(Trò chuyện với ông Lê Minh Nam – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI)

09/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hiện nay, dư luận đang bày tỏ một thái độ rất bức xúc với quy định doanh nghiệp tự định giá xăng dầu. Là người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp và từng là Trưởng đoàn kiểm toán một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn trong nước, Ông có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Theo tôi, có thể một số nguyên nhân sau đây đã làm dư luận bức xúc:

Một là, người tiêu dùng có thể giật mình về câu chuyện Nhà nước cho phép doanh nghiệp “tự định giá” đối với mặt hàng được xem là mặt hàng “thiết yếu”, trong khi đó hệ thống kinh doanh phân phối xăng dầu vẫn có doanh nghiệp nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường và hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng có những đặc thù cần quản lý.

Hai là, quy định này ban hành đúng thời điểm giá xăng dầu liên tục tăng, thực trạng kinh tế xã hội, đời sống người dân đang gặp những khó khăn, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ, trong khi đó với những thông tin nắm bắt được, người dân cảm thấy việc tăng giá có vẻ như không thỏa đáng.

Ba là, thông tin về chính sách quản lý giá xăng dầu, về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thời gian qua đã được công khai nhưng chưa thực sự đầy đủ và cụ thể. Vì vậy, trong môi trường tự do ngôn luận, các thông tin đa chiều được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông nhưng chưa có một kênh thông tin chính thống, có trách nhiệm đứng ra giải thích cụ thể, rõ ràng dẫn đến tình trạng “nhiễu” thông tin, dẫn dắt người tiêu dùng hiểu không đầy đủ bản chất vấn đề, cho rằng mình là người chịu thiệt thòi khi xăng dầu cứ tăng giá.

Bốn là, câu chuyện độc quyền trong kinh doanh xăng dầu vẫn in đậm trong quan niệm của rất nhiều người, họ cho rằng doanh nghiệp độc quyền sẽ tìm cách định giá mua bán bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng, vì vậy giao quyền “tự định giá” khác gì “nối giáo cho giặc”.

Năm là, có một số sai phạm xảy ra trong hoạt động kinh doanh xăng dầu rất cụ thể (như tình trạng gian lận về chất lượng, số lượng xăng dầu, việc dừng bán hàng không lý do...) đã tác động trực tiếp đến người dân, làm người dân bức xúc, luôn thấy mình bị chèn ép, phải nhận phần thiệt thòi nhưng “đôi khi vẫn phải cắn răng” chấp nhận do... không thể không dùng xăng dầu. Những sai phạm này cho dù thực tế chỉ xảy ra ở nhánh cuối của hệ thống phân phối (đại lý, cửa hàng bán lẻ), không gắn trực tiếp với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu nhưng là bộ mặt của hệ thống phân phối xăng dầu, vì vậy nó  có tác động làm người dân liên hệ rằng, gian lận và cửa quyền là bệnh của hệ thống các đơn vị kinh doanh xăng dầu và câu chuyện cho quyền tự định giá là không thỏa đáng.

Nếu nhìn từ những “suy đoán” nêu trên cho thấy, việc dư luận bức xúc về quy định này cũng có cơ sở. Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi, việc ban hành quy định để doanh nghiệp tự định giá xăng dầu thời gian qua chỉ là một trong những thay đổi để giúp doanh nghiệp quay lại thực hiện đầy đủ Điều 27 “Giá bán xăng dầu” của Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ sau một thời gian dài chịu sự điều chỉnh của chính sách bình ổn giá chứ không phải là quy định mới. Thực tế, bên cạnh những bất cập trong điều hành giá xăng dầu và những tồn tại mang tính chủ quan trong công tác quản trị tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - công tác điều hành giá xăng dầu cũng có những vướng mắc không dễ giải quyết, đặc biệt giai đoạn tình hình kinh tế xã hội có khó khăn, Nhà nước phải tăng cường vai trò kiểm soát vĩ mô nền kinh tế trong đó có áp dụng chính sách bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, để kiểm soát giá bán, nhiều giai đoạn Nhà nước đã yêu cầu sử dụng hết, thậm chí âm quỹ bình ổn giá, không thu thuế nhập khẩu (thuế suất bằng 0); doanh nghiệp kinh doanh lỗ do chi phí thực tế cao hơn định mức chi phí xây dựng từ năm 2009, do giá bán quy định thấp hơn giá cơ sở...; giai đoạn đó người tiêu dùng đã được hưởng giá bán trong điều kiện bình ổn nhưng không có thông tin nên không nhận biết được lợi ích của mình để có thể chia sẻ những khó khăn với Nhà nước và doanh nghiệp những thời điểm khác.

Vì vậy, để góp phần giải tỏa được những bức xúc của xã hội, Nhà nước cần công khai minh bạch chính sách quản lý giá xăng dầu; yêu cầu doanh nghiệp thông tin trung thực về thực trạng hoạt động (có kiểm soát) và cần chỉ rõ cả quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của người tiêu dùng. Qua đó, mọi người có thể hiểu rõ: Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng đang có quyền lợi và nghĩa vụ gì, nghĩa vụ đó có chính đáng và hợp lý không để cùng chia sẻ trách nhiệm, giám sát lẫn nhau nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mỗi bên.  

Theo Ông, việc để một doanh nghiệp chiếm lĩnh đến 60  thị phần như Petrolimex được quyền quyết định giá liệu có phải là vi phạm các quy định pháp luật về cạnh tranh thương mại không?Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta nên quản lý giá xăng dầu theo cơ chế nào?

Nói chung, việc xem xét doanh nghiệp có vi phạm pháp luật về quyền quyết định giá hay không thì phải xem xét doanh nghiệp đó sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ thuộc nhóm đối tượng nào? Hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật là được phép tự định giá hay do Nhà nước định giá, quản lý giá? Doanh nghiệp đó có tuân thủ các quy định pháp luật về giá áp dụng cho sản phẩm, dịch vụ của mình hay không?

Đối với Petrolimex: Theo quy định của pháp luật, mặt hàng xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa Nhà nước thực hiện bình ổn giá - đương nhiên Petrolimex phải chấp hành các quy định về quản lý giá mà cụ thể là tuân thủ công thức giá cơ sở ban hành theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Như vậy, về mặt nguyên lý, cho dù Petrolimex là doanh nghiệp với thị phần lớn, có vị trí thống lĩnh thị trường - có thể lạm dụng lợi thế, ấn định giá bán bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng - nhưng với cơ chế quản lý giá hiện hành, Petrolimex không thể xé rào để ấn định mức giá bất hợp lý mà phải chấp hành quy định quản lý giá theo công thức giá đã được công khai, minh bạch.

Xuất phát từ đặc thù hàng hóa xăng dầu và phương thức tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, theo tôi, quản lý giá xăng dầu  về lâu dài cần hướng tới cơ chế thị trường. Tuy nhiên, lộ trình thị trường hóa phải dần từng bước. Trước mắt, Nhà nước vẫn cần điều tiết giá, quản lý giá do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu cho cả sản xuất và tiêu dùng. Theo đó, như hiện nay, Nhà nước đang “thả” để doanh nghiệp được quyền quyết định giá trong giới hạn công thức giá cơ sở và chủ động quản trị hiệu quả doanh nghiệp, cạnh tranh trong khuôn khổ công thức giá là phù hợp. Nhà nước không thể cứ ghìm giữ giá vì doanh nghiệp kinh doanh phải bảo toàn vốn, có lãi (trong kiểm soát) mới có điều kiện tồn tại, phát triển để tiếp tục cung ứng xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống dân sinh; ngược lại doanh nghiệp cũng không thể lạm dụng đặc điểm bán hàng “thiết yếu” để thu lợi bất chính. Vấn đề quan trọng là, ngoài ban hành và minh bạch chính sách, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp thực hiện đúng các nguyên tắc và trình tự xây dựng giá bán đã được pháp luật quy định, đảm bảo không để doanh nghiệp vượt rào, “tranh thủ” để mang lại lợi ích riêng cho mình một cách không chính đáng.

Nếu doanh nghiệp định giá mà vẫn phải chịu sự cho phép của các cơ quan Nhà nước thì cụm từ “tự định giá” cần được hiểu như thế nào? Theo ông, liệu quy định đó có tạo thêm một cơ hội “xin - cho” hay không?

Tự định giá nhưng “có sự quản lý của Nhà nước”, ở đây nên hiểu doanh nghiệp có những quyền tự chủ nhất định để có thể chủ động quản trị kinh doanh, đảm bảo được bù đắp chi phí kinh doanh bỏ ra và có hiệu quả trong phạm vi Nhà nước kiểm soát. Giá bán gắn với giá cơ sở đã được hướng theo cơ chế thị trường, bình đẳng và có thể cạnh tranh (nếu doanh nghiệp quản trị tốt, hạ thấp được chi phí của mình có thể hạ mức giá để cạnh tranh với doanh nghiệp khác) nhưng không tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khai thác những đặc điểm có tính riêng biệt hoặc đặc thù loại hình kinh doanh này để mang lại lợi ích không chính đáng. Trong trường hợp này, Nhà nước vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý giá và người tiêu dùng cũng phải chấp nhận giá cả xăng dầu vận động theo hướng cơ chế thị trường- khách quan và phù hợp với những quy luật tự nhiên như với tất cả những mặt hàng khác.

Cơ hội “xin, cho” chỉ xuất hiện khi cơ chế chính sách không minh bạch và giám sát không sát sao, triệt để- Nếu minh bạch về chính sách, công khai về thực tế hoạt động của doanh nghiệp và công tác kiểm tra kiểm soát tốt, cơ chế  “xin, cho” sẽ không có đất để tồn tại. Theo tôi, công tác quản lý giá xăng dầu hiện nay đã được xây dựng khá rõ ràng, minh bạch trên góc độ pháp luật. Điều quan trọng còn lại là cần minh bạch về thông tin thực hiện và thông tin giám sát để người dân hiểu rõ, cùng giám sát cũng như chia sẻ hơn với Nhà nước và doanh nghiệp.

Với tư cách một người tiêu dùng, Ông có thể cho biết suy nghĩ của mình trước diễn biến tăng giá xăng dầu vừa qua?

Không ai thích tăng giá xăng dầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mình. Giá xăng dầu tăng làm tăng chi phí đi lại và ảnh hưởng đến “kế hoạch tài chính” của gia đình. Khi ngân sách cho nhu cầu đi lại tăng, tổng thu nhập gia đình không đổi thì các nhu cầu khác bắt buộc phải giảm để bù đắp cho chi phí xăng dầu. Tuy nhiên, tôi tôn trọng sự vận động của quy luật giá cả và nguyên tắc thị trường cũng như chia sẻ với việc giải quyết những khó khăn chính đáng, khách quan của Nhà nước cũng như doanh nghiệp. Ai cũng hiểu, về nguyên tắc, không doanh nghiệp nào mong muốn kinh doanh lỗ, cũng như không người tiêu dùng nào muốn chịu thiệt thòi khi phải thanh toán cho những khoản chi không chính đáng; về phía Nhà nước cũng muốn các biện pháp quản lý của mình có hiệu lực, đạt mục tiêu - điều quan trọng là phải bình đẳng, minh bạch và rõ ràng.

Trong thời điểm này, dường như Ông là một trong số rất ít người có sự thông cảm nhất định cho doanh nghiệp. Thực tế, còn có khó khăn nào khiến người dân có thể hiểu, thông cảm và chia sẻ với doanh nghiệp hơn không?

Qua tìm hiểu tôi được biết, thực tiễn công tác quản lý giá xăng dầu thời gian qua cũng gặp những khó khăn trong bối cảnh quản lý vĩ mô chịu nhiều sức ép. Để có thể giải quyết mục tiêu bình ổn giá, ổn định vĩ mô nền kinh tế, giá xăng dầu có một thời gian chưa vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường, chưa bám sát thực tiễn biến động chi phí, giá thành - điều này dẫn đến những khó khăn, tồn tại mà cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần phải chia sẻ và từng bước khắc phục. Khi Nhà nước thực hiện biện pháp bình ổn giá, những nguồn lực bù đắp từ thuế, quỹ bình ổn giá không bù đủ (như ta đã biết thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0, quỹ BOG của các doanh nghiệp âm nhiều giai đoạn) chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, giảm hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, để khắc phục những tồn tại này, cần công khai minh bạch thực trạng khó khăn, tồn tại doanh nghiệp, mổ xẻ phân tích nguyên nhân để chia sẻ với doanh nghiệp những khó khăn do khách quan mang lại. Tôi thực sự chỉ thông cảm với doanh nghiệp từ việc chia sẻ những khó khăn khách quan đó.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn từng khẳng định, cho doanh nghiệp xăng dầu định giá chỉ là giải pháp tình thế khi mà gốc rễ của vấn đề là tình trạng độc quyền vẫn chưa được giải quyết. Nếu vậy, theo Ông, trong hoàn cảnh này, giải pháp lâu dài hơn của chúng ta sẽ phải như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội?

Về mặt nguyên tắc, nếu tình trạng độc quyền chưa được giải quyết mà Nhà nước để doanh nghiệp độc quyền tự định giá (theo đúng nghĩa) thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ lạm dụng vị thế độc quyền để đưa ra mức giá bán có lợi cho họ, gây thiệt hại cho khách hàng. Tuy nhiên, không một quốc gia nào thực hiện quản lý kinh tế theo quy luật kinh tế thị trường lại để tình trạng độc quyền xảy ra trên thị trường cạnh tranh mà không có biện pháp can thiệp. Như đã trình bầy ở trên, với những quy định pháp luật hiện hành, việc độc quyền về giá xăng dầu ở Việt Nam là khó xảy ra do Nhà nước đã có chính sách quản lý. Tự định giá nhưng nằm trong khuôn khổ Nhà nước quy định.

Chỉ là nhắc lại những điều đã trao đổi nêu trên, để quản lý giá xăng dầu hiệu quả, theo tôi, cần trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ trong khuôn khổ, tự chủ có sự giám sát của nhà nước và cả của người tiêu dùng. Thứ nhất, doanh nghiệp tự chủ xây dựng giá trong khuôn khổ mức giá cơ sở và quyết định giá bán trong phạm vi cho phép. Với kết cấu công thức giá cơ sở đã được pháp lý hóa, giá bán sẽ được tính toán cụ thể, mọi quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp được phân định rõ ràng. Khi có quyền tự chủ trong phạm vi giới hạn, doanh nghiệp sẽ chủ động trong việc đề ra các biện pháp quản trị tiết giảm chi phí giá thành để nâng cao hiệu quả của bản thân họ. Hiệu quả mang lại do nỗ lực tự thân của doanh nghiệp trên cơ sở khuôn khổ pháp luật là quyền lợi chính đáng, Nhà nước cần khuyến khích để tạo điều kiện cho họ có quyền lợi đó. Ngược lại, nếu việc quản trị kém, doanh nghiệp phải chấp nhận thiệt thòi. Người tiêu dùng cũng phải chấp nhận nguyên tắc giá thị trường, không thể mong đợi giá bán thấp hơn giá thành trong sự vận động của quy luật cung cầu thị trường. Điều quan trọng là Nhà nước phải đảm bảo cho quá trình quản lý giá xăng dầu công khai, minh bạch, bình đẳng và có sự giám sát của các bên có liên quan.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 9/2012
                                           

 

Xem thêm »