(kiemtoannn.gov.vn) - Luật Kế toán ban hành năm 2003 đã có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do thực tế thay đổi, Luật Kế toán cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan về dịch vụ kế toán, về việc ứng dụng công nghệ thông tin, về Hội nghề nghiệp và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ Tài chính, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) đã tổ chức Hội thảo “Các vấn đề vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán”. Hội thảo là một phần trong chương trình xây dựng Luật của Quốc hội nhằm hướng đến mục tiêu tiệm cận chuẩn mực quốc tế về kế toán - minh bạch thông tin, chấp nhận và thừa nhận các chuẩn mực kế toán quốc tế, cũng như chứng chỉ hành nghề kế toán và kiểm toán của các nước trong khu vực và thế giới.
Theo PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch VAA, có 5 vấn đề lớn cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Kế toán lần này là: đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh; nội dung và phương pháp kế toán; tổ chức công tác kế toán và tổ chức bộ máy kế toán; hoạt động nghề nghiệp kế toán và việc quản lý Nhà nước về kế toán. Ông Thanh cho biết sẽ tập hợp các ý kiến tại hội thảo để gửi Ban soạn thảo sửa đổi Luật, đồng thời tổ chức các hội thảo khác để lấy thêm nhiều ý kiến góp ý nhằm sửa đổi, bổ sung tối đa những bất cập hiện hành để Luật có giá trị thực tiễn lâu dài và trở thành công cụ có hiệu quả cao hơn trong quản lý, điều hành nền kinh tế quốc dân.
Ông BùiVăn Mai – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), đề xuất: Định hướng sửa đổi Luật Kế toán phải phù hợp với cam kết WTO và định hướng chiến lược phát triển kế toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việt Nam đã cam kết mở cửa gần như hoàn toàn về kế toán và kiểm toán, do đó phải tiếp cận gần nhất với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tiếp cận về tổ chức quản lý, giám sát thực thi pháp luật kế toán để kế toán hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế, được quốc tế thừa nhận.
PGS.TS. Đặng Thái Hùng - Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (BộTàichính) cho biết: Ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều như: bỏ quy định “Chứng từ điện tử phải được in ra giấy và lưu trữ theo quy định tại Điều 40 của Luật này” (khoản 6, Điều 19) cho phù hợp với Luật Giao dịch điện tử (Luật GDĐT). Luật GDĐT cho phép lưu trữ chứng từ điện tử trên các phương tiện điện tử, không phải in ra giấy, đồng thời để phù hợp với điều kiện thực tế công tác kế toán trên máy vi tính. Hơn nữa, nếu không sửa quy định này sẽ gây lãng phí cho việc in ấn, bảo quản, lưu trữ.Tươngtự, sửa lại Khoản 7, Điều 27 về quy định in sổ ra giấy theo hướng cho phép các đơn vị có đủ điều kiện về an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu kế toán có thể được lưu trữ sổ kế toán trên phương tiện điện tử…
Đây cũng là những vấn đề được các đại biểu đến từ Đại học Thương mại, Học viện Tài chính, Tập đoàn Bảo Việt và một số công ty dịch vụ kế toán cùng kiến nghị sửa đổi. Nhiều đại biểu cũng đề xuất bổ sung một điều về Tổ chức nghề nghiệp vào Luật sửa đổi.
Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam, khuyến nghị: Nên giao cho VAA tổ chức kiểm tra kiếnthức, cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán và tổ chức cập nhật kiến thức hàng năm. Bên cạnh đó, nên tổ chức thêm nhiều kỳ thi cấp Chứng chỉ kiểm toán viên và Chứng chỉ hành nghề kiểm toán thay vì một lần/1 năm như hiện nay.
Bà Lê Thị Hồng Len - Trưởng đại diện ACCA tại Việt Nam chia sẻ: Là hiệp hội có sự hiện diện trên toàn thế giới, ACCA mong muốn đóng góp kinh nghiệm và khả năng chuyên môn vào quá trình xây dựng và phát triển ngành kế toán và kiểm toán tại Việt Nam với mục tiêu cao nhất là nâng cao lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Theo ông Đặng Thái Hùng, định hướng chính khi sửa Luật Kế toán lần này là xử lý những vướng mắc mà Luật không còn phù hợp. Những bất cập liên quan đến các văn bản khác như Luật DN, Luật Giáo dục, Luật GDĐT hay quy định pháp lý về Hội thì chưa thể xử lý dứt điểm như mong muốn và đề xuất. Vấn đề liên quan đến hội nhập cũng cần xem xét, áp dụng một cách thận trọng.Ông Hùng kỳ vọng, Luật Kế toán (sau khi sửa đổi, bổ sung) sẽ góp phần cho hoạt động tài chính, kinh tế Việt Nam minh bạch, hiệu quả hơn. Quy định về kế toán đúng đắn sẽ tạo ra hệ thống thông tin hữu ích, quy định về kiểm toán phù hợp sẽ góp phần đảm bảo làm tăng độ tin cậy của thông tin, số liệu của báo cáo tài chính. Ngoài ra, hoạt động kiểm toán tốt cũng sẽ giúp cho hoạt động kế toán được hoàn thiện.
CHÂU ANH - Theo Báo Kiểm toán số 39/2013