Qua Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2009-2011 cho thấy, công tác quản lý việc thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại một số địa phương vẫn còn bất cập.
Kết quả kiểm toán chỉ rõ, có địa phương áp dụng quy định ký quỹ phục hồi môi trường theo văn bản pháp luật mà địa phương đã ban hành từ nhiều năm qua chứ không áp dụng theo quy định tại Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là trường hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phú Yên - cơ quan này đã thông báo cho các DN khai thác, chế biến khoáng sản được thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2776/2002/QĐ-UBND mà UBND tỉnh Phú Yên đã ký ban hành từ ngày 25/9/2002, chứ không áp dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, đối chiếu tại một số DN, KTNN đã phát hiện còn có tình trạng ký quỹ được nộp vào tài khoản tiền gửi của công ty tại một số tổ chức tín dụng có thể rút ra mà không bị ràng buộc theo quy định của pháp luật về ký quỹ. Trong Báo cáo này, KTNN đã yêu cầu một số Bộ, ngành, địa phương được kiểm toán cần đôn đốc nộp đầy đủ tiền ký quỹ phục hồi môi trường, làm thủ tục chuyển số tiền ký Quỹ Bảo vệ môi trường và lãi đang gửi ngân hàng về Quỹ Bảo vệ môi trường.
Tình hình thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường sẽ được chấn chỉnh trong thời gian tới do Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã được thông qua và các Nghị định hướng dẫn thi hành đang được lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện. Vì thế, việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong thời gian tới sẽ được quy định như thế nào đang trở thành mối quan tâm của nhiều DN.
Ông Dương Thanh An - Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) cho biết, trong Dự thảo lần 2 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014 vẫn duy trì quy định ký quỹ phục hồi môi trường đối với các DN đang hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời Dự thảo quy định Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối có trách nhiệm xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các hướng dẫn triển khai hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể, tại Điều 62 Chương VIII của Dự thảo Nghị định quy định các DN hoạt động khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản với số tiền ký quỹ bằng tổng kinh phí thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường. Tiền ký quỹ được hưởng lãi suất tiền gửi và được tính từ thời điểm ký quỹ. DN chỉ được rút tiền lãi một lần sau khi có giấy xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường. Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tổ chức, cá nhân đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung được phê duyệt.
Đây có thể được coi là biện pháp mạnh mẽ để giảm thiểu thiệt hại về môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản nhưng cũng có ý kiến cho rằng các quy định này là “khắc nghiệt” đối với các DN. Tại cuộc Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014 vừa được tổ chức, nhiều DN và Hiệp hội cho rằng quy định cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản là gánh nặng và thiệt thòi về tài chính cho DN; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tiêu cực của các đơn vị được giao quản lý số “tiền chết” này.
Từ hoạt động thực tiễn, ông Trần Miên - đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phân tích, đối với ngành than, mỗi dự án có thể kéo dài 30 năm hoặc lâu hơn. Như vậy, số tiền ký quỹ phải duy trì trong từng đó thời gian là một điều bất hợp lý. Bởi vì khi thực hiện dự án nếu ảnh hưởng xấu tới môi trường, DN đã phải bỏ ngay kinh phí ra để xử lý, khắc phục hậu quả. Cộng với số tiền ký quỹ là tiền nằm “chết” trong Quỹ Bảo vệ môi trường hoặc trong tổ chức tín dụng thì chẳng khác nào DN phải chịu 2 lần chi phí khắc phục hậu quả, cải tạo môi trường. Hơn nữa, việc rút tiền ký quỹ ra đối với DN cũng không dễ vì việc xác nhận hoàn thành đề án cải tạo môi trường không đơn giản. Có thể các đề án cải tạo môi trường đã được phê duyệt, nhưng sau này DN áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ hơn, có giải pháp phù hợp với môi trường hơn, nhưng lại không đúng với nội dung đề án đã phê duyệt dẫn đến khả năng DN không được công nhận “hoàn thành cải tạo môi trường theo đề án đã được duyệt” để rút được tiền ký quỹ. Theo ông Trần Miên, hai bất cập này phải được tháo gỡ để DN tự giác, tự nguyện thực hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường mà không bị thiệt thòi và cộng đồng vì thế cũng được hưởng lợi từ những công trình cải tạo môi trường đúng ý nghĩa.
Cũng cho rằng các quy định mới về bảo vệ môi trường đang tạo thêm gánh nặng về thủ tục cho DN, bà Đỗ Thị Thu Phương - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nêu rõ thực tế hiện nay, các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều đã và đang áp dụng tiêu chuẩn ISO 14000. Với tiêu chuẩn này, DN đã có một hệ thống quản lý môi trường rất tốt.
Trước những kiến nghị này, vấn đề đặt ra hiện nay là cơ quan soạn thảo Nghị định cần tìm được lời giải thích thỏa đáng cho bài toán bằng các quy định hướng dẫn để DN thực hiện nghĩa vụ một cách tích cực, tự nguyện, giúp hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và cộng đồng./.
Theo Báo Kiểm toán số 43/2014