Pakistan: Sai phạm tại các dự án đường cao tốc gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước  

06/11/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 24/10 vừa qua, Cơ quan Tổng kiểm toán Nhà nước Pakistan (AGP) đã công bố Báo cáo kiểm toán đặc biệt đối với 5 dự án xây dựng đường cao tốc trọng điểm quốc gia. Trong đó, AGP đặc biệt chỉ trích những thiếu sót của NHA trong công tác quản lý, dẫn đến nhiều sai phạm của nhà thầu, gây thiệt hại cho NSNN hàng tỷ Rupee.

Trong những năm qua, Cục Quản lý đường cao tốc quốc gia Pakistan (NHA) trực thuộc Bộ Giao thông vận tải nước này luôn tích cực khuyến khích sự tham gia của lĩnh vực tư nhân trong các chương trình xây dựng đường bộ, thực hiện cung cấp thông tin theo cơ chế một cửa dành cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, 5 năm qua, NHA đã lần lượt thực hiện 5 dự án PPP trọng điểm với tổng giá trị 3.380 triệu USD, bao gồm: Dự án Đường cao tốc Layari dài 16 km, Dự án Khuzdar - Shahdadkot (M-8) dài 151 km, Dự án Gawdar - Turbat - Hoshab (M-8) dài 193 km, Dự án Tuyến cao tốc Kalat - Quetta - Chamman (N-25) dài 226 km và Dự án Đường cao tốc Lahore - Sialkot dài 91 km. Trong đó, Dự án Đường cao tốc Lahore - Sialkot là một dự án xây dựng đường bộ lớn của Pakistan có giá trị đầu tư gần 44 tỷ Rupee (tương đương khoảng 320 triệu USD). Dự kiến, sau khi hoàn thành vào tháng 8/2019, tuyến cao tốc 4 làn đường này sẽ giúp giảm thiểu thời gian di chuyển giữa Sialkot và Lahore. NHA cho biết, trong thời gian tới, Cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai tiếp 5 dự án PPP với chi phí ước tính khoảng 1,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, thông qua cuộc kiểm toán đặc biệt đối với 5 dự án trên, AGP đã chỉ rõ NHA buông lỏng quản lý các dự án dẫn đến việc nhà thầu không thực thi các trách nhiệm trong hợp đồng, gây thất thoát lớn cho NSNN. Sai phạm này thể hiện rõ qua việc triển khai Dự án Đường cao tốc Lahore - Sialkot.

Các kiểm toán viên chỉ trích NHA có nhiều sai sót liên quan đến vấn đề trao thầu thi công, dẫn đến việc thua lỗ hàng tỷ Rupee NSNN dành cho Dự án. Cụ thể, NHA đã trao gói thầu thi công cao tốc Lahore - Sialkot theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cho Công ty Quản lý hạ tầng đường cao tốc Sialkot (LSMIM) với chi phí ước tính là 43,8 tỷ Rupee, bao gồm các công tác chính: xây dựng kỹ thuật, điều chỉnh, tư vấn, bảo hiểm. Dự án được trao cho nhà thầu thi công trong vòng 25 năm, trong đó, 2 năm dành cho công tác xây dựng và 23 năm còn lại để thu hồi chi phí thông qua thu phí cầu đường và các hoạt động thương mại khác.

Báo cáo kiểm toán cũng chỉ rõ 5 sai phạm của NHA liên quan đến Dự án. Thứ nhất, trong báo cáo tính khả thi của Dự án, NHA thỏa thuận với nhà thầu sẽ ấn định thanh toán 10 tỷ Rupee cho nhà thầu dưới dạng “Hỗ trợ khoảng trống tài chính (VGF)” - một dạng quỹ nhằm mục đích lấp lỗ hổng tài chính để đảm bảo tính khả thi của dự án đầu tư công, cùng 5 tỷ Rupee được thanh toán dưới dạng khoản vay và khoản này sẽ được thu hồi thành hai đợt là vào năm thứ 12 và năm thứ 15 của Dự án cùng với lãi vay. Song trên thực tế, NHA đã thanh toán cho nhà thầu 18 tỷ Rupee mà không có cơ sở hợp lý, làm lợi cho nhà thầu và ngân khố quốc gia thua lỗ 8 tỷ Rupee. Thứ hai, NHA đã phớt lờ phần doanh thu 20% từ thu nhập của nhà thầu mặc dù đã thanh toán trước 18 tỷ Rupee và nhà thầu được toàn quyền quyết định doanh thu của Dự án từ khoản đầu tư của họ.

Thứ ba, nhà thầu đã không thực thi trách nhiệm cung cấp hạng mục phương tiện với giá trị 25 tỷ Rupee như thỏa thuận ban đầu. Thư tư, nhà thầu không cung cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng với giá trị 1,7 tỷ Rupee theo quy định cùng với khoản bảo hiểm Dự án theo như thỏa thuận với NHA. Thứ năm, nhà thầu đã triển khai đào tạo, tập huấn cho 5 cán bộ của NHA trong lĩnh vực hợp tác công tư (PPP) từ nước ngoài, song trong thỏa thuận giữa đôi bên lại không có điều khoản này.

Cuộc kiểm toán trên được thực hiện theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Pakistan - ông Murad Saeed. Trong Văn bản gửi AGP ngày 02/10/2018, Bộ trưởng Murad Saeed đề nghị AGP tiến hành một cuộc kiểm toán đặc biệt đối với 5 dự án trọng điểm mà NHA đang triển khai, tổng hợp và đệ trình báo cáo trong vòng 30 ngày. Tại Văn bản này, ông Murad Saeed cho rằng, NHA đã chậm trễ trong việc thực hiện các dự án, dẫn đến trượt giá và các tác động trái chiều đến công tác quản trị nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Murad Saeed cũng nhấn mạnh đến việc cải cách nhà nước và không thỏa hiệp với những sai phạm về trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính phủ.

(Theo Pakistan Today và Pakistan Observer)
(Báo Kiểm toán số 44/2018)

Xem thêm »