Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế: Nghịch lý và lạm dụng

20/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tại phiên thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012, hàng loạt bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách về BHYT, đặc biệt những tồn tại, vướng mắc trong cơ chế sử dụng Quỹ BHYT là vấn đề bức xúc được nhiều đại biểu Quốc hội phân tích, mổ xẻ.

Theo Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số tiền thu BHYT giai đoạn 2009-2012 gia tăng nhanh qua các năm. Năm 2009, số thu là 13 nghìn tỷ đồng, đến năm 2012 đã lên đến 40,3 nghìn tỷ đồng. Quỹ BHYT từ chỗ lũy kế bội chi đến năm 2009 là 3.083 tỷ đồng đã cân đối và có kết dư lũy kế đến năm 2012 là 12.892 tỷ đồng.
 
Cơ quan giám sát cũng chỉ ra rằng, tại nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên có số kết dư quỹ BHYT khá cao, có tỉnh kết dư hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2012 vẫn có 10 tỉnh bội chi Quỹ BHYT, đặc biệt có tỉnh bội chi liên tục Quỹ BHYT từ khi thực hiện đến nay và thường xuyên nhận hỗ trợ từ quỹ dự phòng Trung ương.

Khắc phục tình trạng “bao cấp ngược”
Vấn đề nổi cộm trong báo cáo giám sát là việc sử dụng phần kết dư Quỹ BHYT. Theo  kết quả giám sát, do Luật BHYT và văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thủ tục lập quỹ dự phòng hay chia số quỹ kết dư trước nên quá trình thực hiện còn vướng mắc. Cho đến nay, số kết dư Quỹ BHYT gần 13.000 tỷ đồng chưa được phân bổ cho các tỉnh có kết dư đã gây thắc mắc với các địa phương có kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT.
 
Trước thực trạng trên, cơ quan giám sát cho rằng, số kết dư cần được đầu tư trở lại cho tỉnh để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, đầu tư phương tiện vận chuyển bệnh nhân phù hợp với điều kiện sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa để người dân được hưởng lợi một cách công bằng từ chính sách của Nhà nước.
 
Quan điểm trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Phương Thị Thanh (BắcCạn) nêu thực tế: “Trong 3 năm vừa qua, kết dư của một số địa phương tương đối lớn, hầu hết là các địa phương khó khăn , đặc biệt khó khăn; cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh.
Người dân không có điều kiện để được hưởng các dịch vụ kĩ thuật y tế hiện đại và thuốc đắt tiền do BHYT chi trả, nhưng cho đến nay chưa có địa phương nào được hưởng phần kết dư từ Quỹ mà số dư đó lại được chuyển về Trung ương để bù đắp cho những tỉnh thâm hụt Quỹ. Điều này đã tạo nên hiện tượng “bao cấp ngược” nguồn lực của BHYT”.

Làm rõ hơn vấn đề này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phân tích, theo Nghị định 62 của Chính phủ thì 60 kinh phí kết dư hàng năm được sử dụng để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, đào tạo nghiệp vụ… nhằm phục vụ khám, chữa bệnh BHYT tại địa phương. Tuy nhiên hiện nay, số tiền kết dư gần 13.000 tỷ đồng chưa được phân bổ đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng Quỹ, gây khó khăn cho địa phương. Trên thực tế, tại các tỉnh miền núi, do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nênQuỹ BHYT kết dư cao. Còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. “Theo quy định hiện nay, quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng để bổ sung cho những địa phương bội chi. Điều này có nghĩa là người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được” -  Đại biểu Huỳnh Nghĩa bày tỏ.

Ngăn chặn lạm dụng Quỹ BHYT
Tình trạng lợi dụng, lạm dụng Quỹ BHYT đang diễn ra tinh vi và phức tạp cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Việc lạm dụng Quỹ được biểu hiện dưới nhiều hình thức như: Tình trạng chênh lệch giá thuốc cùng loại giữa các bệnh viện trong tỉnh, giữa các tỉnh, giữa bệnh viện với thị trường; không công bằng về chi trả Quỹ  BHYT cho mỗi ca bệnh ở các bệnh viện cùng hạng; chênh lệch về tần suất khám, chữa bệnh giữa các địa phương; kê khai khống hóa đơn thuốc; cấp phát trùng thẻ BHYT.v.v…
 
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP. HCM) nêu thực tế: “Nhiều khi núp dưới những vỏ bọc hợp pháp, đã có bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT đến 157 lần/1 năm. Có những chuyện thường ngày như một số bác sĩ đã nhờ người nhà đến bệnh viện để lấy thuốc BHYT đem về cho phòng mạch tư. Thậm chí có những chuyện gây chấn động như nhân bản kết quả xét nghiệm hay chiếm đoạt Quỹ. Công tác giám định chi trả BHYT chưa được thực thi đầy đủ, cơ quan quản lý Quỹ mới giám định được 20 số hồ sơ nhưng phải thanh toán đủ cho cả 100”.
 
Từ thực trạng đó, các đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác giám định BHYT để đảm bảo chi trả đúng người, đúng bệnh, tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng Quỹ BHYT. Nếu cần thiết, có thể thành lập các cơ quan giám định độc lập, để tạo nên sự minh bạch, trung lập giữa bên cung cấp dịch vụ y tế và bên chi trả BHYT./.

Theo Báo Kiểm toán số 46/2013

<br>

Xem thêm »