Thách thức đối với hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước

03/10/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Gần 2/3 thời gian của năm 2013 đã trôi qua, tuy nhiên, số thu ngân sách mới mấp mé ngưỡng 60 dự toán. Số liệu từ các địa phương cũng cho thấy những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu ngân sách năm nay.

Theo Tổng cục Thuế, thu Ngân sách Nhà nước tháng 8 ước đạt 38.100 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2013, thu Ngân sách Nhà nước đạt 390.712 tỷ đồng, bằng 60,6 so với dự toán, bằng 107,2 so với cùng kỳ năm 2012.  Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu của ngành thuế bị ảnh hưởng do một số nguyên nhân như tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp, GDP 6 tháng đầu năm mới tăng 4,9, xấp xỉ mức tăng cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là 5,5.
 
Bên cạnh đó, chỉ số phát triển công nghiệp 7 tháng chỉ tăng 5,2 so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng 14,3 so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2012 tăng 19). Hàng hóa tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục xảy ra; trong khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi...
 
Các địa phương đang gặp khó
Thực trạng thu ngân sách khó khăn được phản ánh rõ từ nhiều địa phương. Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, 8 tháng đầu năm nay, tình hình kê khai thuế, nộp thuế của các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 8, tổng thu nội địa của Hà Nội ước thực hiện là 72.392 tỷ đồng, đạt 48,3 dự toán pháp lệnh, bằng 89,8 so cùng kỳ năm 2012.
 
Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, 8 tháng đầu năm nay, có gần 6.700 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải ngừng hoạt động. Trong số này, có 326 doanh nghiệp thuộc diện phải giải thể; 3.932 doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích và 2.395 doanh nghiệp ở tình trạng tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Cùng thời gian này, trên toàn địa bàn Thành phố có 9.584 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng đại đa số những doanh nghiệp này chưa phát sinh thuế phải nộp, hoặc có phát sinh nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước thấp.
 
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp Thủ đô rơi vào tình trạng trên được cơ quan thuế xác định là do tiếp tục chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế thế giới cũng như những khó khăn của kinh tế trong nước. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục phục hồi chậm, các thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư còn gặp khó khăn. Một địa phương khác có số thu ngân sách chưa vượt qua mức 60 dự toán là Lạng Sơn và Đồng Tháp. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, tính từ ngày 16/7/2013 đến ngày 15/8/2013, ước thực hiện thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan Lạng Sơn đạt 182,5 tỷ đồng. Lũy kế thu NSNN trong 8 tháng đầu năm 2013 (số ngân sách nộp cho KBNN) đạt 1.378,6 tỷ đồng, bằng 56 chỉ tiêu thu NSNN năm 2013, tăng 1 so với cùng kỳ năm 2012.
    
Báo cáo từ Sở Tài chính Đồng Tháp cũng cho biết, tính đến ngày 12/8, thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 2.372.277 triệu đồng.  Số thu này tương ứng với 57,85 dự toán và tăng 14,06 so với cùng kỳ năm trước. Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương lũy kế là 2.182.883 triệu đồng. Thu từ xổ số kiến thiết là 638.206 triệu đồng, đạt 159,55 so với dự toán giao.  Khác với Hà Nội, đầu tàu kinh tế lớn của đất nước là Thành phố Hồ Chí Minh đạt số thu khả quan trong tháng qua. Theo đó, số ước thu NSNN trong tháng 8/2013, đạt 9,279 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng là 98.179,6 tỷ đồng, đạt 62,62 dự toán pháp lệnh năm, tăng 4,91 so với cùng kỳ năm 2012.  Để có được kết quả trên, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã chỉ đạo sát sao các đơn vị chắt chiu khai thác từng nguồn thu trên địa bàn thông qua việc khai thác nguồn thu từ DN trọng điểm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, đôn đốc các nguồn thu từ đất, đẩy mạnh công tác thu nợ, không để nợ mới phát sinh.
    
Cùng với TP.Hồ Chí Minh, một số địa phương khác cũng đạt số thu ngân sách lũy kế 8 tháng trên 60 dự toán. Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết, ước tính thực hiện thu NSNN tháng 8/2013 là 596.400 triệu đồng, lũy kế ước đạt 4.289.167 triệu đồng, đạt 73 so với dự toán và bằng 144 so với cùng kỳ năm 2012.
    
Trong đó, thu từ DNNN Trung ương, ước thực hiện là 60.000 triệu đồng, lũy kế ước đạt 700.479 triệu đồng, đạt 63 so với dự toán, bằng 121 so với cùng kỳ; Thu từ DN có vốn ĐTNN, ước thực hiện là 360.000 triệu đồng, lũy kế ước đạt 1.613.878 triệu đồng, đạt 89 so với dự toán, bằng 174 so với cùng kỳ.
    
Theo báo cáo của Cục Thuế Sơn La, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 ước thực hiện 215.000 triệu đồng, đạt 100 dự toán tháng, tăng 8 so cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng ước thực hiện 1.240.470 triệu đồng, đạt 68,9 dự toán HĐND tỉnh, tăng 24 so cùng kỳ. Tổng thu cân đối ước thực hiện 1.216.120 triệu đồng, đạt 73 dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 68 dự toán HĐND tỉnh, tăng 24 so với cùng kỳ.
    
Trong đó, một số khoản thu, sắc thuế chủ yếu đạt kết quả cao. Thu từ DNNN Trung ương ước thực hiện 161.000 triệu đồng, đạt 104 dự toán tháng, tăng 21 so với cùng kỳ; Thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, ước thực hiện 20.000 triệu đồng, đạt 65 dự toán tháng, tăng 4 so với cùng kỳ.
 
Ngành tài chính hạ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ
Đánh giá về tình hình thu ngân sách từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng công tác thực hiện thu NSNN nhằm bảo đảm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước vẫn còn nhiều mối lo. Tuy nhiên, nhận rõ những khó khăn này, ngay từ đầu năm, ngành tài chính đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ, trong lĩnh vực tài chính - NSNN, toàn ngành tài chính đã nỗ lực, phấn đấu, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
    
Ðồng thời, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành và trình ban hành các chính sách, chế độ tài chính quan trọng như: miễn, giảm, giãn một số sắc thuế, khoản thu NSNN, góp phần tháo gỡ kịp thời một phần khó khăn, tạo thêm nguồn vốn cho DN đầu tư và đã có sự chuyển biến bước đầu đối với hoạt động SXKD.
    
Ngành đã xử lý gia hạn thuế thu nhập DN và giá trị gia tăng (GTGT) cho khoảng 150 nghìn lượt DN với số tiền khoảng 5.380 tỷ đồng, giúp hơn 105 nghìn đối tượng nộp thuế với 4.428 tỷ đồng thuế GTGT và hơn 45 nghìn đối tượng nộp thuế với 952 tỷ đồng thuế thu nhập DN được kéo dài thời gian sử dụng nguồn vốn này. Với chính sách thuế GTGT, thu nhập DN và thu nhập cá nhân mới được sửa đổi, bổ sung, ngành tài chính dự kiến sẽ giảm thu NSNN năm 2013 và 2014 hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, và số tiền này sẽ góp phần tạo thêm nguồn vốn cho DN đầu tư phát triển SXKD.
    
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, qua thực tế theo dõi, chỉ đạo cho thấy, trong những năm qua, mặc dù toàn ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng tình trạng thất thu thuế, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn diễn ra khá phổ biến. Có thể thấy rằng, thất thu NSNN vẫn còn khá lớn, nếu làm tốt công tác này sẽ tăng thêm khoản thu đáng kể cho NSNN, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng và minh bạch cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
    
Để hoàn thành mục tiêu thu NSNN năm 2013, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, một trong những nhóm giải pháp quan trọng ngành Tài chính xác định là đẩy mạnh công tác chống thất thu NSNN. Theo đó, trong công tác điều hành thu NSNN, Bộ Tài chính đã tăng cường thực thi pháp luật về thuế, đẩy mạnh chống thất thu, nợ đọng thuế và chống chuyển giá; thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu NSNN. Từ đó, thông qua công tác quản lý nợ đọng thuế và đấu tranh chống buôn lậu, 6 tháng đầu năm, ngành Thuế đã thu được gần 11,2 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế; ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 8.700 vụ việc buôn lậu, với trị giá khoảng 185 tỷ đồng, thu vào NSNN khoảng 601 tỷ đồng.
    
Bộ trưởng khẳng định để hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách của năm nay, toàn ngành phải tập trung cho công tác điều hành ngân sách chủ động, tích cực; sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp trong phạm vi dự toán đã được quyết định. Ðối với các địa phương, trong trường hợp giảm thu so với dự toán thì phải chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để bảo đảm cân đối ngân sách địa phương.
 
Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 71 (T9/2013)

Xem thêm »