Ấn Độ: Đội vốn lớn tại các dự án xử lý nước

21/08/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Ấn Độ (CAG) vừa qua đã đệ trình lên Quốc hội nước này bản Báo cáo kiểm toán cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2017. Báo cáo nêu lên nhiều yếu kém và sai phạm trong các dự án, chương trình cấp thoát nước, xử lý nước tại Ấn Độ. Trong đó, CAG đặc biệt chỉ trích những sai phạm tại Công ty Phát triển hạ tầng cấp thoát nước (SIDC) trong công tác quy hoạch, đấu thầu và thực hiện các dự án xử lý nước, dẫn đến lãng phí, thất thoát hàng tỷ Rupee.

SIDC là DNNN nằm dưới sự quản lý của Cơ quan Quản lý các công trình công ích (PWD), chủ yếu thực hiện các dự án xử lý nước tại miền Tây Ấn Độ. Qua kiểm toán, CAG đã chỉ ra một số vấn đề liên quan đến tài chính dự án của SIDC. Tiêu biểu như dự án tại vùng Porvorim, dựa trên báo cáo dự án chi tiết, vào tháng 4/2010, PWD đã giao cho Công ty này thực hiện việc xây lắp mạng lưới nước dài 171,4 km và xây dựng 3 nhà máy xử lý nước với chi phí ước tính khoảng 210 vạn Rupee (khoảng 30 triệu USD). Tuy nhiên, đến tháng 4/2014, mặc dù còn 3 năm nữa các hạng mục này mới được hoàn thành song chi phí ước tính đã lên tới 284 vạn Rupee.

Bên cạnh đó, CAG cũng chỉ trích SIDC yếu kém trong vấn đề quy hoạch và không tuân thủ theo các quy định về thực hiện dự án đối với các dự án tại Navelim và Margao. Cụ thể, Công ty đã tiến hành việc lắp đặt đường ống kích thước lớn cho các công trình bắc ngang qua đường sắt mà không được chỉ định trong quy cách kỹ thuật gói thầu, dẫn đến việc đội thêm chi phí gần 5 vạn Rupee.

Cuộc kiểm toán được thực hiện trong bối cảnh Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất chưa từng có trong lịch sử. Thiếu nước trầm trọng đang đe dọa hàng triệu sinh mạng của người dân nước này, kéo theo nhiều hệ quả khác về kinh tế - xã hội, an ninh lương thực. Theo báo cáo cập nhật mà Bộ Quản lý tài nguyên nước Ấn Độ mới công bố, 21 thành phố của Ấn Độ sẽ không còn nước ngầm vào năm 2020 và khoảng 40% dân số Ấn Độ thậm chí không có nước uống vào năm 2030. Ông Samrat Basak - Giám đốc Viện Tài nguyên Thế giới tại Ấn Độ - cho biết, chính hệ thống quản lý ì ạch, kém hiệu quả góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng hiện nay của Ấn Độ.

(Theo The Hindu và Times of India)
(Báo Kiểm toán số 32/2018)

Xem thêm »