Kiểm toán Nhà nước – Cơ quan đặc thù và sự cần thiết bổ sung địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước CHXHCN Việt Nam

09/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

TS. Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Luật Kiểm toán nhà nước quy định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước theo Điều 13 là “do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”; Điều 17, Điều 20 quy định về “nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm; về việc Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước; về nhiệm kỳ của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm..” Có thể nhận thấy cơ quan Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có tính chất  đặc thù, đặc thù về vị trí của nó độc lập với Chính phủ, Quốc hội; đặc thù về cơ chế bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hay nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm trong khi nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm. Do đó, việc sửa đổi Hiến  pháp 1992 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2001) là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sau nhiều năm đổi mới, cùng với đó một số quy định về cơ quan Kiểm toán Nhà nước - cơ quan đặc thù cần phải được quy định trong Hiến pháp đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước để đảm bảo tính hợp hiến.

Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước chưa được quy định trong Hiến pháp một phần bởi yếu tố khách quan, đó là: Luật Kiểm toán nhà nước được Quốc hội ban hành (năm 2005) sau khi Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2001, vì vậy cho tới nay địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước mới chỉ được quy định trong Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ.

Hơn nữa, việc Kiểm toán Nhà nước chưa được quy định trong Hiến pháp là chưa phù hợp với Tuyên bố Lima, cụ thể tại Khoản 3, Điều 5 Tuyên bố Lima có nêu:

“Việc thành lập Cơ quan Kiểm toán Tối cao và mức độ độc lập cần thiết của nó phải được quy định trong Hiến pháp; quy định chi tiết cần được thể hiện trong luật. Cụ thể, phải đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ về pháp lý của Toà án tối cao chống lại sự can thiệp của bên ngoài vào tính độc lập và chức năng kiểm toán của Cơ quan Kiểm toán Tối cao”.

Do đó, sự cần thiết phải quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một số quy định về Kiểm toán Nhà nước, về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan Kiểm toán Nhà nước để đảm bảo tính hợp hiến, phù hợp INTOSAI và thông lệ quốc tế.

Với tinh thần đó, xin kiến nghị cần nghiên cứu để bổ sung vào Hiến pháp nội dung về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước theo hướng sau đây:

1. Bổ sung vào Điều 84 của Hiến pháp 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) về việc Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Thiết kế riêng một điều về địa vị pháp lý, chức năng của Kiểm toán Nhà nước, theo đó: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
 
Tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước do luật định”./.

 


 

Xem thêm »