Hướng tới kiểm toán nợ công một cách độc lập, riêng biệt

09/08/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Mặc dù nợ công của Việt Nam hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo các chỉ số nợ có xu hướng gia tăng. Trong tình hình đó, kiểm toán nợ công là một trong những nhiệm vụ quan trọng của KTNN nhằm đảm bảo tính minh bạch trong quản lý và sử dụng các khoản nợ công cũng như tính hiệu quả và bền vững của quản lý nợ công nói riêng và NSNN nói chung.

Tại khóa đào tạo về Minh bạch tài khóa và kiểm toán nợ công do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và KTNN vừa phối hợp tổ chức, ông Hoàng Ngọc Nắng Hồng - Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết, nợ công của Việt Nam bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính quyền địa phương.

Nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước và nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ Tài chính ký kết, phát hành, ủy quyền phát hành theo quy định của pháp luật (không bao gồm khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ). Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Nợ Chính quyền địa phương là khoản nợ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ký kết, phát hành hoặc ủy quyền phát hành.

Theo ông Hồng, nợ công của Việt Nam giai đoạn 2006-2012 đã tăng đáng kể. Năm 2006, nợ công/GDP là 41,5, tương đương với 404.556 tỷ đồng; năm 2012, tỷ lệ này tăng lên 55,4, tương đương với 1.641.296 tỷ đồng. Các chỉ số nợ công của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở ngưỡng an toàn, tuy nhiên các chỉ số nợ có xu hướng gia tăng bởi các lý do: sự gia tăng nguồn vốn vay để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; sự gia tăng các khoản bảo lãnh Chính phủ; tăng chi trả nợ trực tiếp cũng như nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN; tăng chi phí phát sinh từ rủi ro đối với việc tái cấp vốn cho thị trường vốn trong nước, tăng chi phí huy động vốn.

Ông Hồng cũng cho biết, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến nghị các nước trong đó có Việt Nam, tỷ lệ nợ nước ngoài quốc gia nên duy trì ở mức 50 GDP. Cụ thể, IMF khuyến nghị giảm nợ công xuống 43 GDP vào năm 2017 và tiếp tục giảm sau đó, đồng thời tăng nguồn thu ngoài dầu mỏ như thuế thu nhập cá nhân; kiểm soát chi thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản; nâng cao công tác thanh tra giám sát; tăng cường và củng cố hơn nữa khuôn khổ pháp lý, đồng thời các chuẩn mực kế toán như phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cần được điều chỉnh theo các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

Theo Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, nợ công đến năm 2020 không quá 65 GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55 GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50 GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN hàng năm không quá 25; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25 giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ; tỷ lệ dự trữ ngoại hối Nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200; nợ trong nước khoảng 60 và nợ nước ngoài khoảng 40.

Theo ông Phan Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (KTNN), hiện nay Bộ Tài chính chưa lập báo cáo tài chính về nợ công; việc tổ chức, quản lý nợ công phân tán, việc tổng hợp số liệu nợ chưa kịp thời, việc quản lý cho vay lại, đặc biệt là tiêu chí việc đánh giá rủi ro, nợ xấu của việc cho vay lại chưa đầy đủ, rõ ràng khiến KTNN khó khăn trong thu thập hồ sơ, tài liệu kiểm toán. KTNN đã khuyến nghị Chính phủ “gom” về một đầu mối quản lý nợ công; trong cơ cấu nợ công nên giảm vay nước ngoài và vay các nguồn khác; tăng dần tỷ trọng vay trong nước, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ.

Về phía KTNN, do cách tiếp cận cuộc kiểm toán chưa rõ ràng, chưa tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế; mới tiếp cận bằng loại hình kiểm toán tuân thủ, chưa thực hiện kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động trong kiểm toán nợ công một cách đầy đủ; chưa thực hiện việc kiểm toán nợ công một cách độc lập, riêng biệt (chủ yếu đang thực hiện lồng ghép với cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hàng năm); chưa có những phát hiện lớn, kiến nghị mạnh mẽ nhằm tăng cường tính hiệu quả trong quản lý nợ công. Vì vậy, KTNN cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho kiểm toán nợ công trong Luật KTNN; xác định rõ cách tiếp cận cho cuộc kiểm toán; đào tạo nguồn nhân lực tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các cẩm nang hoặc hướng dẫn; tổ chức cuộc kiểm toán nợ công một cách độc lập, riêng biệt…

TS. Jose Oyola - chuyên gia Dự án hỗ trợ thi hành pháp luật về hội nhập kinh tế (USAID STAR), giảng viên chính của khóa đào tạo, cho biết, ở Hoa Kỳ thông tin về nợ công được cập nhật 2 ngày một lần trên website của Bộ Tài chính để mọi người dân được biết. Việc cập nhật và công khai các số liệu về nợ công giúp Chính phủ đưa ra quyết định vay bao nhiêu vào thời điểm nào, vay từ nguồn nào. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đã ban hành bộ quy tắc đạo đức để áp dụng trong Bộ này. Ở Hoa Kỳ, trái phiếu Chính phủ chỉ được phát hành để phục vụ cho một dự án cụ thể. Các tiểu bang phải chịu trách nhiệm về các khoản vay, chính quyền liên bang không bảo lãnh cho bất kỳ một khoản vay nào của các tiểu bang.

TS. Jose khuyến nghị, KTNN nên nghiên cứu, thu thập những bài học từ các quốc gia khác; chọn lọc áp dụng các thông lệ kiểm toán nợ công phù hợp nhất; nên cử một cán bộ chuyên trách thu thập thông tin và tập hợp một nhóm chuyên gia, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu và kế hoạch kiểm toán trên cơ sở kinh nghiệm đã có của KTNN để thực hiện kiểm toán nợ công tốt nhất.

Báo Kiểm toán (Số 32/2013)

Xem thêm »