Kiểm toán Chương trình cho vay phát triển chăn nuôi nông nghiệp Sri Lanka: Cần điều phối tốt hơn để phát huy hiệu quả

04/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Công bố tháng 6/2013, Báo cáo kiểm toán hoạt động của KTNN Sri Lanka về Chương trình cho vay phát triển chăn nuôi nông nghiệp và Chương trình hỗ trợ lãi suất bởi Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã chỉ ra nhiều vấn đề về điều phối, giải ngân và hiệu quả hoạt động của Chương trình

Năm 2008, Chính phủ Sri Lanka đã đưa ra Chương trình cho vay phát triển chăn nuôi nông nghiệp cho nông dân nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa và nông sản ở Sri Lanka. Cùng thời điểm đó, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã quyết định triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay theo Chương trình cho vay trên của Chính phủ và đã chọn ra 14 ngân hàng để thực hiện.
 
Cuộc kiểm toán hoạt động được KTNN Sri Lanka thực hiện để xác định tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của Chương trình cho vay phát triển, với các mục tiêu đánh giá gồm: hiệu suất của các hoạt động nông nghiệp và khả năng thương mại hóa, các cơ hội việc làm mới, phổ biến và phân bổ các món cho vay trung hạn, chuyển giao công nghệ kĩ thuật... Cuộc kiểm toán thực hiện cho giai đoạn từ tháng 3/2008 đến tháng 6/2010.
 
Hiệu quả chưa cao, thiếu vắng điều phối
 
Theo Chương trình này, Chính phủ Sri Lanka đặt mục tiêu chi 5.000 triệu Rupee (hơn 38 triệu USD) cho vay tới các chủ chăn nuôi trong 3 năm, bắt đầu từ 01/3/2008. Tuy vậy, tính đến thời điểm ngày 30/6/2010, tổng số tiền cho vay mới chỉ đạt 21 (1.073 triệu Rupee). Điều này cho thấy sự kém hiệu quả trong vấn đề phân bổ và giải ngân tới nông dân.
 
Bên cạnh đó, các mục tiêu về tạo cơ hội việc làm đã không được nêu rõ ngay từ đầu. Kết quả là, số cơ hội việc làm tạo ra quá ít ỏi so với kỳ vọng khi Chương trình được đưa ra. 61/67 nông dân được phỏng vấn cho biết các khoản vay được dùng để mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh có sẵn thay vì đầu tư cho hoạt động mới, khiến số công ăn việc làm được tạo ra giảm xuống mức tối thiểu.
 
Chuyển giao công nghệ, kĩ thuật kém hiệu quả cũng là một điểm mà KTNN Sri Lanka nhấn mạnh trong báo cáo kiểm toán. Các chủ chăn nuôi sẽ không còn quan tâm đến Chương trình cho vay một khi không thể giải quyết các vấn đề mang tính kĩ thuật liên quan đến đặc điểm của từng vùng ...

Trách nhiệm của các Bộ liên quan

Bộ Tài chính và Kế hoạch Sri Lanka, với chức năng chính trong Chương trình là đảm bảo việc hoàn thanh toán lãi suất hỗ trợ đúng hạn cho các ngân hàng đầu tư và thương mại tham gia vào Chương trình, song lại để xảy ra tình trạng trì hoãn thanh toán khiến các ngân hàng quy mô nhỏ tham gia trong chương trình không còn được khuyến khích. Nhân viên của Bộ Tài chính và Kế hoạch còn không thực hiện bất kỳ một cuộc thanh tra thực nghiệm tại chỗ nào để quản lý Chương trình.
 
Bộ Phát triển chăn nuôi Sri Lanka có trách nhiệm cung cấp hỗ trợ kĩ thuật cho các chủ chăn nuôi và các ngân hàng tham gia. Vì Bộ đã không chuyển giao kĩ thuật một cách đồng đều tới các chủ chăn nuôi nên đã xảy ra tình trạng phần lớn các chủ chăn nuôi này không có nền tảng kĩ thuật đầy đủ để thực hiện các hoạt động chăn nuôi một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, nhân viên của Bộ Phát triển chăn nuôi tại cấp cơ sở, do phải tham gia vào quá nhiều dự án phát triển của nhiều tổ chức khác nhau nên sự chú ý hỗ trợ kĩ thuật cho Chương trình cho vay bị giảm đi đáng kể.  
 
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã lập nên một quỹ trong 2 năm để trả cho các nhân viên thuộc Bộ Phát triển chăn nuôi thực hiện phổ biến rộng rãi về Chương trình cho vay tới nông dân. Tuy nhiên trong năm 2009, 61/84 nhân viên được hưởng tiền thanh toán từ quỹ trên đã không khuyến khích bất kỳ một chủ chăn nuôi nào đến các chi nhánh của các ngân hàng để vay tiền. Do đó, các hoạt động của Chương trình đã không được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng các chủ chăn nuôi…
 
KTNN Sri Lanka đã đưa ra khuyến nghị đối với các ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại tham gia vào Chương trình, cụ thể: điều chỉnh và mở rộng các đối tượng hoạt động sản xuất kinh doanh được vay; điều tra về tính chân thực của hồ sơ vay vốn trước khi cho vay; điều chỉnh lãi suất theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương./.

Theo Báo Kiểm toán số 44/2013

Xem thêm »