Ngày 22/10, Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Anh (NAO) đã công bố bản báo cáo kết quả kiểm toán đối với hoạt động quản lý và trục xuất tội phạm nước ngoài ở Vương quốc Anh. Cuộc kiểm toán được tiến hành trong bối cảnh các cơ quan thực thi pháp luật ở quốc gia này gần như bó tay trước những kẻ tội phạm trong cộng đồng người nhập cư và di cư bất hợp pháp bởi Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR).
Báo cáo kiểm toán của NAO cho thấy số tội phạm nước ngoài đang thụ án trong trại giam và bị trục xuất khỏi Anh chưa có sự thay đổi rõ rệt từ năm 2006. Trong thời gian qua, số tội phạm nước ngoài thụ án tại Vương quốc Anh tăng nhẹ (khoảng 4), trong khi đó nhân sự của Bộ Nội vụ tham gia thực hiện các công tác liên quan đến quản lý tội phạm nước ngoài đã tăng gấp 10 lần. Điều này cho thấy sự thiếu hiệu quả trong công tác trục xuất tội phạm nước ngoài của Bộ Nội vụ. Số tội phạm nước ngoài bị trục xuất hiện thấp hơn con số năm 2010. Vương quốc Anh dường như cũng có ít động thái hơn các quốc gia châu Âu khác trong việc ngăn chặn người nhập cư có tiền án tiền sự ngay từ khi nhập cảnh.
Trong cuộc kiểm toán này, các kiểm toán viên đã tiến hành phân tích khoảng 1.500 trường hợp trục xuất tội phạm bất thành và phát hiện ra rằng có thể tránh được 1/3 số trường hợp bất thành đó nếu những sai sót về hành chính, quản trị được kiểm soát và có sự phối hợp tốt hơn với các Bộ, ngành khác của Chính phủ. Đồng thời, NAO cũng cho rằng sự hạn chế trong công tác quản lý tội phạm nước ngoài tại Anh có liên quan đến hệ thống chỉ số cảnh báo (hệ thống thông tin biên giới) - một công cụ được sử dụng để nhận biết tội phạm từ nước ngoài. Được biết, Vương quốc Anh hiện đã tham gia sử dụng 2 chương trình của Liên minh châu Âu (EU), đó là hệ thống thông tin Schengen và hệ thống thông tin hình sự châu Âu, nhằm hỗ trợ tăng cường công tác giám sát tội phạm nước ngoài. Trong đó, hệ thống Schegen cho phép Chính phủ các nước thuộc EU chia sẻ thông tin về những người đã từng phạm tội nghiêm trọng.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Anh, trong năm 2010 có 102 tên tội phạm đã bị ký lệnh trục xuất, nhưng lại được tòa án cho phép tiếp tục cư trú tại Anh, cho dù không một ai trong số đó khẳng định là sẽ bị hành hạ, hay trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử nếu trở về quê hương bản quán. Tuy nhiên, cảnh sát Anh gặp khó khăn trong trục xuất tội phạm nước ngoài vì cơ quan tư pháp đã xét xử dựa theo các quy định của ECHR, đặc biệt là Điều 8 về "Quyền được tôn trọng cuộc sống cá nhân cũng như đời sống gia đình". Những kẻ cố bấu víu vào Điều 8 của ECHR đều là những tên tội phạm có tiền án tiền sự. Bản báo cáo cũng cho thấy một thực tế là trước khi ECHR có hiệu lực, không một tên tội phạm nào vin vào lý do gia đình để lần lữa việc trục xuất.
Liên quan đến việc ngăn chặn và hành động sớm, NAO cho rằng Chính phủ Anh chưa làm được nhiều trong giải quyết vấn đề tội phạm nước ngoài có tiềm năng nhập cư. Tháng 6/2013, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Di trú Anh đã phối hợp xây dựng một Kế hoạch hành động quản lý tội phạm nước ngoài, trong đó tập trung vào nỗ lực ngăn chặn sớm. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận của kế hoạch này lại chưa hiệu quả. Bộ Nội vụ cũng đã quan tâm đến việc tận dụng tốt hơn nguồn cơ sở dữ liệu thông minh và đã thay đổi các quy định về xuất nhập cảnh, song tiến bộ đạt được trong hiện đại hóa hệ thống thông tin biên giới vẫn còn hạn chế. Các kiểm toán viên cho biết, mỗi năm nước Anh có thể tiết kiệm được tới 70 triệu Bảng nếu nắm bắt được những cơ hội phát hiện sớm tội phạm nước ngoài.
Báo cáo của NAO đã làm gia tăng áp lực đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Theresa May trong việc tăng cường giám sát tội phạm nước ngoài. Bởi vì, bà Theresa hiểu rõ hơn ai hết lý do mà người tiền nhiệm Charles Clarke bị buộc phải từ chức năm 2006 là do sao nhãng trong công tác quản lý tội phạm nước ngoài. Cũng vì thế, từ khi cựu Bộ trưởng Charles Clarke bị bãi nhiệm cho đến nay, trục xuất tội phạm nước ngoài đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Bộ Nội vụ.
Theo số liệu thống kê chính thức, trong giai đoạn từ tháng 1/2009 đến tháng 3/2014, Vương quốc Anh đã có 151 tội phạm nước ngoài được phóng thích khỏi trại giam mà không xem xét đến vấn đề trục xuất; đồng thời có tới 760 phạm nhân bị kết án đã bỏ trốn, 400 người trong số này được coi là mất tích từ trước năm 2010, trong đó có 58 trường hợp được quy vào loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay số tội phạm nước ngoài tại Anh là 12.250 người. Chỉ riêng năm 2013, Chính phủ Anh đã phải tiêu tốn 850 triệu bảng Anh cho việc quản lý số tội phạm này.
Ông Amyas Morse - Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Anh cho biết: “Quản lý tội phạm nước ngoài ở Vương quốc Anh và trục xuất những người đã hết thời gian thụ án là một bài toán khó. Tuy nhiên, với những quyền hạn và nguồn lực được tăng cường thì Bộ Nội vụ dường như đạt được ít tiến bộ trong công tác này. Song NAO đánh giá việc Chính phủ tập trung vào các biện pháp ngăn ngừa và hành động sớm là một bước đi đúng đắn và khả thi”./.
(Nguồn: The Guardian và Nao.org.uk)
Theo Báo Kiểm toán số 45/2014