(kiemtoannn.gov.vn) - Nhằm chấn chỉnh những bất cập trong quy định về kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý đối với các DNNN, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì soạn thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu. Hiện, dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.
Hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát cũng là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trong quản lý vốn của Nhà nước tại các DNNN
Nhiều “lỗ hổng” trong kiểm tra, giám sát
Hàng loạt sai phạm của các DNNN trong thời gian qua được cơ quan thanh tra, KTNN và các cơ quan kiểm tra phát hiện được tập trung ở một số dạng: Sai quy trình thủ tục theo các quy định của Nhà nước; sai thẩm quyền; sai đối tượng cho phép; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất, kinh doanh không đúng bản chất thực tế; trình độ quản lý DN yếu kém dẫn đến vi phạm quản lý kinh tế và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cùng với những yếu kém nội tại của DNNN, sự hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát cũng là nguyên nhân khiến các sai phạm trong quản lý vốn của Nhà nước tại các DN này trở nên phổ biến.
Thực tế, việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của DNNN đã được quy định trong khá nhiều văn bản pháp luật: Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN” và sau đó được thay thế bằng Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg ngày 8/11/2007 về việc ban hành “Quy chế giám sát đối với DNNN kinh doanh thua lỗ, hoạt động không có hiệu quả”. Đặc biệt, Nghị định 61/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành “Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn Nhà nước” đã góp phần hoàn thiện thêm khung pháp lý về giám sát DNNN. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, nhiều văn bản pháp luật đã bộc lộ bất cập như: chưa có quy định cụ thể và phân biệt rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DN; các chế tài xử lý cũng chưa đủ mạnh, thiếu quy định trách nhiệm cụ thể của cá nhân để xảy ra sai phạm; bản thân cơ quan có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và DNNN vẫn chưa nghiêm túc trong việc giám sát, chấp hành giám sát và đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời, để đến khi sai phạm xảy ra đã gây thất thoát nguồn tài sản không nhỏ của Nhà nước.
Tăng cường thanh tra đột xuất với doanh nghiệpNghị định được xây dựng nhằm quy định việc giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu.
Đối tượng của Nghị định được xác định là: DN mà Nhà nước nắm giữ 100 vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ, hoặc các Bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định thành lập và các DN mà Nhà nước nắm giữ trên trên 50 vốn điều lệ.
Mục đích của giám sát là giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ sở hữu kịp thời phát hiện những yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan; và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý…
Theo đó, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, hoạt động thanh tra DN sẽ được tăng cường hơn. Ngoài thanh tra đột xuất khi phát hiện sai phạm, các DNNN sẽ bị thanh tra tối thiểu 2 năm một lần về việc chấp hành pháp luật và thực hiện các quyết định của chủ sở hữu. Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ chế tài đối với người quản lý DN, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố khi để xảy ra sai phạm. Hình thức xử lý cao nhất là cách chức với Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN thuộc quyền quản lý dẫn đến thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề xử lý chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ, người đứng đầu ngành Thanh tra các cấp chủ trì, phối hợp xử lý chồng chéo giữa các cấp thanh tra...
Tại cuộc họp tư vấn thẩm định Dự thảo Nghị định, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cho biết, việc công khai, minh bạch thông tin có vai trò rất quan trọng để tăng cường sự giám sát của xã hội với DN. Tuy nhiên, do đặc thù nên mỗi DNNN có mức độ công khai khác nhau nên Dự thảo Nghị định cũng cần quy định rõ mức độ công khai phù hợp, đảm bảo cả quyền lợi của DNNN.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định. Liên quan đến một số nội dung trong Dự thảo Nghị định còn chưa thống nhất như: Đối tượng áp dụng, tần suất thanh tra tối thiểu đối với DNNN, thẩm quyền thanh tra, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định để bảo đảm tính khả thi của Nghị định trên thực tế./.
Theo Báo Kiểm toán số 51/2013