Bền vững tài khóa: Cần những giải pháp toàn diện và đồng bộ

05/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cuối tháng 9 vừa qua, Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2012 với chủ đề “Tăng cường bền vững tài khóa: Khuôn khổ chi tiêu trung hạn và giải pháp công nghệ hiện đại” đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham dự của đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia, các nhà quản lý kinh tế - tài chính trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện thường niên lần thứ 9, do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG VietNam tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết: Như đã thành công với 8 lần diễn ra trước đây, Bộ Tài chính tin tưởng Vietnam Finance 2012 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và vai trò là cầu nối giữa các chuyên gia với các nhà hoạch định chính sách tài chính, giữa công tác chuyên môn, nghiệp vụ tài chính với các doanh nghiệp, nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin, nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ tài chính, đáp ứng các yêu cầu về hiện đại hóa của ngành cũng như phát triển tài chính điện tử; góp phần giúp ngành Tài chính thực hiện thắng lợi Chiến lược tài chính đến năm 2020.

Đáp ứng mục tiêu và những kỳ vọng nêu trên, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về những giải pháp đổi mới phương thức lập dự toán và phân bổ ngân sách gắn với kết quả và hiệu quả công việc; nâng cao chất lượng dự toán NSNN, đặc biệt là việc phân bổ nguồn lực hàng năm cũng như định hướng và các mục tiêu trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, các đại biểu đã cùng nghe và thảo luận về các nội dung: Định hướng áp dụng kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn ở Việt Nam; Vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong quản lý NSNN; Khuôn khổ chi tiêu trung hạn - Xu hướng thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam...

Tại phiên báo cáo toàn thể, TS. Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), đã trình bày về bền vững tài khóa nhìn từ các chỉ tiêu vĩ mô. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo sự bền vững về tài khóa theo các mục tiêu và nhiệm vụ xác định trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 và Chiến lược tài chính đến năm 2020, hệ thống cơ chế, chính sách tài chính cần được đổi mới theo 5 giải pháp cơ bản: nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính; cải cách căn bản phương thức quản lý nguồn lực NSNN; hoàn thiện chính sách thuế trên cơ sở xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho NSNN; tăng cường công tác giám sát, quản lý rủi ro và bảo đảm an toàn nợ quốc gia, thực hiện giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách; cải thiện tính minh bạch, công khai trong quy trình ngân sách, mở rộng hình thức và nội dung công khai, tăng cường trách nhiệm giải trình để xác định trách nhiệm giải trình của từng cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng nguồn lực ngân sách để có thể xác định rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn lực công.

Ông Thăng cho biết, thu NSNN Việt Nam hiện nay đã giảm về mức độ, đồng thời vẫn phụ thuộc tương đối vào các khoản thu không thường xuyên từ dầu thô, từ sử dụng đất. Chính vì thế, ngân sách sẽ khó duy trì mức thu như giai đoạn 5 năm vừa qua. Việc lập một kế hoạch ngân sách trung hạn, trong đó hướng đến sự cân bằng giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư và cơ cấu lại nguồn thu, trong đó đặc biệt chú trọng đối với kế hoạch chi tiêu trung hạn là việc cần làm để bảo đảm sự bền vững của nền tài chính quốc gia.

Bền vững tài khóa là tình trạng có thể kiểm soát được các nguồn thu, chi của Chính phủ, bảo vệ NSNN trước các cú sốc kinh tế. Vấn đề bền vững tài khóa đã được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm và chú trọng những năm gần đây, nhất là trước yêu cầu đảm bảo tính ổn định nguồn thu của NSNN, hạn chế thâm hụt ngân sách và sự gia tăng của mức dư nợ công. “Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này và yêu cầu đảm bảo bền vững tài khóa đang là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hiện nay của ngành tài chính. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường, nhiệm vụ đặt ra đối với nền tài chính quốc gia hết sức nặng nề, đòi hỏi cần phải có những giải pháp toàn diện và đồng bộ” - ông Thăng nhấn mạnh.

Các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo cũng đồng tình và khuyến cáo Việt Nam cần có kế hoạch chi tiêu trung hạn chi tiết, minh bạch, rõ ràng đi cùng với những phân tích đánh giá, dự báo chi tiêu trong tương lai. Ông Habib Rab - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Lập kế hoạch chi tiêu trung hạn để kiểm soát chi tiêu bền vững giúp Chính phủ kiểm soát nguồn thu, chi trong vòng 3 đến 4 năm. Điều này giúp các dự án kéo dài vài năm giữ được tính ổn định, bền vững.
Song song với Hội thảo là Triển lãm công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính. Các hãng công nghệ hàng đầu và các chuyên gia từ các tập đoàn lớn như Oracle, Schneider Electrics, Microsoft... đã giới thiệu các ứng dụng hiện đại và các giải pháp lập kế hoạch ngân sách hiệu quả./.


 

Xem thêm »