Tính hiệu quả và kinh tế của kiểm toán dưới góc nhìn của kiểm toán độc lập

31/10/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Kiểm toán độc lập là nhu cầu không thể thiếu ở các nền kinh tế phát triển. Khi kinh tế - xã hội phát triển ở mức độ càng cao thì công chúng càng đòi hỏi các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, của các tổ chức phải minh bạch rõ ràng và phải được kiểm toán bởi đơn vị (doanh nghiệp) kiểm toán chuyên nghiệp và độc lập. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp kiểm toán đã có giấy phép hành nghề kiểm toán độc lập và đã hoạt động trong lĩnh vực này khoảng gần 20 năm nay, và đã được “luật hóa” bằng văn bản pháp luật cao nhất là Luật Kiểm toán độc lập do Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011.

Mục tiêu của kiểm toán độc lập khi kiểm toán báo cáo tài chính là để đạt được sự đảm bảo hợp lý (không phải là đảm bảo tuyệt đối) về việc liệu các báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có các sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không. Việc này giúp kiểm toán viên đưa ra ý kiến về việc liệu báo cáo tài chính có được soạn lập, trên mọi khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không?
 
Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp kiểm toán cần xác định phương pháp kiểm toán phù hợp để đảm bảo cuộc kiểm toán hoàn toàn tuân thủ theo các Chuẩn mực Kiểm toán đã được xác định (Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế hoặc Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, gọi tắt là “Chuẩn mực”), đồng thời đảm bảo tính kinh tế và hiệu quả khi thực hiện kiểm toán. Việc đảm bảo tuân thủ các Chuẩn mực và yêu cầu về tính kinh tế và hiệu quả, dường như là hai yêu cầu riêng biệt nhưng thực ra có tác dụng tương tác lẫn nhau.
 
Tính hiệu quả và tính kinh tế của một cuộc kiểm toán có thể được đo lường qua một số tiêu chí định lượng và định tính.  
 
Trên phương diện định lượng, ta có thể cân nhắc một vài chỉ số như: phí kiểm toán tính trên tổng số giờ thực hiện kiểm toán hoặc phí kiểm toán tính trên tổng chi phí cần thiết thực hiện kiểm toán. Việc xác định thời gian cần thiết để thực hiện công việc kiểm toán không đơn giản. Thời gian này cần được ước tính dựa trên một số yếu tố như: khả năng và kinh nghiệm đánh giá của kiểm toán viên đối với rủi ro trọng yếu của báo cáo tài chính. Nếu kiểm toán viên xác định không đúng rủi ro trọng yếu của báo cáo tài chính thì có thể dẫn đến các sai sót trọng yếu không được phát hiện.Việc kiểm toán có thể bị dàn trải, không tập trung vào những khoản mục rủi ro lớn trong báo cáo tài chính.
 
Việc chọn lựa đội ngũ kiểm toán cũng rất quan trọng. Để nâng cao hiệu quả, đội ngũ kiểm toán nên kết hợp các kiểm toán viên có kinh nghiệm ở mức độ khác nhau, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể được giao. Một số quy trình quan trọng như rà soát, đánh giá, xét đoán nghề nghiệp, v.v.. cần được thực hiện bởi các kiểm toán viên được đào tạo bởi các tổ chức Hội nghề nghiệp quốc tế và Việt Nam như ACCA, CPA, và có nhiều năm kinh nghiệm để giảm thiểu sai sót, đảm bảo việc hiểu rõ và tuân thủ các Chuẩn mực yêu cầu.
 
Một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán được các công ty kiểm toán lớn áp dụng là sử dụng phần mềm kiểm toán mẫu, đôi khi được gọi là “hồ sơ kiểm toán điện tử”.Phần mềm kiểm toán này giúp “chuẩn hóa” các quy trình kiểm toán, hỗ trợ việc thực hiện các quy trình này một cách nhất quán trong khoảng thời gian hợp lý. Các phần mềm kiểm toán này cũng không phải là bất biến mà luôn được nghiên cứu, cập nhật và thay đổi sau một số năm sử dụng để có thể giúp các kiểm toán viên đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của các Chuẩn mực cũng như các cơ quan quản lý.
 
Việc sử dụng phần mềm kiểm toán sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kiểm toán so với số phương pháp truyền thống là thực hiện thủ công ghi chép lại trên giấy.Mỗi doanh nghiệp kiểm toán có thể có những chương trình kiểm toán riêng áp dụng cho từng loại hình đối tượng khách hàng.Ngay cả trong cùng một loại hình đối tượng khách hàng cũng có thể áp dụng các phương pháp kiểm toán khác nhau phụ thuộc vào qui mô hoạt động, mức độ rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng.
 
Để đạt được tính hiệu quả và tính kinh tế, điều quan trọng không phải là giảm số giờ cần thiết thực hiện kiểm toán mà là sử dụng một lượng giờ hợp lý nhất để đạt được mục tiêu đề ra của cuộc kiểm toán.
 
Ngoài ra, có thể có một số tiêu chí định tính khác mà những doanh nghiệp kiểm toán khó có thể bỏ qua nếu muốn phát triển bền vững. Đó là cuộc kiểm toán, ngoài mục tiêu chính là đưa ý kiến độc lập về báo cáo tài chính của khách hàng, có đem lại lợi ích gì cho đơn vị được kiểm toán trong việc nâng cao năng lực quản trị, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ hay không. Việc này có giá trị rất thực tế đối với các đơn vị được kiểm toán. Dưới hình thức thư quản lý, kiểm toán viên có thể góp ý với khách hàng về những khiếm khuyết của hệ thống kiểm soát nội bộ mà kiểm toán viên nhận thấy trong quá trình kiểm toán cùng các khuyến nghị để hoàn thiện hệ thống này. Nếu hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị tốt thì cuộc kiểm toán có thể được thực hiện một cách hiệu quả hơn và mang lại hiệu quả kinh tế hơn cho cả doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán./.

Theo Báo Kiểm toán số cuối tháng 10/2013

Xem thêm »