Một số ý kiến về luật thuế thu nhập cá nhân

22/05/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thuế nói chung và thuế thu nhập cá nhân nói riêng là một công cụ quan trọng để tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho bộ máy nhà nước về an ninh, quốc phòng, khu vực hành chính công. Để tăng nguồn thu, thực hiện cân đối chi cho ngân sách nhà nước, đòi hỏi phải có một chính sách thuế phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế từng thời kỳ, phù hợp với tốc độ lạm phát của đồng tiền và phù hợp với thu nhập bình quân của mọi người dân trong xã hội.

Luật thuế thu nhập cá nhân được chính thức ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007 đã thực sự đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, góp phần làm tăng số lượng các sắc lệnh thuế và cũng làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Luật thuế thu nhập cá nhân gồm có 4 chương,với 35 điều khoản đã thể hiện đầy đủ tính chất pháp lý cho các cơ quan chuyên môn xác định đúng đối tượng nộp thuế; Thu nhập chịu thuế; Thu nhập được miễn thuế và căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân một cách chính xác theo tinh thần của luật thuế thu nhập cá nhân.

Theo Điều 2 của luật quy định về đối tượng nộp thuế : 
1)  Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân có thu nhập chịu thuế quy định tại điều 3 của luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại điều 3 của luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. Trong đó :

2) Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau 
- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn .

3) Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều khiện tại khoản 2 điều này.
Thu nhập chịu thuế (Theo Điều 3), gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại điều 4 của Luật này.

Thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn;

Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; Thu nhập từ trúng thưởng;
 
Thu nhập từ bản quyền; Thu nhập từ nhượng quyền thương mại; Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng, phần vốn trong tổ chức kinh tế; Thu nhập từ nhận quà là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế.

Thu nhập được miễn thuế (Theo Điều 4), gồm: Thu nhập từ bất động sản giữa vợ với chồng; Cha, mẹ đẻ với con đẻ; Cha, mẹ nuôi với con nuôi; Cha, mẹ chồng với con dâu; Cha, mẹ vợ với con rể; Ông, bà nội với cháu nội; Ông, bà ngoại với cháu ngoại; Anh, chị em ruột với nhau; Thu nhập từ chuyến nhượng nhà, quyền sử dụng đất (Trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất); Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được nhà nước giao đất; Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng, giữa cha, mẹ với con, anh, chị em ruột với nhau; Thu nhập từ của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt thủy sản; Thu nhập từ lãi tiền gửi; Thu nhập từ kiều hối; Phần tiền lương làm việc ban đêm, thêm giờ; Tiền lương hưu do bảo hiểm xã hội chi trả; Thu nhập từ học bổng; Thu nhập từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện; Thu nhập. 

Đối tượng được miễn giảm thuế (theo Điều 5) là những cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn tai nạn, bệnh  hiểm nghèo ảnh hưởng nđến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không nhận được từ nguồn viện trợ nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo vượt quá số thuế phải nộp.

Kỳ tính thuế đối với cá nhân cư trú (Theo Điều 7) được áp dụng theo năm đối vớ các khoản thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công. Đối với các khoản thu nhập không thường xuyên, như: Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản... kỳ tính thuế được áp dụng theo từng lần phát sinh thu nhập. Đối với các cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với tất cả thu nhập chịu thuế.

Việc đăng ký, kê khai, khấu trừ thuế, nộp thuế, quyết toán thuế hoàn thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế và các biện pháp quản lý thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Cá nhân được hoàn thuế khi số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp; Cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế (Theo Điều 8).
   
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân cư trú (Theo các Điều từ 10 đến 18) là toàn bộ khoản thu nhập thường xuyên Như tiền thu từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công) và các khoản thu nhập không thường xuyên (Như thu từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn, từ chuyển nhượng bất động sản, từ thừa kế, qùa tặng ...) sau khi trừ các khoản giảm trừ gia cảnh (Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4000.000 đ/tháng; Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1.600.000đ/ tháng) theo Điều 19 của luật và giảm trừ đối các khoản đống góp từ thiện, nhân đạo (Theo Điều 20); Trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Đối với khoản thu nhập từ kinh, từ tiền lương, tiền công), số còn lại chính là thu nhập tính thuế.   
     
Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho thu nhập tính thuế với mức thấp nhất là  5 nếu thu nhập tính thuế đến 60.000.000đ/năm và mức cao nhất là 35, nếu thu nhập tính thuế trên 960.000.000 đ/năm (Áp dụng đối với các khoản thu nhập thường xuyên).
    
Đối với khoản thu nhập không thường xuyên, biểu thuế toàn phần được quy định cho từng khoản thu nhập phát sinh theo quy định tại Điều 23 của luật: Thu nhập từ đầu tư vốn 5; Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại 5; Thu nhập từ trúng thưởng 10; Thu nhập từ thừa kế, quà tặng 10 ; ... 
    
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân không cư trú (Từ Điều 25 đến Điều 31), được quy định cho các khoản thu nhập thường xuyên và không thường xuyên như sau:
   
*) Đối với các khoản thu nhập thường xuyên:
- Thu nhập từ hoạt động kinh doanh hàng hóa, thuế suất là 1.
- Thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, thuế suất là 5.
- Thu nhập từ hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động kinh doanh khác thuế suất là 2 .
- Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công, thuế suất là 20.    
   
*)  Đối với khoản thu nhập không thường xuyên:
- Thu nhập từ đầu tư vốn, thuế suất là 5.
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thuế suất là 0,1.
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thuế suất là 2 .
- Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, thuế suất là 5.
- Thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng, thừa kế , thuế suất là 10.

Thời điểm xác định thu nhập chụi thuế (Theo Điều 32) là thời điểm cá nhân không cư chú nhận được thu nhập hoặc thời điểm xuất hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
     
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Như vậy, Luật thuế thu nhập cá nhân sau hơn 3 năm vận hành chính thức đã trở nên khá lạc hậu , cần phải đựơc chỉnh sửa cho phù hợp với tốc độ lạm phát của nền kinh tế, phù hợp với thu nhập bình quân của dân cư trong toàn xã hội. Thực tế cho thấy tỷ lệ lạm phát tính từ thời điểm soạn thảo luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 đến nay (Năm 2012), thì tốc độ lạm phát của nền kinh tế đã lên đến con số khoảng 60. Trong khi đó thu nhập của người lao động tăng lên không tương xứng. Vì vậy, ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân 4000.000đ/tháng cho các đối tượng tính thuế và mức chiết trừ gia cảnh 1.600.000 đ/ người phụ thuộc /tháng đã trở nên khá lạc hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính của đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân. Qua nghiên cứu luật thuế thu nhập cá nhân và một số thông tư dưới luật tác giả nhận thấy còn một số tồn tại sau đây:

- Thứ nhất: Luật chưa tạo ra được sự đồng tình của xã hội về ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh cho các đối tượng phụ thuộc. Trên thực tế, nền kinh tế của Việt Nam đang trong tình trạng chịu ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, tỷ lệ lạm phát hàng năm luôn ở 2 con số, giá cả các mặt hàng thiết yếu, như: Nhà, điện, nước, xăng dầu ... đều tăng cao. Vì vậy, luật thuế cần phải xem xét một cách toàn diện để điều chỉnh lại ngưỡng khởi điểm tính thuế và mức chiết trừ gia cảnh cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo mức sống ổn định cho các đối tượng chịu thuế trước  khi chưa có luật thuế và sau khi phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
   
- Thứ hai: Mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến trong luật là chưa hợp lý (Mức thuế suất thấp nhất là 5 cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tới 60.000.000đ/năm và 35 đối với các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập trên 960.000.000 đ/năm ), với biểu thuế suất như vậy đã gây ra tâm lý chán nản cho những người làm ăn chính đáng có thu nhập cao và đây cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng  chẩy máu chất xám hoặc khai man thu nhập để trốn thuế.
  
-  Thứ ba: Tồn tại lớn nhất và cũng khó khăn nhất hiện nay theo tác giả chính là sự thiếu kiểm soát chặt chẽ mức thu nhập của người dân, nhất là khoản thu nhập khó kiểm soát, như: Thu nhập của ca sỹ; Thu nhập của các Doanh nhân; Thu nhập từ kinh doanh chứng khoán, từ kinh doanh bất động sản... Đây là những khoản thu nhập nằm ngoài khoản tiền công, tiền lương không có trong sổ sách kế toán của đơn vị, dẫn đến sự bất bình đẳng trong kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân giữa các đối tượng trong xã hội và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến làm giảm nguồn thu từ thuế của ngân sách quốc gia.
  
-  Thứ tư: Luật thuế thu nhập cá nhân sớm lạc hậu so với các Luật thuế khác vì: Luật được xây dựng chưa xuất phát từ thực tiễn đời sống của người làm công ăn lương; Chưa tính đến tốc độ lạm phát của đồng tiền trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam phát triển thiếu tính bền vững và ổn định, chưa có sự phản biện của xã hội và đặc biệt Luật này có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi thành viên trong xã hội. 
     
Để luật thuế thu nhập cá nhân sớm nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội, có tính pháp lý bền vững và ổn định, là căn cứ quan trọng trong việc xác định nghĩa vụ nộp thuế của mọi người dân trong xã hội, là căn cứ để xử phạt nghiêm minh các hiện tượng trốn thuế, gian lận trong kê khai và nộp thuế và đặc biệt tạo ra sự công bằng cho các đối tượng nộp thuế, tránh thất thu thuế thì Luật thuế thu nhập cá nhân phải thực hiện các giải pháp hoàn thiện sau:
           
Giải pháp một: Cần xác định ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân và mức chiết trừ gia cảnh cho các đối tượng phụ thuộc phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế có lạm phát cao, phù hợp với thu nhập bình quân của mọi thành viên trong xã hội, huy động tối đa số lượng các đối tượng chịu thuế, góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo sự công bằng xã hội. Với ý nghĩa đó, theo tác giả hiểu thuế thu nhập cá nhân là khoản thuế mà mọi cá nhân có thu nhập đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp. Để tăng số lượng các đối tượng chịu thuế, tăng số lượng các đối tượng phụ thuộc được chiết trừ gia cảnh, đảm bảo mức sống ổn định cho người lao động, để họ yên tâm làm việc cống hiến cho xã hội, thì Luật thuế thu nhập cá nhân phải điều chỉnh ngưỡng khởi điểm tính thuế là 8000.000đ/ tháng / người; Mức chiết trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 3000.000đ/ tháng (Bao gồm con chưa đến tuổi trưởng thành, bố mẹ già không còn sức lao động) và Luật không nên quy định số lượng các đối tượng phụ thuộc, có như vậy mới tạo ra sự đồng tình của xã hội đối với Luật thuế thu nhập cá nhân.
           
Giải pháp hai: Luật nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch, có như vậy mới khuyến khích được những người lao động có tài năng, đồng thời cũng giảm được hiện tượng khai man thu nhập, hiện tượng gian lận thuế. Với tinh thần đó, theo tác giả biểu thuế suất lũy tiến được thay đổi như sau: Mức thuế suất 5 cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế đến 96.000.000 đ/ năm; Mức thuế suất 8 cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế trên 96.000.000đ đến 150.000.000 đ/năm; Mức thuế suất 12 cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập từ trên 150.000.000đ đến 240.000.000đ/ năm; Mức thuế suất 17 cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế từ trên 240.000.000đ đến 360.000.000 đ/ năm; Mức thuế suất 23 cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế từ trên 360.000.000đ/năm đến 550.000.000đ/năm; Mức thuế suất 30 cho các đối tượng chịu thuế có mức thu nhập tính thuế từ trên 550.000.000đ/năm. Thu nhập tính thuế được thực hiện theo Điều 21 của luật thuế thu nhập cá nhân.
         
Giải pháp ba: Tăng cường công tác kiểm tra , kiểm soát các khoản thu nhập không được phản ánh trên các sổ sách kế toán của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các đối tượng cố tình khai man thu nhập hoặc giấu thu nhập để giảm bớt khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho nhà nước. Theo tác giả đối với các đối tượng có mức thu nhập không ổn định và khó kiểm soát, có thể thực hiện khoán thuế thu nhập cá nhân. Mặt khác phải quản lý chặt chẽ thu nhập từ tiền lương, tiền công, thực hiện kê khai và nộp thuế thông qua cơ quan chi trả thu nhận, theo đó mức thuế thu nhập cá nhân được khấu trừ tại nguồn theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần đối với các khoản chi trả thu nhập cho những cá nhân ký hợp đồng lao động từ 4 tháng trở lên và khấu trừ 10 thu nhập đối với khoản chi trả cho cá nhân không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động dưới 4 tháng nếu số tiền mỗi lần chi trả từ 500.000 đ trở lên. Cơ quan chi trả thu nhập phải có trách nhiệm thu và chuyển số thuế thu được vào kho bạc nhà nước. Để cho việc kê khai thuế , quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân một cách thuận lợi, dễ làm, dễ hiểu, dễ kiểm soát thì các điều luật và thông tư dưới luật phải được thể chế hết sức đơn giản, rõ ràng, nhất quán, giúp cho các tổ chức, các cá nhân hiểu rõ được luật thuế thu nhập cá nhân, từ đó họ nâng cao ý thức, trách nhiệm của họ đối với xã hội .
       
Giải pháp bốn:  Để luật thuế thu nhập cá nhân có tính pháp lý bền vững và ổn định lâu dài, không bị lạc hậu thì Luật không nên quy định ngưỡng khởi điểm tính thuế  thu nhập cá nhân bằng một mức tiền tuyệt đối, làm như vậy phải thường xuyên điều chỉnh ngưỡng khởi điểm tính thuế khi tốc độ lạm phát của nền kinh tế tăng cao. Theo tác giả Luật nên quy định ngưỡng khởi điểm tính thuế theo một tỷ  lệ phần trăm nhất định so với mức tiền lương, tiền công tối thiểu, có như vậy khi nhà nước điều chỉnh tiền lương, tiền công tối thiểu sẽ không ảnh hưởng đến luật thuế thu nhập cá nhân. Đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để tạo ra sức sống lâu bền cho Luật thuế thu nhập cá nhân .
      
Giải pháp năm:  Phải tăng cường công tác tuyên truyền Luật thuế thu nhập cá nhân trên các phương tiện truyền thông để mọi người trong xã hội hiểu rõ được ý nghĩa, vai trò của hệ thống thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng đối với sự phát triển của xã hội, từ đó giúp cho họ có nhận thức đúng đắn và coi nộp thuế là trách nhiệm, là nghĩa vụ của người dân yêu nước.       

Trên đây, là một số ý kiến về Luật thuế thu nhập cá nhân. Những ưu điểm và tồn tại trong việc xây dựng Luật cũng như tổ chức thực hiện Luật trong khoảng thời gian gần 4 năm. Tác giả rất mong cơ quan lập pháp xem xét để chỉnh sửa , bổ sung những bất cập, những điểm chưa phù hợp để luật thuế là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc tính thuế, kê khai thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân một cách nhanh chóng, thuận lợi và chính xác, đảm bảo công bằng xã hội, góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.    

Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán  
 

Xem thêm »