Nhiều nỗ lực, nhưng chưa đạt được kì vọng
Hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để nâng cao tính minh bạch của NSNN. Vấn đề đó đã được thực hiện thông qua Luật NSNN và gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành nhằm cụ thể hóa các chính sách liên quan đến định mức phân bổ, lập dự toán, quyết toán NSNN hàng năm của các cấp ngân sách và đơn vị thụ hưởng; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; tăng khả năng tiếp cận của cộng đồng và người dân trong việc giám sát quá trình phân bổ và sử dụng NSNN.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội), việc thực hiện công khai, minh bạch NSNN và các nguồn lực tài chính công theo quy chế hiện hành chưa tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động quản lý NSNN. Bởi việc thực hiện công khai dự toán và quyết toán NSNN chỉ thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn, tức là công khai việc đã rồi. Bên cạnh đó, việc thực hiện lồng ghép NSNN đã tạo nên tính phức tạp trong quản lý, đồng thời thiếu sự phân định trách nhiệm rõ ràng, dẫn đến sự trùng lặp về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cấp... Việc hạch toán thu, chi và mức bội chi NSNN cũng được đánh giá là không hợp lý, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Những tồn tại trên đây đã làm giảm hiệu quả sử dụng, giảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phân bổ, quản lý các nguồn lực tài chính.
Bà Vương Thị Hạnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ, cũng chỉ ra một số hạn chế, như: việc giám sát của các cơ quan dân cử chưa thực sự hiệu quả, trách nhiệm giải trình của Nhà nước trước người dân vẫn chưa được coi trọng…
Trên thực tế, còn hàng loạt những bất cập khác trong vấn đề quản lý NSNN hiện nay, dẫn đến điểm số minh bạch NSNN của Việt Nam luôn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển cũng như một số nước trong khu vực. Theo điều tra của Tổ chức Đối tác ngân sách quốc tế (IBP), điểm số minh bạch NSNN của Việt Nam có tăng lên qua các năm và đạt 19/100 điểm năm 2012 (năm 2010 được 14 điểm). Tuy nhiên, điểm số này vẫn còn khoảng cách xa so với nhiều nước trong khu vực như Indonexia (62 điểm), Philippines (50 điểm)... và Việt Nam hiện vẫn là 1 trong 36 nước có thứ hạng thấp nhất thế giới.
Cần những giải pháp hữu hiệuTrên thực tế, dù cơ chế phân bổ NSNN hiện nay được quy định công khai, có tiêu chí rõ ràng, nhưng cách thức phân bổ không gắn với yêu cầu về kết quả cần đạt được mà vẫn theo tiêu chí đầu vào là chủ yếu.
Theo chuyên gia kinh tế Đặng Ngọc Dung, việc giám sát của Quốc hội và cơ quan KTNN về quản lý NSNN đã được thực hiện mạnh mẽ, tuy nhiên, quyền giám sát của người dân và các tổ chức xã hội còn yếu. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế tham vấn người dân trong quá trình lập, phê duyệt và thực hiện NSNN...
Ông Hà Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ ra những nguyên nhân cơ bản làm hạn chế khả năng giám sát đối với quản lý NSNN của cả cơ quan dân cử lẫn người dân, như: thời gian làm việc của Quốc hội ngắn nên không đủ để đề cập đến toàn bộ các vấn đề về NSNN; thông tin trong các tài liệu về NSNN quá phức tạp, các báo cáo còn mang nặng tính kỹ thuật, không phù hợp để các đại biểu Quốc hội tiếp cận, nghiên cứu, chưa nói đến phần đông người dân trình độ còn hạn chế. Theo ông Tuấn, để khắc phục điều này cần có những giải pháp đổi mới cách thức công khai NSNN theo hướng cụ thể, đơn giản để người dân dễ hiểu. Đặc biệt, cần tạo cơ chế để người dân được lắng nghe và có quyền thắc mắc về những gì chưa hiểu, bởi đó cũng là tiền do họ đóng góp.
Đại diện của Trung tâm Phát triển và hội nhập góp ý: Việc chuẩn bị và công bố “Ngân sách công dân” - tài liệu trình bày dự toán NSNN dưới dạng đơn giản nhằm cung cấp thông tin cho người dân về kế hoạch thu chi trong năm của Chính phủ là cần thiết để tăng khả năng tiếp cận, giám sát của người dân với vấn đề quản lý NSNN.
Nhiều đại biểu tại Hội thảo cũng cho rằng, cần hình thành các khuôn khổ pháp lý có tính ràng buộc để các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết cho người dân và các tổ chức xã hội về kết quả sử dụng nguồn lực NSNN. Thêm vào đó cần có những chế tài để xử lý trường hợp vi phạm quy định…
Dự kiến sau Hội thảo này, các tổ chức xã hội sẽ thực hiện tham vấn người dân và chính quyền địa phương tại một số tỉnh, thành phố về Luật NSNN (sửa đổi) và gửi ý kiến thu thập được tới các nhà hoạch định chính sách, hướng tới việc tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, trong đó quyền giám sát của người dân cần được ghi nhận cụ thể, thiết thực.
Theo Báo Kiểm toán số 41/2013