Sửa đổi Luật Kế toán cho phù hợp với yêu cầu hội nhập

23/05/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - “Cần thiết phải sửa đổi Luật Kế toán 2003 cho phù hợp với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế” là kiến nghị được tất cả các chuyên gia đồng thuận tại Hội thảo tổng kết thực tiễn thi hành và đánh giá Luật Kế toán 2003 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam vừa phối hợp tổ chức.

Bất cập sau 10 năm Luật đi vào cuộc sống
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh không thể phủ nhận vai trò của Luật Kế toán trong 10 năm qua, bởi Luật Kế toán 2003 và các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán, hướng dẫn thực hiện Luật đã tạo thành khuôn khổ pháp luật đồng bộ về kế toán; giúp cho thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam phát triển như hiện nay, đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế trong giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia đến từ Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Ban Pháp chế của VCCI thì Luật Kế toán hiện hành đang bộc lộ rõ 2 bất cập lớn.

Thứ nhất, các nguyên tắc và nội dung quy định về kế toán chủ yếu mới phù hợp với từng đơn vị kế toán riêng lẻ, trong khi nền kinh tế thị trường đã phát triển khá mạnh, theo đó các hoạt động đầu tư, liên doanh, liên kết đa dạng, đa chiều, đa ngành, nhiều thành phần, mà các quy định trong Luật Kế toán tỏ ra chưa đủ cơ sở pháp lý cho quản lý, chưa đủ chế tài, thiếu các quy định bắt buộc thiết kế hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán hiệu quả. Các quy định pháp lý về quyền hạn, trách nhiệm trước pháp luật của người làm kế toán, của từng cấp quản lý công tác kế toán không còn phù hợp.

Thứ hai, trong bộ máy quản lý hiện nay không còn hệ thống tổ chức quản lý tài chính kế toán theo ngành kinh tế như trước, dẫn đến thiếu việc tuyên truyền, phổ biến; thiếu sự kiểm tra, kiểm soát cả về thực hiện kế toán và quản lý tài chính, dẫn đến pháp luật về kế toán không chắc chắn đến được người thực hiện. Vai trò và chức năng, nhiệm vụ của người làm kế toán vẫn bị coi nhẹ, kể cả ở khu vực DN 100 vốn Nhà nước, DN Nhà nước nắm cổ phần chi phối…

Luật sửa đổi phải cấp tiến hơn
Chính vì còn 2 bất cập lớn nêu trên, các chuyên gia đều khẳng định cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế. Điều này càng được chứng minh qua kết quả rà soát Luật Kế toán 2003 của VCCI. Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền - Trưởng Nhóm rà soát thì mức độ hội nhập kinh tế quốc tế trong Luật Kế toán 2003 rất “mờ nhạt” do ở thời điểm ban hành Việt Nam chưa gia nhập WTO. Trong Luật quy định nhiều vấn đề về kế toán DN dựa trên một hệ thống kế toán thủ công, hạn chế việc ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Do đó, nhiều vấn đề mới đã phát sinh nhưng chưa được đề cập và quy định trong Luật. Đơn cử như vấn đề hợp tác quốc tế về kế toán, về chứng từ điện tử trong kế toán DN, về giám đốc tài chính của DN… Trong Luật hiện hành cũng tồn tại nhiều vấn đề chưa đạt tiêu chí minh bạch, thống nhất, hợp lý và tính khả thi nên càng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đưa ra một minh chứng nhỏ để nêu rõ một tác hại lớn, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện Luật Kế toán thống nhất với thông lệ quốc tế trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, ông Phạm Ngọc Hữu đến từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam kể lại: Một DN ở TP.HCM đã “giật mình” khi nhận được thông báo của cơ quan thuế đề nghị DN phải nộp 175 tỷ đồng bởi số tiền này lớn hơn cả giá trị hợp đồng mà DN ký kết được với đối tác nước ngoài. Khi đem thắc mắc tới cơ quan thuế thì DN mới xác định được số tiền thực phải nộp chỉ là 175 triệu đồng. Nguyên nhân là sự khác nhau giữa Việt Nam và quốc tế trong quy định ghi giá trị tiền tệ, trong khi Việt Nam dùng dấu chấm thì quốc tế dùng dấu phẩy.

Chính sự không thống nhất này đã gây hiểu nhầm và tạo ra vô số phiền hà. Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia khuyến nghị, trong trường hợp sử dụng đơn vị tiền tệ là ngoại tệ để ghi sổ kế toán thì việc đánh dấu chấm hay dấu phẩy giữa các chữ số được ghi theo thông lệ quốc tế là dấu phẩy sau hàng ngàn trở lên và dấu chấm sau hàng đơn vị.

Đánh giá kết cấu của dự thảo Luật Kế toán sửa đổi gồm 7 chương 64 điều là hợp lý, nhưng PGS.TS.Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng: “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo Luật Kế toán sửa đổi là không phù hợp. Chỉ cần nói một cách ngắn gọn là đối tượng áp dụng gồm tất cả các tổ chức có hoạt động tài chính”.

Ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần phải bổ sung vào Luật những quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán; quy định về tổ chức nghề nghiệp kế toán; cần thiết giảm bớt các quy định về sổ kế toán ghi bằng tay; bắt buộc mỗi đơn vị kế toán phải sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán thống nhất; nghiêm cấm lập các hệ thống sổ kế toán tài chính khác nhau…

Các chuyên gia đều kỳ vọng Luật Kế toán sửa đổi sẽ phù hợp với các cam kết WTO và định hướng chiến lược phát triển kế toán trong dài hạn. Hiện kế toán, kiểm toán Việt Nam đã cam kết mở cửa gần như hoàn toàn, do đó phải tiếp cận gần nhất với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, với hệ thống thông tin tự động liên kết toàn cầu, tiếp cận về tổ chức quản lý, giám sát thực thi pháp luật kế toán./.

PHÚC KHANG

Theo Báo Kiểm toán số 21/2013
 

Xem thêm »