(kiemtoannn.gov.vn) - PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam trả lời phỏng vấn báo giới về các vấn đề xung quanh việc hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN Việt Nam.
* Thưa ông, được biết ông là một trong 3 nhà tư vấn trong nước được KTNN Việt Nam và Ngân hàng thế giới mời tham gia Dự án Hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN Việt Nam. Qua nghiên cứu của mình, ông có thể chia sẻ đôi nét về những bất cập hiện nay của phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN Việt Nam?
- KTNN Việt Nam thành lập chưa đầy 20 năm, và trong gần 20 năm qua, KTNN Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, quan trọng là đã dần dần từng bước hoàn chỉnh quy trình kiểm toán, hoàn chỉnh các quy trình, nguyên tắc, thông lệ của kiểm toán. Và đặc biệt đã xây dựng ban hành được các chuẩn mực KTNN. Tuy nhiên cũng phải nói rằng so với yêu cầu của KTNN và so với yêu cầu của người dân đối với KTNN thì đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Trước hết là KTNN Việt Nam chưa xây dựng được những chương trình mang tính chuẩn cho các loại hình và phương thức kiểm toán, điều kiện kiểm toán. Thứ nữa là hệ thống chuẩn mực đã ban hành trong chừng mực nhất định mới đáp ứng được yêu cầu trước mắt. Còn tính về lâu dài thì chưa hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và nguyên tắc của kiểm toán quốc tế, đặc biệt là kiểm toán tối cao. Vì như mọi người biết, đây là KTNN đối với hoạt động tài chính Nhà nước, nó làm nhiệm vụ đánh giá xác nhận hệ thống thông tin về tài chính Nhà nước mà tài chính Nhà nước là tài chính thuộc sở hữu toàn dân, phục vụ yêu cầu kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và thỏa mãn ý nguyện, mong muốn của người dân đối với nền tài chính quốc gia lành mạnh và ngày càng công khai và minh bạch. Vì thế tôi cho rằng đó là bất cập lớn nhất. Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng là so với kiểm toán hiện đại của thế giới, thì vấn đề liên quan đến kỹ năng kiểm toán, liên quan đến phương pháp kiểm toán, liên quan đến các kỹ thuật kiểm toán và đặc biệt là trình độ của đội ngũ kiểm toán viên còn nhiều đòi hỏi cần có sự tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt được yêu cầu của đất nước cũng như sự phù hợp, hài hòa với những nguyên tắc, thông lệ của kiểm toán thế giới.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về công việc mà ông đang triển khai cùng với KTNN và công việc đó có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của KTNN?
- Tôi được KTNN đặt hàng thực hiện công việc đánh giá hồ sơ kiểm toán và hướng hoàn thiện. Có thể nói về vấn đề này như sau: Trong cơ chế kinh tế thị trường, thông tin tài chính, đặc biệt là thông tin tài chính Nhà nước là mối quan tâm của nhiều người làm công tác quản lý tài chính Nhà nước cũng như của nhân dân. Vì vậy, sự chính xác, minh bạch của các thông tin kinh tế tài chính, thông tin về tài chính quốc gia, tài chính Nhà nước là một đòi hỏi cần được đáp ứng kịp thời. Kiểm toán là hoạt động đem lại niềm tin cho những người quan tâm đến tình hình tài chính của đất nước. Trách nhiệm pháp lý cao đòi hỏi kiểm toán viên và cơ quan KTNN cũng như các tổ chức kiểm toán độc lập phải chú trọng đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán. Kiểm toán không chỉ thu thập, đánh giá mà còn phải lưu giữ những bằng chứng thông tin quan trọng giúp kiểm toán viên đưa ra những ý kiến, kết luận có cơ sở pháp lý và là căn cứ quan trọng cho việc kiểm soát và đánh giá chất lượng kiểm toán. KTNN đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kiểm soát chất lượng kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán ngày một hiệu quả hơn. Đó là việc thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa và hạn chế các nguyên nhân gây ra kém chất lượng kiểm toán. Có thể nói, cần quan tâm và tăng cường sử dụng những biện pháp phát huy các yếu tố tích cực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động kiểm toán. Một trong các hoạt động đó là công tác tổ chức hồ sơ kiểm toán và tuân theo các chuẩn mực kiểm toán về hồ sơ kiểm toán. Việc ghi chép lập hồ sơ kiểm toán có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc kiểm soát và đảm bảo chất lượng kiểm toán. Hồ sơ kiểm toán là biện pháp đảm bảo và thể hiện chất lượng công việc kiểm toán đã tiến hành. Các hồ sơ kiểm toán được thiết lập và lưu trữ phục vụ cho hoạt động kiểm toán và cho việc soát xét, kiểm tra công việc của KTV, đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán.
* Vậy theo ông, việc hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán sẽ giúp ích gì cho hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
- Tôi biết hiện nay, KTNN đang làm rất nhiều việc với sự tài trợ, hỗ trợ từ các dự án, chúng ta đang từng bước hiện đại hóa các hoạt động của KTNN, trong đó có mục tiêu đến năm 2020 và xa hơn nữa là đến năm 2030 để nâng cao chất lượng, năng lực của KTNN. Và tôi cho rằng việc KTNN đang làm là hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán là rất quan trọng, bởi vì trước hết là chúng ta hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán. Đây là một trong những cơ sở mang tính pháp lý, một trong những cơ sở mang tính nguyên tắc và thông lệ để cho kiểm toán có thể thực hiện được chức năng của mình. Vấn đề thứ hai là chúng ta hoàn thiện các phương pháp kiểm toán, bởi vì phương pháp kiểm toán hiện đại của một nền kinh tế thị trường, nền kinh tế chuyển đổi thì đó phải là những phương pháp kiểm toán đảm bảo làm sao mà chúng ta có thể đánh giá thu thập được những bằng chứng kiểm toán một cách tin cậy, đồng thời thông qua đó các KTV cũng như là các đoàn kiểm toán có thể đưa ra các ý kiến của mình một cách tương đối khách quan, chính xác, trung thực về thực trạng tài chính của đất nước nói chung và tài chính của từng đơn vị, từng tổ chức nói riêng, và chính điều này giúp cho Nhà nước có những biện pháp, chính sách phù hợp hơn, cũng như hợp lý hơn để điều hành nền tài chính quốc gia. Nhưng quan trọng là chúng ta muốn đưa nền tài chính đất nước đến một nền tài chính lành mạnh, thực sự vì lợi ích và quyền lợi của nhân dân. Mà thông qua đó cũng để giúp cho người dân yên lòng khi mình tham gia đóng góp và xây dựng cho nền tài chính này. Và cái quan trọng hơn chính cơ quan KTNN sẽ hạn chế những tiêu cực, lãng phí, hạn chế tham ô, tham nhũng, trong việc sử dụng nguồn ngân quỹ quốc gia. Vì thế nên tôi đánh giá rất cao công việc này của KTNN. Tất nhiên đây là việc làm hoàn toàn không dễ dàng đòi hỏi sự tập trung công sức của các chuyên gia, đòi hỏi sự quyết tâm kể các quyết tâm mang tính chính trị, quyết tâm mang tính công việc nghiệp vụ cụ thể của lãnh đạo KTNN và những người thực hiện công việc kiểm toán.
* Như trên ông đã khẳng định tầm quan trọng của hoạt động kiểm toán đối với công tác quản lý tài chính nhà nước cũng như của nhân dân và dư luận cũng rất mong muốn rằng khi KTNN thực hiện việc hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán thì công tác giám sát việc sử dụng nguồn vốn trong tập đoàn tổng công ty nhà nước được đẩy mạnh hơn với những kiến nghị cảnh báo từ phía cơ quan KTNN chuẩn hơn. Ông nghĩ sao về điều này?
- KTNN có chức năng kiểm toán toàn bộ hoạt động tài chính Nhà nước, trong đó có nguồn tài chính cực kỳ quan trọng là tài chính tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, hoặc các doanh nghiệp ở đó Nhà nước có cổ phần chi phối. Không chỉ đơn giản là các tập đoàn kinh tế, mà ở đây rộng hơn là các doanh nghiệp có vốn sở hữu của Nhà nước và đã là vốn sở hữu Nhà nước, tức là thuộc sở hữu toàn dân, mà trách nhiệm của KTNN là phải kiểm tra, đánh giá và xác nhận độ tin cậy, chính xác của thông tin này. Và hơn nữa sắp tới đây KTNN phải triển khai một cách mạnh mẽ hơn các kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ ngoài việc kiểm tra, kiểm toán BCTC thì phải kiểm toán tính hiệu quả, tính kinh tế của việc sử dụng các đồng tiền của nhân dân, các đồng tiền của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế. Đây là hoạt động đầu tư cực kỳ quan trọng để giúp cho nền kinh tế phát triển. Cho nên tôi tin tưởng và hy vọng là với phương pháp kiểm toán hiện đại, đặc biệt là kiểm toán với các doanh nghiệp. Ở đây tính phức tạp của nó khác với kiểm toán các tổ chức tài chính Nhà nước thì trong chừng mực nhất định có thể giúp cho Nhà nước có sự nhìn nhận đánh giá đầy đủ hơn, chính xác hơn, khách quan hơn về thực trạng tài chính doanh nghiệp và hơn thế nữa nếu đi sâu vào kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, thì KTNN còn chỉ ra cho Nhà nước thấy là những đồng tiền nào, đồng vốn nào đầu tư vào đâu, có hiệu quả hay không hiệu quả, tính kinh tế các hoạt động, tính kinh tế các chu trình quản lý, chu trình kinh doanh của các doanh nghiệp và đó mới là quan trọng và thông qua đó, giúp cho Nhà nước thấy rằng việc quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp nói chung và tập đoàn kinh tế nói riêng hiện nay còn những khiếm khuyết gì, ở những khâu nào, đặc biệt trong quá trình về đầu tư, trong quá trình vận hành, trong quá trình hoạt động kinh doanh, trong quá trình phân chia các kết quả… Đây cũng là một trong số các điều kiện giúp doanh nghiệp của mình lành mạnh hóa hơn tài chính và giúp cho việc xác định trách nhiệm của những người được Nhà nước cử làm đại diện tại các doanh nghiệp nhà nước đó. Tôi cho rằng với cách làm như vậy không chỉ giải quyết được vấn đề về kinh tế tài chính mà lớn hơn nữa giải quyết trách nhiệm mang tính cá nhân của những người được Nhà nước giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp đó.
* Vậy ông có những đề xuất gì về kiểm toán các doanh nghiệp
- Về doanh nghiệp tôi thấy có một số nội dung sau. Thứ nhất là phải có chu trình chuẩn hóa về kiểm toán các doanh nghiệp. Thứ hai, bên cạnh việc kiểm toán BCTC thì vấn đề lớn hơn là triển khai mạnh mẽ hơn nữa kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ. Và thứ ba, các phương pháp về kiểm toán đặc biệt là phương pháp phân tích, phương pháp về kỹ thuật, phương pháp thu thập bằng chứng, đánh giá bằng chứng cần được thay đổi làm sao cho hợp lý vì hoạt động kinh tế nó diễn ra rất phức tạp, đa dạng nhưng vấn đề là chọn mẫu kiểm toán thế nào, vấn đề sử dụng các phương pháp đánh giá bằng chứng kiểm toán thế nào? Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Thứ tư là thông qua đây sử dụng các phương pháp phân tích, phương pháp đánh giá rủi ro, phương pháp phân tích rủi ro để từ đó tìm ra được vấn đề trọng yếu và không trọng yếu. Từ đó kết luận, kiến nghị của KTNN có độ tin cậy cao hơn và sát thực hơn với tình hình thực trạng tài chính của doanh nghiệp./.
Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 69
(Tháng 7/2013)
Ảnh: Internet