Sự tương đồng và khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam số 15 “Hợp đồng xây dựng” với chế độ kế toán hiện hành

01/11/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

TS. Hà Thị Thúy Vân Đại học Thương mại

Xây dựng cơ bản là ngành sản xuất vật chất hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của mỗi quốc gia. Đặc biệt đối với Việt Nam, một đất nước đang phát triển thì xây dựng cơ bản được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài nên ngành xây dựng cơ bản ở Việt Nam cũng phải chịu một sức ép cạnh tranh rất lớn. Mặt khác, vốn là ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn, với chi phí cho đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng ngân sách nhà nước cũng như ngân sách của doanh nghiệp nên hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản cũng là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế đang lan rộng như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cũng là lĩnh vực ảnh hưởng đầu tiên và cũng rất nặng nề do thị trường bất động sản đóng băng, chi phí đầu tư lớn mà không thu hồi được vốn, mặt khác những công trình nhận thầu, hoặc chỉ định thầu cũng không có vốn để thực hiện, nhiều công trình chậm tiến độ, thiếu tính khả thi, không chỉ ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp mà còn gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý công tác kế toán của các dự án đầu tư. Do tính đặc thù của ngành xây dựng cơ bản nên công tác kế toán của hợp đồng xây dựng vốn đã rất phức tạp nay lại càng khó khăn hơn.

Hiện nay Bộ Tài chính đã ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế, trong đó có chuẩn mực kế toán số 15 "Hợp đồng xây dựng" áp dụng cho kế toán hợp đồng xây dựng và lập báo cáo tài chính của các nhà thầu từ tháng 1 năm 2003, và chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc hạch toán kế toán các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động xây lắp khá phù hợp, tương đồng với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 15. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm khác biệt do chế độ kế toán hiện hành hướng dẫn việc hạch toán chung đối với các doanh nghiệp nói chung mà chưa tính đến những đặc điểm khác biệt riêng của từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể đối với các doanh nghiệp xây lắp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Cụ thể như sau:

* Đối với các khoản thu từ thanh lý, nhượng bán máy thi công khi công trình hoàn thành.
Theo chế độ kế toán hiện hành, chỉ nói chung về nghiệp vụ thanh lý, nhượng bán TSCĐ số thu được sẽ hạch toán vào TK 711 "thu nhập khác", chi phí thanh lý nhượng bán sẽ được hạch toán vào TK 811 "chi phí khác" không phân biệt rõ áp dụng cho loại tài sản nào, mặt khác đối với các doanh nghiệp hiện nay việc thanh lý tài sản cố định là hoạt động không thường xuyên nên hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng khi hạch toán nghiệp vụ thanh lý máy thi công ở công trường đều hạch toán như vậy. Nhưng do đặc điểm của ngành xây dựng là các công trình thi công thường ở xa, việc vận chuyển máy móc thi công nhiều khi rất tốn kém và khó khăn nên việc thanh lý máy thi công khi công trình hoàn thành diễn ra khá phổ biến nên không thể coi đó là hoạt động không thường xuyên, mặt khác theo chuẩn mực kế toán số 15 thì khoản thu được từ thanh lý máy thi công phải được ghi giảm chi phí cho công trình, hạng mục công trình đó, chi phí về thanh lý máy thi công sẽ được ghi tăng chi phí. Nếu chưa kết chuyển chi phí sẽ được hạch toán vào TK 623 "chi phí sử dụng máy thi công", nếu đã kết chuyển sẽ được hạch toán vào TK 154 "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang".

* Đối với khoản chi phí về bảo hành công trình xây lắp.
Theo chế độ kế toán thì việc bảo hành thuộc về hoạt động bán hàng nên được hạch toán vào TK 641 "Chi phí bán hàng". Theo quan điểm của chuẩn mực kế toán số 15 để xác định được chính xác lợi nhuận thu được từ hợp đồng xây dựng thì những khoản chi phí, doanh thu phát sinh từ hợp đồng xây dựng phải được hạch toán vào hợp đồng xây dựng do đó chi phí bảo hành công trình phát sinh phải được hạch toán vào TK 627 hoặc TK 632 (chi tiết cho từng công trình, hạng mục công trình).

* Các khoản tiền thưởng nhận được của khách hàng.
Theo chế độ kế toán được hạch toán vào TK 711 "thu nhập khác" vì coi đây là hoạt động không thường xuyên nhưng theo chuẩn mực kế toán số 15 thì phải được hạch toán vào doanh thu của hợp đồng xây dựng TK 5113 “doanh thu cung cung cấp dịch vụ”.

* Các khoản tiền phạt phải trả cho khách hàng
Theo chế độ kế toán được hạch toán vào TK 811 "chi phí khác" nhưng theo chuẩn mực kế toán số 15 thì những khoản tiền phạt đó phát sinh từ hợp đồng xây dựng nên phải được hạch toán vào chi phí của hợp đồng xây dựng, ghi Nợ TK 627 "Chi tiết cho từng công trình, hạng mục công trình".

* Các khoản thu có khả năng không thu được từ việc thực hiện hợp đồng xây dựng cho khách hàng nào đó đã được tính trong doanh thu của hợp đồng xây dựng và đã ghi trong báo cáo kết quả kinh doanh thì những khoản đó phải được ghi nhận vào chi phí:
+ Theo chế độ kế toán hiện nay, được ghi:
    Nợ TK 642
        Có TK 139 (Dự phòng phải thu khó đòi)
+ Theo quan điểm Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 15 thì những khoản đó phải được tính vào chi phí của hợp đồng xây dựng:
      Nợ TK 627, 632 (Chi tiết cho từng công trình, hạng mục công trình)
        Có TK 139.
Qua việc phân biệt trên cho thấy, chuẩn mực kế toán Việt Nam số 15 và chế độ kế toán hiện hành là hai đại lượng khác nhau trong cả chính sách tài chính, thuế, và thực tiễn vận dụng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả trên là do quan điểm, mục đích và lợi ích gắn liền với việc xây dựng và ban hành luật định, quy chế tài chính, nguyên tắc, chuẩn mực, chế độ kế toán là khác nhau (nguồn hình thành). Trong thời gian vừa qua Nhà nước đã từng bước thay đổi, hoàn thiện chế độ tài chính, chế độ hạch toán và chuẩn mực kế toán với việc ban hành các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán, thông tư sửa đổi nhằm hướng tới thu hẹp dần khoảng cách khác biệt giữa chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán. Một số nội dung cần phải thực hiện như sau:
- Thu hẹp dần và dần thống nhất chung về quan điểm, nội dung giữa các chính sách tài chính, thuế và chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán.
- Bổ sung chính sách thuế để có thể bao quát hết các nguồn thu, tạo tiền đề cho việc kiểm soát mọi chi phí, thu nhập.
- Khuyến khích sử dụng hóa đơn, chứng từ cho tất cả các đối tượng trong xã hội, mở rộng diện tích thanh toán, giao dịch qua ngân hàng hạn chế dần thanh toán bằng tiền mặt và xử phạt đối với trường hợp vi phạm.
  
Trên đây là một số nội dung về sự tương đồng và khác biệt giữa chuẩn mực kế toán số 15 và chế độ kế toán, tôi hy vọng và tin tưởng rằng, trong tương lai khoảng cách chênh lệch giữa chuẩn mực kế toán số 15 và chế độ kế toán sẽ dần được thu hẹp, đây không chỉ là điều mong mỏi từ phía chủ doanh nghiệp xây lắp mà còn từ các đơn vị thanh kiểm tra, đơn vị kiểm toán. Thế nhưng để thực hiện được điều này thật không đơn giản, đòi hỏi phải có lộ trình, thời gian thực hiện lâu dài.

Tài liệu tham khảo:
1. Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 15 “Hợp đồng xây dựng”
2. Chế độ kế toán theo QĐ15/2006 BTC ban hành ngày 20 tháng 3 năm 2006”.
3. Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005

Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 72


Xem thêm »