Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các Tập đoàn kinh tế Nhà nước

04/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động của Tập đoàn kinh tế Nhà nước - Những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/10, nhiều vấn đề liên quan đến các Tập đoàn kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) đã được đề cập, trong đó, yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý cho các nhóm công ty này được các đại biểu hết sức quan tâm.

Do thiếu hành lang pháp lý nên rất khó giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước

Còn thiếu hành lang pháp lý
 
Hoạt động của TĐKTNN được quy định trong Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09/8/2004 của Chính phủ về Tổ chức, quản lý Tổng công ty Nhà nước và chuyển đổi Tổng công ty Nhà nước, Công ty Nhà nước độc lập theo mô hình công ty mẹ - công ty con; Luật Doanh nghiệp năm 2005; Nghị định số 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/9/2007 về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp… Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, các quy định về công ty mẹ - công ty con không áp dụng đối với nhóm công ty theo mô hình tập đoàn. Vì vậy, theo GS.TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), khó xác định địa vị pháp lý của TĐKTNN dựa trên các quy định của luật hiện hành. Thực chất, có nhiều tập đoàn kinh tế chỉ là doanh nghiệp có mối quan hệ sở hữu chồng chéo với nhau dựa trên những liên kết không rõ ràng về pháp luật.  
 
Dẫn ra kẽ hở từ các văn bản so với thực tế hoạt động của TĐKTNN, theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, tập đoàn không có tư cách pháp nhân nên không có vốn điều lệ, nhưng thực tế nhiều quyết định thành lập tập đoàn cũng như điều lệ TĐKTNN lại ghi rõ vốn điều lệ.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thương mại (Bộ Công thương), xét về mặt pháp lý, việc thí điểm không được thực hiện rõ ràng, cả về mục đích, nhiệm vụ và thời gian thực hiện thí điểm. Các tập đoàn hoạt động thiếu hành lang pháp lý, thiếu phân định trách nhiệm nên rất khó để giám sát, đánh giá.
 
Cùng với đó, việc thiếu môi trường cạnh tranh và một bối cảnh kinh doanh thực sự đã đưa đến thực trạng, có tập đoàn làm ăn èo uột, song vẫn tồn tại nhờ sự “cưu mang” của chính các tập đoàn khác.
 
Việc xây dựng tập đoàn thiếu khung pháp lý chính là nguyên nhân làm nảy sinh nhiều vấn nạn tại một số tập đoàn trong thời gian qua, điển hình như việc kinh doanh thua lỗ tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam…

Phân định rõ chức năng của  TĐKTNN

Theo chủ trương thành lập, ngoài kinh doanh, các tập đoàn còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, công ích nhưng đến nay vẫn chưa có phương thức tính toán lượng hóa chi phí để bù đắp hoặc đánh giá kết quả, tác động của các tập đoàn khi thực hiện những nhiệm vụ này, do vậy đã tạo cớ để biện minh cho sự kém hiệu quả. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Tài (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý doanh nghiệp) đề xuất, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, rất cần thiết phải có một văn bản quy định về những điểm đặc thù nhất của TĐKTNN, trong đó có sự xác lập rõ ràng về tên gọi, cách thức thành lập và đăng ký hoạt động…
 
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, báo cáo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như  KTNN, Thanh tra Chính phủ về hoạt động của các TĐKTNN đã đề cập nhiều về những con số thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Để biện minh cho hiệu quả kém, các tập đoàn luôn cho rằng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, xã hội khác nhau là không thể chấp nhận. Việc tập trung nguồn lực quá lớn vào các tập đoàn trong lúc chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng, lãng phí. “Đổi mới cơ chế hoạt động của các tập đoàn, cần thực hiện theo hướng cải cách cơ bản, chứ không chỉ đơn thuần là tăng cường minh bạch hóa” - GS.TS Lê Hồng Hạnh kiến nghị.
 
Trên thực tế, với những quy định pháp luật hiện hành, Quốc hội không đủ thẩm quyền để kiểm soát các TĐKTNN, trong khi theo kinh nghiệm thế giới, việc bổ nhiệm lãnh đạo của TĐKTNN lớn, có ảnh hưởng đến nền kinh tế phải được tham vấn Quốc hội trước khi bổ nhiệm. Ngân sách và chi tiêu của TĐKTNN lớn cũng được kiểm soát chặt chẽ bởi Quốc hội.
 
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cũng nhấn mạnh, phải sớm xác định một cơ chế phân cấp, phân quyền và chịu trách nhiệm của các TĐKTNN, cũng như một khung pháp lý hoàn chỉnh để vận hành nhóm công ty này theo đúng nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Cần phân định rõ ràng nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, xã hội của các tập đoàn, nếu không sẽ rất khó để các tập đoàn thực hiện minh bạch và tập trung sản xuất.
 
Tại Hội thảo, các chuyên gia đề xuất, cần thực hiện tái cấu trúc TĐKTNN theo hướng tinh giảm, tập trung vào nhóm ngành chủ đạo đã được thí điểm thành lập, có vậy thì mới hạn chế được những sự việc đáng tiếc như thời gian qua./.

Theo Báo Kiểm toán số 44/2013

Xem thêm »