Kiểm toán Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam năm 2011: Kiến nghị khắc phục những bất cập của Nghị định 84/2009/NĐ-CP

26/05/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Từ những bất cập trong thực tiễn vận dụng Nghị định 84/2009/NĐ-CP phát hiện trong quá trình kiểm toán Báo cáo tài chính niên độ 2011 tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và một số đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn khác, KTNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định 84 và các văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Nghị định 84 quy định tồn kho xăng dầu không gắn với thời điểm mà chung chung, mang tính bình quân của một chu kỳ nên Nhà nước rất khó kiểm soát


Trong báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2011 của Petrolimex, KTNN đã nêu rõ những bất cập khi áp dụng cơ chế quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 84), nhất là trong quy định về thời gian, hạn mức lưu trữ xăng dầu, công thức tính giá cơ sở và việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).
 
Theo quy định tại Nghị định 84, Bộ Công thương thực hiện giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân nhập khẩu kinh doanh xăng dầu trên cơ sở nhu cầu định hướng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Tuy nhiên, từ thực tế xem xét việc thực hiện nhập khẩu xăng dầu với quy định giao hạn mức cho thấy, nếu xảy ra tình trạng thị trường có nguy cơ mất cân đối nguồn cung xăng dầu dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn cũng tiềm ẩn nguy cơ “sốt” xăng dầu. Với quy định hạn mức chung cho cả giai đoạn, một số DN có thể tính toán để nhập khẩu cầm chừng, nhập ít trong giai đoạn khó khăn và chờ nhập khẩu vào giai đoạn giá xăng dầu thấp, đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, có DN lại phải tăng sản lượng nhập khẩu trong giai đoạn giá cao. Đơn cử, riêng 4 tháng đầu năm 2011 - giai đoạn giá xăng dầu thế giới tăng, tỷ giá biến động lớn, Bộ Công thương đã yêu cầu Petrolimex tăng nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt nguồn. Và thực tế Petrolimex đã phải nhập vượt hạn mức 24, có tháng vượt tới 30. Mặc dù Nghị định 84 đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm của tất cả các DN đầu mối tham gia nhập khẩu, nhưng vẫn chưa có quy định ràng buộc chặt chẽ khiến các DN phải hưởng ứng đầy đủ việc đảm bảo nguồn xăng dầu trong các giai đoạn khó khăn. Vì thế, một mặt cần siết chặt cơ chế quản lý, mặt khác cần tăng cường kiểm tra và đưa ra các biện pháp xử lý quyết liệt những trường hợp vi phạm nhằm mục tiêu an ninh năng lượng cũng như đảm bảo công bằng cho các DN tham gia thị trường.
 
Theo quy định tại Nghị định 84, các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu phải đảm bảo mức dự trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày. Tuy nhiên, quy định tồn kho không gắn với thời điểm mà chung chung, mang tính bình quân của một chu kỳ nên Nhà nước rất khó kiểm soát, hoặc chỉ hậu kiểm. Trường hợp giả định các DN đầu mối không tuân thủ quy định dự trữ lưu thông, để xảy ra mất cân đối cung - cầu vì lý do dự trữ thấp làm ảnh hưởng đến sản xuất, an ninh quốc phòng và đời sống xã hội thì nếu có áp dụng các biện pháp xử phạt các DN đầu mối cũng không bù đắp nổi các thiệt hại xảy ra. Trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước không có công cụ kiểm soát cụ thể, hữu hiệu mà chỉ thông qua các báo cáo nhanh của DN, vì có DN sở hữu mạng lưới rộng, khó kiểm tra, kiểm kê đồng bộ, chính xác, nên rất khó có căn cứ xử phạt. Khi không thể kiểm soát được đồng bộ còn có thể dẫn đến tình trạng DN có tồn kho đảm bảo đủ nhưng không tổ chức bán ra để bình ổn thị trường. Ngược lại, DN đã bán ra vượt mức bình quân để tham gia bình ổn thị trường, có tác động tích cực cho thị trường nhưng giảm tồn kho lại bị xử lý vi phạm về thời gian tồn trữ, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các DN. Vì vậy, KTNN cho rằng, cần thiết phải có một cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn.
 
Theo nhận định của KTNN, trong công thức tính giá cơ sở kinh doanh xăng dầu cũng có một số nội dung cần được nghiên cứu, hoàn thiện, giúp công tác điều hành giá bán xăng dầu hiệu quả hơn. Hiện tại, dữ liệu giá xăng dầu thế giới (giá Platt’s Singapore) bình quân của 30 ngày dự trữ lưu thông theo quy định tại Điều 22 Nghị định 84 để tính giá cơ sở được xác định theo phương pháp bình quân đơn giá xăng dầu thành phẩm được giao dịch trên thị trường quốc tế theo công bố của Platt’s Singapore gắn với số ngày công bố giá. Phương pháp này có ưu điểm là thống nhất cách tính giá xăng dầu thế giới trong giá cơ sở để hình thành duy nhất một giá bán lẻ cho tất cả các đầu mối, tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước, dễ kiểm soát và công khai minh bạch giá bán. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, thực tế tại các DN đầu mối khác nhau thực hiện nhập khẩu xăng dầu với số lần, số lượng xăng dầu, mức giá nhập khẩu từng lần trong giai đoạn 30 ngày trước ngày tính giá cơ sở khác nhau. Cùng với yếu tố giá vốn bình quân xăng dầu của lượng xăng dầu còn tồn đầu kỳ tại ngày đầu tiên trong chu kỳ 30 ngày tính giá tại các DN không đồng nhất dẫn đến giá vốn bình quân thực tế sản phẩm xăng dầu tại thời điểm tính giá cơ sở của các DN đầu mối là khác nhau và khác biệt với mức giá cơ sở được tính theo quy định hiện hành. Giả định cố định các yếu tố khác nhau trong công thức giá cơ sở, thay thế yếu tố giá xăng dầu thế giới quy định tại công thức giá cơ sở hiện hành bằng mức giá vốn xăng dầu nhập khẩu bình quân trong chu kỳ 30 ngày tính giá mà DN thực tế thực hiện cho thấy có những khác biệt cao hoặc thấp hơn rất rõ ràng. Vì vậy, theo KTNN, sự khác biệt giữa mức giá cơ sở định hướng phục vụ quản lý và chi phí giá thành thực tế của DN cần được khẳng định rõ ràng để các đối tượng có thể khai thác, phục vụ cho mục đích quản lý Nhà nước, quản trị DN, giải tỏa những thắc mắc cho người tiêu dùng cũng như dư luận xã hội. Qua đó sẽ tránh được hiểu lầm khi giá cơ sở có chênh lệch cao (hoặc thấp) khi so sánh với giá bán lẻ, giá xăng dầu thế giới tại thời điểm tính toán, đồng nghĩa với DN sẽ có thực lãi (hoặc lỗ) bằng chênh lệch đó. Bởi thực tế, việc quyết toán lỗ lãi phải tính theo chu kỳ kinh doanh và đảm bảo quyết toán đủ các yếu tố doanh thu, chi phí.
 
Cũng trong năm 2011, quy định về mức trích/chi Quỹ BOG đã được thực hiện không kịp thời so với diễn biến giá thế giới. Vì thế, có giai đoạn kinh doanh lỗ, DN vẫn phải trích quỹ, tạo ra quy mô quỹ không có thực, hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định sử dụng quỹ tại nhiều thời điểm quỹ âm khiến việc trích/chi Quỹ BOG có lúc chỉ mang tính hình thức. Trong khi đó trên thực tế, theo công thức tính giá, người tiêu dùng vẫn coi đây là nguồn có thực vì cho rằng cứ bán xăng dầu là thu được quỹ. Vì vậy đôi khi có sự hiểu lầm của người tiêu dùng trong việc tham gia đóng góp Quỹ BOG. Do thiếu thông tin, không hiểu đúng và cho rằng Nhà nước và DN có nguồn lực bù đắp tổn thất từ Quỹ BOG khi tăng giá dẫn đến việc người tiêu dùng tạo áp lực, đề nghị giảm giá ngay, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước. Hơn nữa, thời điểm thông báo thay đổi mức trích/chi Quỹ BOG, cả chiều tăng và giảm, ngừng hoặc tiếp tục trích, sử dụng Quỹ BOG, thường đột ngột, vì vậy DN rất bị động, hao phí nhiều thời gian để tính toán số liệu theo từng chu kỳ, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý.
 
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập mà Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã bộc lộ trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng một Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế cho Nghị định 84. Chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu ngày 5/5/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành. Trong đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, về chu kỳ tính giá cơ sở sẽ được thực hiện theo phương án giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc. Về nguyên tắc trích lập, sử dụng Quỹ BOG phải được thực hiện theo nguyên tắc thường xuyên, liên tục nhằm tạo nguồn lực để bình ổn giá xăng dầu trong nước…/. 


Xem thêm »