Kiểm toán Tập đoàn Xăng dầu năm 2011: Cần thống nhất chính sách chi thù lao đại lý

04/06/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2011 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), KTNN xác định thù lao cho tổng đại lý, đại lý của Petrolimex năm 2011 tính trên tổng sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân là 134 đồng/lít,kg (tính trên sản lượng xăng dầu bán cho tổng đại lý, đại lý bình quân là 328 đồng /lít,kg). Mức chi này không cao, nhất là khi so sánh với những thời điểm thù lao đại lý tăng đột biến. Nhưng vấn đề cần xem xét và có giải pháp khắc phục là việc chi thù lao đại lý giữa các công ty xăng dầu có sự chênh lệch, do mỗi công ty có chính sách chi thù lao đại lý khác nhau.


Chênh lệch cao trong chi thù lao đại lý

Thực tế kiểm toán cho thấy, có công ty trực thuộc Petrolimex đã chi thù lao đại lý thấp, nhưng có công ty lại chi quá cao. Chẳng hạn, Công ty xăng dầu Điện Biên chi thù lao đại lý bình quân chỉ là 169 đồng/lít,kg; Công ty xăng dầu Hà Nam Ninh chi bình quân 192 đồng/lít,kg; Công ty xăng dầu Tây Ninh chi 214 đồng/lít,kg. Trong khi đó, Công ty xăng dầu Hà Tĩnh chi thù lao bình quân là 525 đồng/lít,kg; Công ty xăng dầu Phú Thọ chi 490 đồng/lít,kg; Công ty xăng dầu Bình Định chi 486 đồng/lít,kg. Tại một số thời điểm trong năm 2011, có công ty chi thù lao cho tổng đại lý quá cao như Công ty xăng dầu Hà Tĩnh chi tới 723 đồng/lít,kg; Công ty xăng dầu Lào Cai chi 702 đồng/lít,kg; Công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh chi 686 đồng/lít,kg.
 
Theo lý giải thì thù lao đại lý tại mỗi thời điểm được các công ty xác định chủ yếu trên cơ sở mức lãi gộp được Tập đoàn giao và khả năng cạnh tranh về giá với công ty xăng dầu thuộc các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác tại từng chu kỳ kinh doanh. Ngoài ra còn căn cứ vào tình hình thị trường xăng dầu thế giới, trong nước, khả năng đảm bảo nguồn hàng, trạng thái kinh doanh lãi (hoặc lỗ) của từng công ty. Kết quả kiểm toán chỉ rõ, những công ty xăng dầu có lợi thế được bán giá vùng 2 (giá bán lẻ vùng 2 cao hơn giá bán lẻ vùng 1 là 2) nhưng lại giáp ranh khu vực bán giá vùng 1, như Công ty xăng dầu Phú Thọ, Công ty xăng dầu Quảng Bình, thì có lợi thế chi phí vận chuyển không cao hơn khu vực bán giá vùng 1 đến 2 nhưng lại được lợi nhuận gộp cao hơn đến 2. Do vậy, các công ty này chi thù lao cho các đại lý mức cao. Một nguyên nhân cần xem xét là nếu không trả thù lao cao thì các đại lý sẽ lấy xăng dầu ở khu vực giá vùng 1 bán ở khu vực có giá vùng 2 mà không lấy hàng của công ty.

Cũng qua kết quả kiểm toán, tại một số thời điểm trong năm, trong cùng một công ty có sự chi trả thù lao đại lý với mức chênh lệch rất lớn. Cụ thể, khoảng thời gian tháng 1 và 2/2011, trước thời điểm tăng giá theo Công văn số 98/BTC-QLG ngày 24/02/2011 của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính ban hành điều chỉnh giá xăng dầu với giá xăng tăng 2.900 đồng/lít, diezen tăng 3.550 đồng/lít, dầu hỏa tăng 3.100 đồng/lít, madut tăng 2.110 đồng/kg - là thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chưa được điều chỉnh, kinh doanh lỗ thì các công ty chi mức thù lao đại lý thấp, từ 50 đồng đến 100 đồng/lít,kg. Nhưng khoảng thời gian từ tháng 6 đến 26/8/2011 là thời gian giá dầu thế giới giảm, giá bán lẻ trong nước chưa được điều chỉnh giảm nên các DN kinh doanh xăng dầu có lãi, các đơn vị kinh doanh xăng dầu thuộc các đầu mối khác cạnh tranh để bán được hàng đã đẩy mức thù lao đại lý lên cao. Do vậy, để duy trì thị phần và giữ khách hàng, bù đắp cho đại lý những khó khăn khi áp dụng mức chi thấp trước đó, các công ty xăng dầu thuộc Petrolimex đã phải điều chỉnh thù lao đại lý tăng cao dù rằng chính bản thân các công ty xăng dầu cũng đang gặp khó khăn.
 
Cần ban hành khung thù lao đại lý
 
Được biết, nhằm khống chế tình trạng đẩy thù lao đại lý lên cao, gây cạnh tranh không lành mạnh, ngày 28/3/2013, Bộ Tài chính đã có Thông báo 135/TB-BTC (gọi tắt là Thông báo 135) về việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức xăng dầu, trong đó quy định mức thù lao dành cho mỗi tổng đại lý, đại lý bình quân cả năm tối đa không vượt quá 50 mức chi phí kinh doanh định mức trong năm tài chính. Như vậy với mức chi phí kinh doanh định mức là 860 đồng/lít các loại xăng dầu, 500 đồng/kg dầu mazut thì thù lao đại lý trung bình trong cả năm tối đa không vượt quá 430 đồng/lít xăng, dầu và 250 đồng/kg cho dầu mazut.
 
Tròn 5 tháng sau, ngày 28/8/2013 Bộ Tài chính tiếp tục có Thông báo 308/TB-BTC nhằm điều chỉnh một số nội dung của Thông báo 135. Theo đó, mức thù lao đại lý được phân biệt cho 2 trường hợp. Đối với những tổng đại lý, đại lý có cửa hàng xăng dầu nằm trong phạm vi 50 km tính từ kho của thương nhân đầu mối đến kho tổng đại lý, đại lý thì mức thù lao không vượt quá 50 mức chi phí định mức trong năm tài chính (hiện là không quá 430 đồng/lít xăng dầu, 250 đ/kg cho dầu mazut). Còn những tổng đại lý, đại lý có cửa hàng xăng dầu nằm ngoài phạm vi nói trên thì mức thù lao bình quân cả năm được xác định đảm bảo hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của tổng đại lý, đại lý.
 
Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến trái chiều sau khi các Thông tư trên có hiệu lực.
 
Theo KTNN, xét trên góc độ tổng thể, các tổng đại lý, đại lý chỉ là những đơn vị thuộc hệ thống phân phối xăng dầu của các công ty, bán đúng giá hưởng hoa hồng. Chi phí tiêu thụ xăng dầu của các đại lý cơ bản ổn định, hầu như ít bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới, tỷ giá ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu. Vì thế, cho dù phụ thuộc vào cơ chế giá bán lẻ, nhưng việc các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải chi thù lao đại lý căn cứ vào giá xăng dầu và lợi nhuận gộp được Tập đoàn giao, điều chỉnh mức chi thù lao để xử lý các tình huống theo từng thời kỳ kinh doanh nhưng không gắn với nguyên tắc hiệu quả, chi thù lao đại lý bình quân giữa các công ty có sự chênh lệch lớn là bất hợp lý. Do đó, KTNN kiến nghị Petrolimex cần phân tích, đánh giá thực trạng để có biện pháp giám sát, kiểm soát đối với những đơn vị chi thù lao đại lý với mức cao trong năm 2011 so với các đơn vị có quy mô và đặc điểm phân phối, kinh doanh xăng dầu tương tự.
 
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, việc cơ quan chức năng cho phép DN và tổng đại lý, đại lý thỏa thuận mức thù lao (Thông tư 36/2009/TT-BCT) đã dẫn đến có giai đoạn các đầu mối kinh doanh xăng dầu chi thù lao quá thấp, không đảm bảo cho hệ thống phân phối xăng dầu vận hành ổn định. Ngược lại, có giai đoạn các DN kinh doanh xăng dầu trên cùng một địa bàn cạnh tranh không lành mạnh, tăng mức chi thù lao quá cao tạo điều kiện cho các đại lý được hưởng lợi. Do vậy, KTNN kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương nghiên cứu biện pháp quản lý thù lao đại lý hoặc định hướng để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo cho các công ty xăng dầu phát triển, cạnh tranh một cách lành mạnh, gián tiếp hạn chế tình trạng gian lận về số lượng, chất lượng do thù lao cho tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu không nằm trong kết cấu chi phí kinh doanh mà được giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn bán hàng.
 
Theo đề nghị của KTNN, các cơ quan chức năng nên cùng với các đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu xác định mức chi phí hợp lý ở các khâu phân phối tại các khu vực để tính toán và đưa ra khung thù lao đại lý định hướng cho các DN kinh doanh xăng dầu được phép chi. Khung thù lao đại lý vừa đảm bảo cho tổng đại lý, đại lý có doanh thu hợp lý, các DN đầu mối cũng có cơ sở xây dựng kế hoạch chi thù lao phù hợp, đồng thời đảm bảo kiểm soát được thị trường phân phối, kinh doanh xăng dầu./.

Theo Báo Kiểm toán số 22/2014

Xem thêm »