Nợ xấu: Chậm xử lý sẽ ngày càng xấu

05/10/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 19/9, Viện Chiến lược và chính sách Tài chính phối hợp với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) - thuộc Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam”. Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc cần xử lý nợ xấu và bàn đến việc cần có một định chế tài chính cấp quốc gia để xử lý nợ xấu.

Nợ xấu càng để lâu càng xấu
Theo kinh nghiệm quốc tế, xử lý nợ xấu có 3 biện pháp cơ bản: Chính phủ bơm tiền trực tiếp cho các ngân hàng và định chế tài chính nhằm đối phó với khủng hoảng; thành lập công ty quản lý tài sản hoặc mua bán nợ (AMC) quốc gia để thu mua nợ xấu và quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 3/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 8,6 tổng dư nợ cấp tín dụng. Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là 125,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 10,37 dư nợ cấp tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước; nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là 60,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 5,8 dư nợ tín dụng của nhóm này. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu đang tăng trở lại và gần chạm tới mốc 2 con số.

Theo ông Thăng, trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết là của các TCTD và phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, vì các TCTD cho vay theo nguyên tắc thị trường. Giải pháp hỗ trợ của Nhà nước chỉ thực hiện đối với số nợ xấu còn lại sau khi TCTD đã tự xử lý. Tuy vậy, ông Thăng cũng phân tích, dù đã có hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng (AMC) nhưng vai trò của các công ty này rất mờ nhạt. Việc ngân hàng mua lại nợ của nhau tức là nợ xấu chạy vòng vo từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Điều này không khác việc chuyển nợ từ “túi phải” sang “túi trái”, làm méo mó khoản nợ.

Việc xử lý nợ xấu như thế nào đã được bàn luận sôi nổi tại hội thảo. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, vấn đề xử lý nợ phụ thuộc vào việc làm rõ khối nợ xấu cơ cấu thế nào, hiện trạng ra sao. Chừng nào không làm rõ nguyên nhân vì sao nợ xấu lớn như vậy thì sẽ không thể xử lý được, dù chúng ta có đi học kinh nghiệm ở nước ngoài.

Theo bà Dương Thu Hương - nguyên Phó Thống đốc NHNN, trong việc xác định nợ xấu, ngoài số nợ đã xuất hiện, cần tính tới cả nợ đã được giãn, hoãn và đảo nợ để xác định được các rủi ro tiềm ẩn có thể xuất hiện trong tương lai. Khi xác định được chính xác nợ xấu rồi mới tìm được hướng giải quyết. Theo bà Hương, tồn kho lớn mới là “cục máu đông”, do vậy, để xử lý nợ xấu phải giải quyết hàng tồn kho và điều quan trọng là phải biết tồn kho ở đâu, tồn bao nhiêu. Để giảm tồn kho của nền kinh tế, ngoài việc tăng chi tiêu Chính phủ, mở rộng đầu tư thì cũng cần giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT để giảm giá thành, nâng cao sức mua…

Theo ông Trương Đình Tuyển - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nợ xấu không dưới 10, với quy mô tín dụng là 2,6 triệu tỷ đồng thì buộc phải có cách để xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để lâu thì nợ xấu không tự mất đi mà ngày càng xấu hơn.

Cần một định chế tài chính xử lý nợ quốc gia
Về việc thành lập một định chế tài chính để xử lý nợ xấu cấp quốc gia, bà Dương Thu Hương băn khoăn: DATC hiện nay có phải là công ty quốc gia không? Một quốc gia có cần 2 công ty mua bán nợ quốc gia không? Năng lực ngân sách tài chính có chịu đựng thêm được công ty mua bán nợ quốc gia không? Theo bà Hương, nên cải tiến, nâng cấp mô hình mua bán nợ hiện có của DATC để tạo ra mô hình mới nếu thấy hiệu quả.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng cần phải có một định chế mua bán nợ tập trung nhưng đa tuyến và đủ mạnh. Trong định chế này, Chủ tịch HĐQT là Bộ trưởng Tài chính, Tổng giám đốc điều hành là Thống đốc NHNN, và có sự tham gia của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, cần phải có một nghị định về giải quyết nợ xấu, một cơ chế cho việc mua bán nợ, trong đó ghi rõ giá mua nợ hay còn gọi là mức chiết khấu tối thiểu và quy định rõ về thời hạn đàm phán nợ giữa chủ nợ và công ty (giả sử như 10 ngày, nếu sau 10 ngày hai bên không thỏa thuận được giá nợ thì áp mức giá như Nghị định quy định). Đồng thời, nguyên tắc hợp tác xử lý nợ xấu chỉ nên là bảo toàn vốn, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu. Nếu có lãi thì khoản lãi đó có thể trả lại để chia cho doanh nghiệp, ngân hàng và công ty mua bán nợ cùng hưởng. Có như vậy mới giải quyết được áp lực lỗ của Ngân hàng thương mại khi bán nợ và áp lực hiệu quả của công ty mua bán nợ.

Bà Nguyễn Thị Mùi - đại diện Vietinbank cho rằng: Muốn thành lập công ty mua bán nợ quốc gia thì phải xác định rõ cơ cấu và nguồn gốc nợ xấu, sau đó là nguồn tiền và cơ chế hoạt động, xử lý nợ xấu rõ ràng, cơ chế quản lý giá mua nợ… Bà Mùi khuyến cáo: Nếu bàn giao nợ cho DATC, cũng phải xem xét lại hiệu quả xử lý nợ của DATC suốt thời gian qua, tránh tình trạng bất cập xảy ra như Kiểm toán Nhà nước đã công bố DATC sử dụng một phần vốn không đúng quy định.

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nợ xấu đã đến lúc cần giải quyết, phải bình tĩnh nhưng phải triệt để, kiên quyết, khẩn trương gắn với trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm. Nếu không hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam không bao giờ lành mạnh được. Theo ông Thành, quá trình xử lý nợ xấu này phải mất không dưới 4 năm./.

Theo Báo kiểm toán số 14/2012

Xem thêm »