(kiemtoannn.gov.vn) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi NSNN được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011 lại cho thấy, việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại các Bộ, ngành, địa phương lại có chiều hướng gia tăng.
Nhiều địa phương được kiểm toán đều có tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức
Nhiều địa phương chi thường xuyên vượt dự toán
Kết quả kiểm toán việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên tại các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, 21/28 địa phương được kiểm toán còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.840,4 tỷ đồng; 3/28 địa phương sử dụng sai nội dung nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên 9 tháng cuối năm; 16/28 tỉnh, thành phố chi hỗ trợ không đúng chế độ, nhiệm vụ chi 41,6 tỷ đồng; 28/28 địa phương được kiểm toán chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức là 196 tỷ đồng… Đáng chú ý là có tới 23/28 tỉnh, thành phố được kiểm toán đều chi thường xuyên vượt dự toán được HĐND giao đầu năm, trong đó 13/28 địa phương chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể vượt trên 30; trong điều hành ngân sách còn sử dụng 386 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, dự phòng... để chi thường xuyên sai quy định.
Đối với việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách, năm 2011 ngân sách Trung ương đã sử dụng dự phòng 9.400 tỷ đồng. Qua kiểm tra, đối chiếu vẫn còn 15/28 địa phương được kiểm toán sử dụng dự phòng cho một số nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách như chi thường xuyên, chi hỗ trợ, chi bổ sung Quỹ Thi đua khen thưởng, chi sửa chữa mua sắm tài sản 238,6 tỷ đồng. Đặc biệt, trong khi hàng năm, NSNN vẫn phải đi vay và trả lãi thì việc cho vay sai quy định vẫn diễn ra phổ biến, 27/28 tỉnh được kiểm toán cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi 4.166 tỷ đồng; trong đó cho vay sai quy định 33 tỷ đồng, tạm ứng sai quy định 1.125 tỷ đồng, cho vay, tạm ứng chậm thu hồi 3.008 tỷ đồng.
Năm 2011, Chính phủ sử dụng 1.020 tỷ đồng từ nguồn vượt thu và số dư dự toán chi ngân sách Trung ương để bổ sung vốn đầu tư phát triển cho các Bộ, ngành và 12.923,5 tỷ đồng để bổ sung vốn đầu tư phát triển cho các địa phương. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn tăng thu không đúng quy định tại các địa phương chưa có chuyển biến tích cực, 14/28 địa phương được kiểm toán còn sử dụng 325 tỷ đồng nguồn tăng thu để chi thường xuyên, mua tài sản, hỗ trợ các đơn vị, chi trả nợ tạm ứng vốn nhàn rỗi.
Chi chuyển nguồn gia tăng
Một bất cập đáng chú ý trong sử dụng kinh phí chi thường xuyên đó là kinh phí chi chuyển nguồn có xu hướng gia tăng. Năm 2011, chi chuyển nguồn sang năm 2012 là 246.690 tỷ đồng, chiếm 23,9 tổng chi NSNN (chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011 là 202.041 tỷ đồng, chiếm 23,7 tổng chi NSNN), trong đó chi chuyển nguồn do chậm triển khai các nhiệm vụ 32.720 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán và đối chiếu số liệu chuyển nguồn cho thấy nhiều Bộ, ngành, địa phương chuyển nguồn sai quy định 103,8 tỷ đồng; 15/28 địa phương được kiểm toán có số chi chuyển nguồn tăng trên 30 so với năm trước. Bên cạnh đó, một số địa phương có mức tăng khá cao hoặc có một số khoản chi chuyển nguồn qua nhiều năm nhưng chưa được thực hiện. Cùng với đó, việc sử dụng cơ chế chuyển nguồn để xử lý kinh phí chưa bố trí được nhiệm vụ chi và phần lớn số chuyển nguồn tại một số Bộ, ngành chậm triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhiều trường hợp chuyển nguồn tại các Bộ, ngành được Bộ Tài chính xét cho chuyển hoặc cho phép kéo dài thời gian thanh toán không đúng quy định. Ngoài ra, trong tổng số chi chuyển nguồn năm 2011 sang năm 2012 còn có 1.874,4 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng chưa giải ngân của các dự án thuộc các Bộ, ngành trong năm 2011 được thu hồi nhưng Chính phủ chưa có phương án phân bổ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Cũng theo kết quả kiểm toán, một số đơn vị thuộc các Bộ, ngành chưa xác định đúng nhu cầu và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, 18/28 địa phương chưa trích đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định 4.160 tỷ đồng, 13/28 địa phương còn sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi giải phóng mặt bằng, tạm ứng cho các nhiệm vụ phát sinh tại địa phương... chưa đúng quy định 3.368 tỷ đồng. Một số địa phương báo cáo sai nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang dẫn đến việc Bộ Tài chính cấp thừa 114 tỷ đồng.
Theo đánh giá của KTNN, tình trạng chi thường xuyên vượt mức nêu trên xuất phát từ những hạn chế, bất cập do KTNN phát hiện từ những năm trước chưa được khắc phục như: phân bổ và giao dự toán còn chậm hoặc chưa phù hợp nhu cầu và khả năng thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần làm ảnh hưởng đến tính chủ động trong công tác điều hành và thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, hạn chế chất lượng kiểm soát chi và hiệu quả sử dụng kinh phí; phân bổ dự toán cho một số nội dung khi chưa có định mức, hoặc chưa có dự toán chi tiết; phân bổ dự toán lần đầu không hết số kinh phí được giao; giao kinh phí chi hoạt động thường xuyên theo biên chế chưa tương ứng với nhiệm vụ theo quy định. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa giảm trừ đầy đủ 10 tiết kiệm chi thường xuyên 9 tháng cuối năm theo quy định và chưa điều chỉnh giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN tại 14 Bộ, ngành được kiểm toán là 9,7 tỷ đồng; giảm chi hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; trong đó: giảm chi NSNN 2.308 tỷ đồng, giảm chi không thuộc NSNN 150,9 tỷ đồng, thu hồi các khoản cho vay, tạm ứng sai quy định 2.075,6 tỷ đồng, xử lý nộp NSNN các khoản tạm thu, tạm giữ đã quá hạn 25,1 tỷ đồng, các khoản ghi thu - ghi chi NSNN 1.405,7 tỷ đồng và các khoản khác 5.351,6 tỷ đồng.../.
Theo Báo Kiểm toán số 52/2013