Dự án Chương trình đào tạo dạy nghề sử dụng vốn ODA của Chính phủ CHLB Đức: Diện mạo mới cho trường nghề

18/09/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Dự án đã mang lại cho các trường nghề một lượng trang thiết bị tương đối đầy đủ, hiện đại, chất lượng tốt, đáp ứng xu hướng hiện đại hóa trong đào tạo nghề. Qua khảo sát thực tế tại trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc), phóng viên Báo Kiểm toán đã ghi nhận được những đổi thay tích cực về cơ sở vật chất kỹ thuật, mang lại diện mạo mới cho ngôi trường.

Thầy và trò trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc đang thực hành trên máy hàn cắt kim loại hiện đại được trang bị từ Dự án


Hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ đào tạo

Theo đại diện Ban quản lý Dự án, việc mua sắm trang thiết bị được thực hiện một cách chặt chẽ ngay từ khâu đấu thầu với những tiêu chí cụ thể như: trang thiết bị đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ chứng chỉ CO, CQ và phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt mà nhà tài trợ đặt ra. Hơn nữa, công tác kiểm định, nghiệm thu và bàn giao trang thiết bị cho các trường còn được kiểm tra, giám sát với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan. Nhờ đó, các trang thiết bị được mua sắm bằng nguồn tài trợ của Dự án luôn đảm bảo chất lượng tốt.

Trong quá trình kiểm toán, mặc dù KTNN không thực hiện kiểm định chất lượng thiết bị đã được lắp đặt, song Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra rằng, việc mua sắm, lắp đặt thiết bị được thực hiện theo quy định; các gói thầu thiết bị sau khi nghiệm thu chạy thử đều có đánh giá của tư vấn và được sự chấp thuận của Ngân hàng Tái thiết Đức.

Dự án đã thực sự mang lại cho các trường đào tạo nghề được thụ hưởng một diện mạo mới. Tại trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc, ông Lê Quang Chất - Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế của nhà trường đánh giá: Dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiết thực đối với nhà trường. Do trường mới được thành lập (năm 2000) nên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học còn rất thiếu thốn, chủ yếu là tận dụng những trang thiết bị, dụng cụ cũ. Thậm chí do không có trang thiết bị thực hành, nhà trường còn phải liên hệ với các DN đóng trên địa bàn để gửi học sinh đến thực hành. Nhờ có Dự án, trường đã được thụ hưởng một lượng trang thiết bị tương đối đầy đủ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học, góp phần hiện đại hóa công tác đào tạo nghề. 

Với 2 triệu EURO (tương đương khoảng 40 tỷ đồng) kinh phí của Dự án, xuất phát từ tình hình thực tế của trường cũng như xu hướng sử dụng nhân lực trên địa bàn tỉnh, trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng nhà xưởng; tập trung mua sắm trang thiết bị, dụng cụ thực hành cho đào tạo các nghề: cắt gọt kim loại, cơ điện tử và điện tử công nghiệp. Đánh giá về chất lượng trang thiết bị được đầu tư, ông Chất cho rằng, so với các trang thiết bị được mua trong nước hoặc một số nước khác, thiết bị được mua theo Dự án của Chính phủ CHLB Đức chất lượng rất đảm bảo, độ bền cao. Trang thiết bị dụng cụ chủ yếu có nguồn gốc từ Đức hoặc của một số nước khác nhưng phải đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu nhà tài trợ đặt ra. Sau khi nhận được thiết bị, nhà tài trợ còn hỗ trợ lắp đặt, bảo trì và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để trường có thể khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết bị. Định kỳ hàng năm, dù hết thời gian bảo hành, các đơn vị cung cấp thiết bị vẫn thực hiện bảo trì và sửa chữa kịp thời những sự cố. Hầu hết các máy móc, thiết bị được bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2008, 2009 đến nay vẫn hoạt động tốt. Nhà tài trợ luôn chủ động giám sát quá trình sử dụng trang thiết bị đầu tư cho các trường. Hàng năm, nhà tài trợ đều kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng các trang thiết bị thuộc Dự án.

Tăng cường gắn kết giữa nhà trường - DN

Theo đánh giá của lãnh đạo trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc, những năm gần đây, Vĩnh Phúc là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh với hệ thống các khu công nghiệp rất phát triển. Do đó, việc đầu tư Dự án sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nâng cao trình độ của học viên sau khi ra trường, phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. 

Hiện nay, trung bình mỗi năm, trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc tuyển sinh khoảng 3.000 học viên với nhiều ngành nghề đào tạo khác nhau, trong đó khoảng 40 học viên được học tập, thực hành trên những thiết bị hiện đại của Dự án như máy phay, tiện… Thời gian thực hành của học viên tại trường cũng tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 70 thời lượng học tập. 

Ông Lê Quang Chất phấn khởi chia sẻ: Phần lớn học viên sau khi ra trường dễ dàng tìm được việc làm và được các DN đánh giá cao về trình độ tay nghề. Thậm chí, nhiều DN đã chủ động đến trường để tuyển dụng lao động; phối hợp với nhà trường để bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân. Đặc biệt, một số DN còn đặt hàng nhà trường sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, sản xuất bằng công nghệ hiện đại mà chính DN cũng chưa đầu tư được.

Vì thế, Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi giúp nhà trường nâng cao uy tín, vị thế trong công tác đào tạo nghề, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa DN và nhà trường trong việc đào tạo - cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội./.

 
Theo Báo cáo của Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 20/6/2013 về việc thực hiện các kiến nghị của KTNN đối với Dự án “Chương trình đào tạo nghề sử dụng vốn ODA của Chính phủ CHLB Đức”, Tổng cục Dạy nghề đã chỉ đạo các cơ quan và đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ các kiến nghị của KTNN. Cụ thể, các chủ đầu tư Dự án (11 trường thụ hưởng và Tổng cục Dạy nghề) đã điều chỉnh sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán theo kiến nghị của KTNN. Đã xử lý, thu hồi nộp NSNN số tiền hơn 193 triệu đồng; trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc đã giảm trừ thanh toán cho nhà thầu 158,7 triệu đồng. Đồng thời, BQLDA cũng đã chỉ đạo trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Nghệ An phối hợp với các nhà thầu kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các thiết bị và thực hiện bảo hành đối với các thiết bị đã hư hỏng. Nhà thầu đã thực hiện bảo hành và nhà trường đã đưa toàn bộ các thiết bị vào sử dụng./.


Theo Báo Kiểm toán số 37/2014

Xem thêm »