Cơ quan Tổng Kiểm toán và kiểm soát Ấn Độ (CAG) được thành lập theo Điều 148, Hiến pháp Ấn Độ, hiện có hơn 58.000 nhân viên trên toàn quốc. CAG xác định tầm nhìn trở thành một trong những cơ quan lãnh đạo toàn cầu và tiên phong khởi xướng các phương pháp thực hành tốt nhất trong lĩnh vực kiểm toán, kế toán khu vực công.
Tham gia nhiều tổ chức chuyên môn
Theo Hiến pháp Ấn Độ, CAG có trách nhiệm kiểm toán các tài khoản công, các hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Chính phủ - liên bang, chính quyền các tỉnh, các địa phương; các cơ quan, DNNN. Hiện, CAG đã có các thỏa thuận hợp tác song phương với 17 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI), trong đó có Việt Nam.
Người đứng đầu CAG hiện nay là Tổng Kiểm toán Nhà nước Rajiv Mehrishi. Ông nắm giữ vị trí này kể từ ngày 25/9/2017. Trước đó, ông đã có gần 40 năm kinh nghiệm nắm giữ các vị trí cao cấp trong lĩnh vực tài chính và chính sách công. Hiện nay, ông Mehrishi còn là Chủ tịch Hội đồng Kiểm toán của Liên Hợp quốc và là Kiểm toán viên độc lập của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Ông cũng là thành viên của Ban Quản trị Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và Chủ tịch Ban Biên tập Tạp chí ASOSAI.
CAG từng là Chủ tịch của ASOSAI giai đoạn 2012-2015 và nằm trong Ban Quản trị ASOSAI đến năm 2018. Đến nay, CAG đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tất cả 10 dự án nghiên cứu được ASOSAI tiến hành.
Ngoài ra, CAG cũng là Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ và Chia sẻ tri thức (KSC) của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Đồng thời, CAG là Chủ tịch của Nhóm Công tác INTOSAI về Kiểm toán công nghệ thông tin, được thành lập năm 1989 nhằm hỗ trợ các SAI phát triển kỹ năng trong việc sử dụng và kiểm toán công nghệ thông tin bằng cách cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích hợp tác song phương và khu vực.
CAG cũng tham gia Diễn đàn Lãnh đạo kiểm toán toàn cầu (GALF) - trước đây là Nhóm Công tác toàn cầu. Diễn đàn này tạo cơ hội cho các Tổng Kiểm toán trao đổi, thảo luận về các vấn đề đang thu hút được nhiều sự quan tâm, các vấn đề mà các chính phủ và SAI đang phải đối mặt cũng như cơ hội chia sẻ thông tin và hợp tác chặt chẽ với nhau.
Từ tháng 12/2011 đến tháng 12/2013, CAG đã được giao nắm giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán viên độc lập (PEA) của Liên Hợp quốc với tôn chỉ hoạt động là đảm bảo tính độc lập, khách quan và thúc đẩy việc sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của các tổ chức cũng như mỗi quốc gia, đồng thời, hỗ trợ các tổ chức cải thiện hoạt động kiểm soát nội bộ.
Ủng hộ, chia sẻ và hỗ trợ KTNN Việt Nam.
Từ khi thiết lập quan hệ song phương năm 2002 đến nay, KTNN Việt Nam và CAG đã có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực. Trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác ký năm 2010, CAG đã nhiều lần mời KTNN Việt Nam tham dự các khóa đào tạo chuyên môn thường niên, thậm chí, thiết kế khóa đào tạo riêng cho KTNN Việt Nam. Hai bên cũng luôn phối hợp tích cực và hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ hoạt động của INTOSAI và ASOSAI, đồng thời cam kết tiếp tục triển khai các hoạt động trao đổi đoàn và tài liệu, tổ chức hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực cùng quan tâm và những lĩnh vực kiểm toán mà CAG có thế mạnh như: môi trường, công nghệ thông tin, khoáng sản, dầu mỏ.
KTNN Ấn Độ luôn thể hiện sự ủng hộ và nhất trí cao trong việc hỗ trợ KTNN Việt Nam đăng cai Đại hội ASOSAI lần thứ 14. Với những kinh nghiệm về tổ chức Đại hội ASOSAI năm 1979 và 2012, KTNN Ấn Độ đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ KTNN Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến công tác đăng cai Đại hội, các lĩnh vực kiểm toán mà CAG có thế mạnh và việc thực hiện vai trò Chủ tịch, thành viên Ban Điều hành ASOSAI.
Trong 2 thập kỷ qua, CAG đã có nhiều kinh nghiệm về kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, đặc biệt là đã thành lập Trung tâm Chuyên về kiểm toán môi trường và phát triển bền vững, cung cấp nhiều khóa đào tạo cho Kiểm toán viên trong và ngoài nước. Đây là trung tâm đào tạo quốc tế cho Kiểm toán viên thuộc Nhóm Kiểm toán môi trường của INTOSAI.
10 năm qua, CAG đã thực hiện 90 cuộc kiểm toán môi trường. Đây là điều rất đáng để KTNN Việt Nam học hỏi, đặc biệt là trong bối cảnh KTNN Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và đang gấp rút chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội ASOSAI 14 với chủ đề: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.
(Theo CAG và ASOSAI)
(Báo Kiểm toán số 20/2018)