhóm thứ hai đề cập đến hoạt động kiểm toán các khu vực và thành phố, ba nhóm còn lại liên quan đến đánh giá chất lượng kiểm toán, phát triển nguồn nhân lực và quan hệ công chúng. Trong đó, đáng chú ý là các kiến nghị sau:
- Thực hiện các hoạt động kiểm toán hướng tới mở rộng và tăng cường phương pháp kiểm toán hoạt động, nâng cao kỹ năng của cán bộ thực hiện kiểm toán hoạt động;
- Bổ sung nguồn lực cho kiểm toán các khu vực và thành phố;
- Phát triển quan hệ với các tổ chức bên ngoài để thường xuyên triển khai các cuộc đánh giá từ bên ngoài và cân nhắc áp dụng các tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ được xây dựng độc lập với cán bộ kiểm toán.
Từ kết quả đánh giá chéo, Tổng Kiểm toán Slovakia cho biết: ‘Thực hiện các nhiệm vụ của SAI Slovakia đòi hỏi quá trình hoàn thiện không ngừng, cuộc đánh giá chéo vừa rồi không phải hoạt động mang tính sự kiện đơn lẻ, mà hiện nay SAI chúng tôi đang thực hiện một kế hoạch đào tạo 3 năm do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, cũng như đang triển khai hoạt động quản lý chất lượng theo mô hình Khung đánh giá chung (CAF). Chúng tôi hiện đang xây dựng một hệ thống thông tin mới do EU đồng tài trợ. Đó là lý do vì sao cuộc đánh giá chéo có ý nghĩa đến vậy với chúng tôi: chúng tôi cần biết rằng chúng tôi đang đi đúng hướng với chất lượng và hiệu lực cao’ (6) .
Kết luận
Đánh giá chéo là một biện pháp tăng cường năng lực mới, đang ngày càng được nhiều SAI tiên tiến trong cộng đồng INTOSAI áp dụng. Hiệu quả mà đánh giá chéo đưa lại cho các SAI đã được khẳng định rộng rãi ở tất cả các tổ chức khu vực của INTOSAI. Thông qua ISSAI 5600, INTOSAI khuyến khích các SAI thành viên thực hiện đánh giá chéo nhằm tạo sự đồng bộ trong các hoạt động chung của INTOSAI hướng tới phương châm ‘Trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau làm lợi cho tất cả’ mà tổ chức này đề ra từ khi thành lập năm 1953 đến nay.
Để thay lời kết, xin trích ý kiến của ông Imrich Gal (SAI Slovakia) khi kết luận về cuộc đánh giá chéo mà SAI Slovakia đã thực hiện theo ISSAI 5600 như sau: ‘Cuộc đánh giá chéo mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, giúp dựng một tấm gương soi quy trình kiểm toán và toàn bộ hoạt động của SAI. Đánh giá chéo giúp đưa lại sự thay đổi, nhưng như Mahatma Ghandi nói: ‘Hãy là một phần của sự thay đổi mà bạn muốn thấy trong thế giới này’; tiền đề cho sự thay đổi nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của SAI có thể được tạo ra vững chắc từ các cuộc đánh giá chéo, nhưng có thay đổi hay không hoàn toàn do ý chí và hành động của con người tại SAI được đánh giá quyết định. Uy tín của SAI chỉ được xây dựng bền vững dựa trên chất lượng các sản phẩm của SAI và SAI chỉ có thể dành được sự kính nể và quyền uy khi chứng minh được rằng họ đang được quản lý với tiêu chuẩn cao’./.
-----------------------------------------------------------------
(1) INTOSAI, Peer Review Checklist, Appendix to ISSAI 5600, 2011, Tr. 5.
(2) INTOSAI, Peer Review Ambassadors, 2011.
(3) Thành viên là các SAI: Đức (Chủ trì), Bangladesh, Croatia, Estonia, Pháp, Hungary, Ma-rốc, Ba Lan, Hoa Kỳ và Tòa Thẩm kế châu Âu; SAI Slovak và SAI Thụy Điển là quan sát viên.
(4) Peer Review Guideline.
(5) Peer Review Checklist.
(6) Peer Review as a form of Capacity Building: Lessons Learned from Undergoing a Peer Review, Tr. 3.
Nguyễn Việt Hùng, Vụ Hợp tác quốc tế
Tài liệu tham khảo:
[1] INTOSAI Professional Standard Committee, ISSAI 5600: Peer Review Guideline.
[2] NAOF, Peer Review Report of the National Audit Office of Finland (NAOF), 2012.
[3] SNAO, Peer Review Report of the Swedish National Audit Office (SNAO), 12/2013.
[4] NAO, Peer Review Report of the National Audit Office of Lithuania (NAO), 2014.
[5] OAGN, Peer Review Report of the Office of the Auditor General of Norway (OAGN), 2011.
[6] INTOSAI International Jornal of Government Auditing, Peer Review as a form of Capacity Building: Lessons Learned from Undergoing a Peer Review by Dr. Jan Jasovsky, President, Supreme Audit Office of the Slovak Republic, October 2011.
[7] INTOSAI International Jornal of Government Auditing, Peer Review of the Supremen Audit Office of the Slovak Republic: Reflections of Peer Review Team Members, by PawelBanas and Jacek Mazur, Supreme Audit Office of Poland, October 2011.