Ngành kiểm toán Pháp trong vấn đề quốc tế hóa

17/03/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sự xuất hiện của các hãng kiểm toán quốc tế từ Bắc Mỹ tại thị trường nước Pháp đã có những tác động nhất định đến ngành nghề kiểm toán của quốc gia này.

Nghề kiểm toán tại Pháp và sự toàn cầu hóa
Trước Thế chiến II, các công ty lớn của Pháp chỉ tập trung vào một số ngành như khai khoáng, sắt thép; số lượng các công ty cổ phần còn hạn chế. Sau Thế chiến II, tham khảo kiến thức quản lý và phương pháp tiên tiến của Mỹ, Pháp đã hiện đại hóa nền công nghiệp nhằm tăng năng suất sản xuất. Bối cảnh này đã tạo điều kiện để các hãng kiểm toán quốc tế từ Bắc Mỹ phát triển ở Pháp một cách dễ dàng hơn. 

Nhờ vị thế tài chính mạnh hơn từ liên kết vững chắc, các hãng kiểm toán quốc tế đã giành được nhiều khách hàng hấp dẫn từ tay những công ty kiểm toán của Pháp. Một số ý kiến cho hay, các công ty kiểm toán của Bắc Mỹ đã báo giá thấp dịch vụ kiểm toán để tiếp cận khách hàng, sau đó “kiếm tiền” từ các dịch vụ tư vấn. Ngoài vị thế tài chính, các công ty quốc tế còn đạt nhiều lợi thế hơn về tổ chức, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đồng thời đã tiếp cận phương pháp kiểm toán một cách hiện đại và toàn diện. Trong khi đó, những nghiên cứu trước đây cho thấy hầu hết các kiểm toán viên Pháp vẫn còn tiếp cận việc xác nhận báo cáo tài chính từ một góc độ khá hẹp. Các thông lệ kiểm toán của Pháp và của các nước Bắc Mỹ lúc bấy giờ có một khoảng cách khá lớn. 

Phạm vi các dịch vụ cung cấp của các công ty kiểm toán quốc tế cũng vượt trội hơn hẳn các công ty kiểm toán của Pháp. Trong hai thập niên 1970 và 1980, các hãng kiểm toán của Pháp chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn thuế. Trong khi đó, các hãng quốc tế lại sở hữu một hệ thống dịch vụ đa dạng từ dịch vụ tư vấn thuế, tư vấn tuyển dụng, tài chính doanh nghiệp, tư vấn môi trường…

Do vẫn hạn chế về quy mô và danh tiếng khi mở rộng ra nước ngoài, nên các công ty Kiểm toán Pháp “yếu thế” hơn hẳn các công ty của Bắc Mỹ - vốn đã có mạng lưới tồn tại trong thời gian dài và đã xác lập được chỗ đứng vững chãi tại nhiều thị trường trên thế giới.

Có thể nói, trong những năm 1980, các hãng kiểm toán quốc tế lớn đã chi phối thị trường kiểm toán Pháp. Năm 1983, trong tổng 591 hãng kiểm toán có quy mô hơn 20 người tại Pháp, chỉ 10 hãng có hơn 200 nhân viên và chiếm 1/3 toàn ngành về nhân lực. Trong số đó, 9 hãng thực hiện kiểm toán cho 48,3 các công ty niêm yết tại Pháp. Đến năm 1997, các hãng kiểm toán có quy mô hơn 50 nhân viên chỉ tuyển dụng 1,3 số kế toán, kiểm toán viên của Pháp nhưng đã kiếm hơn 29 tổng doanh thu của ngành. 

Những biện pháp tác động lên ngành nghề
Sau Thế chiến thứ II, một phần cộng đồng doanh nghiệp Pháp vẫn giữ quan điểm truyền thống, đối kháng lại những quan điểm hiện đại hóa. Sự “cổ hủ” này đã hạn chế tiềm năng tăng trưởng của các hãng kiểm toán Bắc Mỹ tại Pháp. 

Nhiều quy định nghiêm ngặt theo quan điểm truyền thống trong luật doanh nghiệp về việc ban hành các báo cáo cho bên thứ ba đã tạo ra rào cản đáng kể cho các hãng kiểm toán Bắc Mỹ thâm nhập thị trường kiểm toán Pháp. Ngoài ra, để vượt qua sự khác biệt khá lớn về văn hóa và luật pháp, chiến lược của các hãng kiểm toán quốc tế đã phải thay đổi để phù hợp hơn trên đất Pháp. Theo đó, các công ty đã bắt đầu tuyển dụng người Pháp và thăng tiến họ lên các vị trí chủ phần hùn. 

Chính sách của Pháp trong giai đoạn này, thông qua một số biện pháp, vô hình trung đã tạo thêm khó khăn cho các hãng kiểm toán Bắc Mỹ. Trước hết, Pháp quy định các hãng kiểm toán quốc tế phải đăng ký dưới tên tiếng Pháp mới được thực hiện các cuộc kiểm toán bắt buộc. Trong khi đó, thương hiệu chính là giá trị đem lại cho các công ty quốc tế lợi thế vượt trội so với các đối thủ kém nổi tiếng khác. Theo quy định này, một số công ty, trong đó có Arthur Andersen đã phải đăng ký hoạt động dưới tên tiếng Pháp. 

Biện pháp thứ hai là cấm các công ty kiểm toán có hoạt động quảng cáo do lo ngại về lệch lạc thị trường (đến năm 2005, Pháp mới đồng ý cho phép các công ty kiểm toán thực hiện hoạt động này). Pháp còn ra quy định: các thực tập sinh chỉ được dành 1 trong 3 năm thực tập tại một công ty kiểm toán nước ngoài nếu muốn trở thành thành viên trong các tổ chức nghề nghiệp. Từ đó, đã có một số lượng kiểm toán viên chuyển từ các hãng kiểm toán Bắc Mỹ sang các hãng lớn của Pháp. Peat Marwick là một ví dụ, công ty đã để “tuột” 10 kiểm toán viên trẻ, có triển vọng khi những người này chuyển sang thực tập tại công ty kiểm toán Pháp Mazars và đã ở lại tiếp tục làm việc cho công ty này./.

Theo Báo Kiểm toán số 11/2014

Xem thêm »