Trò chuyện với ông Phạm Anh Tuấn,
Phó Chánh Văn phòng thường trực- Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Chúng ta đều biết tham nhũng không phải là câu chuyện mới nhưng cũng chưa bao giờ là câu chuyện cũ. Ông có thể lý giải một chút về hiện tượng xã hội này?
Hiện nay, đang có hai quan điểm, một là, tham nhũng xuất hiện cùng với Nhà nước, hai là tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực, mà quyền lực thì có cả trước Nhà nước, thậm chí cả khi không còn Nhà nước về mặt lý thuyết. Theo quan điểm của tôi, quyền lực xã hội có rất nhiều dạng, quyền lực là sự ảnh hưởng của chủ thể này đối với chủ thể khác, người có quyền tức là có ảnh hưởng đến người khác thì mặc định sẽ tiềm tàng khả năng tham nhũng. Nguyên tắc là quyền lực vươn đến đâu thì tham nhũng theo đến đó, nó như là bóng tối của quyền lực. Trong các dạng quyền lực xã hội thì quyền lực Nhà nước dễ bị lạm dụng nhất vì đây là tổ chức trực tiếp quản lý, điều hành xã hội. Nếu nhìn từ phương diện này, người ta sẽ dễ kết luận rằng chỉ có tham nhũng ở các cơ quan Nhà nước. Thực chất, đây là căn bệnh song hành cùng với xã hội, vấn đề là ở mỗi xã hội khác nhau, mỗi giai đoạn khác nhau thì tình hình tham nhũng cũng khác nhau.
Quốc gia nào cũng từng trải qua giai đoạn nghẹn ngào, trăn trở với vấn đề tham nhũng, kể cả các quốc gia phát triển. Bởi vậy, chúng ta không thể đặt vấn đề một cách duy ý chí là tìm mọi cách đẩy tệ nạn tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, đó là điều không tưởng. Thay vào đó, chúng ta cần phải tìm cách kiểm soát, kiềm chế, tăng cường năng lực quản lý và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, đồng thời tích cực xử lý các vụ vi phạm đã được phát hiện để có tác dụng ngược trở lại, làm cho người khác phải sợ và không dám tham nhũng.
Trên thực tế, dường như chúng ta đã đề ra khá nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng nhưng lại ít bàn đến tính khả thi?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ giám sát Trung Quốc cũng từng cho rằng, hệ thống cơ sở pháp lý của Việt Nam hiện nay rất tuyệt vời, rất chặt chẽ nhưng vấn đề là tính khả thi của nó. Có một số quy định của chúng ta vẫn chưa thực hiện được. Việc đưa ra quy định ấy là ý chí, là mong muốn nhưng vấn đề là mong muốn ấy sẽ do ai thực hiện, ai tự giác thực hiện, thậm chí ai muốn thực hiện? Thế nên có một số quy định đã không khả thi.
Bên cạnh đó, một số biện pháp đưa ra cũng còn thiếu biện pháp bảo đảm. Ví dụ, trong việc kê khai tài sản, chúng ta lấy gì để bảo đảm và kiểm soát sự kê khai đó là trung thực ? Lấy gì để kiểm soát việc kê khai đó trung thực là trung thực hay không? Nếu chúng ta thực hiện được nội dung công khai kết quả kê khai tài sản tại nơi công tác và nơi cư trú như trong chủ trương của Nghị quyết trung ương 4 khóa XI thì chúng ta còn tiến bộ hơn nhiều nước phát triển trên thế giới. Việc thực hiện cũng cần phải có lộ trình và phương pháp để không gây xáo trộn mà vẫn kiểm soát được sự kê khai đó. Hiện nay, Chính phủ cũng đang xây dựng Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn và đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Một điều nữa liên quan đến tính khả thi là vấn đề chuyển đổi vị trí công tác. Trên thực tế, có những vị trí dễ gây nhũng nhiễu, rất cần phải được chuyển đổi nhưng việc chuyển đi đâu để phù hợp với chuyên môn được đào tạo là vấn đề không đơn giản. Ngoài ra còn có những nội dung khó khả thi khác như: xử lí trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan khi để xảy ra tham nhũng, điều chuyển những người có dấu hiệu tham nhũng để việc thanh tra kiểm tra bớt khó khăn hơn…
Thực ra, vào thực tiễn cuộc sống thì các quy định pháp luật đôi khi cũng trở nên bất cập. Đó cũng là điều tất yếu không chỉ ở lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Luật pháp cũng cần phải hoàn thiện, sửa đổi.
Cùng với các biện pháp khó khả thi còn có những biện pháp khả thi nhưng ít mang lại hiệu quả. Liên quan đến vấn đề này, ông nghĩ thế nào về chế độ “dưỡng liêm” đang được áp dụng đối với một số cơ quan thực hiện phòng, chống tham nhũng?
Trong vấn đề “dưỡng liêm”, về nguyên lý thì điều đó là đúng, là rất nên. Tuy nhiên, thực ra mức “dưỡng liêm” của nước ta vẫn không đảm bảo cải thiện cơ bản cuộc sống trong khi tham vọng con người là không cùng, nó không đủ làm cho người ta vì thế mà không thèm tham nhũng. Ở đây sẽ có một mâu thuẫn, vậy thì đến bao nhiêu là đủ để người ta không cần tham nhũng? Thực ra, không phải vì nghèo mà tham nhũng, không phải vì thiếu mà tham nhũng, dưỡng liêm chủ yếu là để tạo áp lực xã hội, nó sẽ làm cho người nắm chức vụ quyền hạn chống tham nhũng luôn luôn tự ý thức về điều đó và cố gắng giữ sự liêm chính, còn để giải quyết được cuộc sống, để hạn chế tham nhũng hoặc để người ta không nghĩ đến tham nhũng thì chưa thể đạt được.
Cũng có người cho rằng đời sống thấp thì tham nhũng, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Nghèo, người ta có thể trộm cắp, nghèo cùng quẫn thì người ta có thể đi cướp. Đó cũng là phạm tội, nhưng nói nghèo mà tham nhũng là điều chưa thuyết phục. Đời sống thấp thì sách nhiễu là có. Sách nhiễu cũng là một dạng tham nhũng nhưng là tham nhũng vặt. Cái chúng ta đang nói đến là tham nhũng lớn, chiếm đoạt tài sản lớn và là vấn đề mà xã hội đang bức xúc.
Nói như vậy liệu có phải là hiện tượng tham nhũng vặt ít quan trọng, thưa ông?
Hiện nay, tham nhũng vặt đã trở nên rất phổ biến, ngay cả trong những việc như khám bệnh, dạy thêm, học thêm… . Chính sự phổ biến đó đã dẫn đến một câu chuyện nguy hiểm hơn là xã hội rất dễ đi đến sự chấp nhận và chung sống với tham nhũng. Bởi lẽ, bên cạnh những người có chức vụ quyền hành thì đôi khi để được việc cho bản thân, chính người dân cũng chủ động tiếp tay, tạo môi trường làm cho tham nhũng sinh sôi nảy nở. Hai hiện tượng này tác động với nhau làm cho tình trạng tham nhũng trở nên phổ biến và người ta dần dần quen đi như một thứ văn hóa, một thứ tập quán.
Nếu xã hội đã quen với tình trạng này như một thứ văn hóa thì theo ông, chúng ta phải tiếp cận vấn đề chống tham nhũng như thế nào?
Như tôi đã nói, ở đâu có quyền lực là ở đó tiềm tàng nguy cơ tham nhũng. Bên cạnh đó, cũng có yếu tố liên quan đến văn hóa, chúng ta cần thấy rằng đừng quá kỳ vọng vào một kết quả tuyệt đối trong việc chống tham nhũng khi xã hội Việt Nam vừa thoát thai ra khỏi chế độ nghìn năm phong kiến - một chế độ mua quan, bán tước, sách nhiễu, tham nhũng rất phổ biến. Việc chuyển động tư tưởng không thể chỉ ngày một ngày hai, những nước phát triển như Thụy Điển cũng phải mất hàng mấy trăm năm xây dựng nhà nước pháp quyền mới có được xã hội như hôm nay.
Một vấn đề nữa, tham nhũng cũng như căn bệnh ung thư, căn bệnh nan y, nếu mình kỳ vọng chữa được ngay là điều không tưởng. Việc chống tham nhũng chậm đạt kết quả như mong muốn là có hai nguyên nhân, bên cạnh nguyên nhân bác sĩ chưa giỏi còn có lý do tham nhũng vốn là căn bệnh nan y, rất khó chữa. Xuất phát từ việc quá kỳ vọng vào bác sĩ, người dân thường bày tỏ một thái độ thất vọng khi công tác phòng chống tham nhũng chưa mang đến hiệu quả như mong đợi.
Cũng như bạn, nhiều người đã từng đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có chống được tham nhũng không? Đảng và Nhà nước vẫn xác định tìm cách kiểm soát nó chứ chưa thể xóa ngay được tham nhũng. Vì thế phải ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, không cho nó phát triển thêm.
Theo tôi, có hai yếu tố tự nhiên sẽ làm giảm bớt và kiềm chế tham nhũng, yếu tố thứ nhất là trình độ quản lý, quản trị xã hội, khi trình độ quản lý xã hội, quản lý nhà nước phát triển đến mức độ cao thì tự khắc nó sẽ làm cho khả năng tham nhũng ít đi. Một yếu tố thứ hai không thể thiếu được là khi đời sống vật chất ngày một nâng lên thì người ta sẽ biết từ chối hoặc không cần tham nhũng, ít nhất là không còn tham nhũng vặt.
Với định hướng như vậy, xin ông cho biết công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta thời gian qua đã thu được những kết quả gì?
Theo đánh giá của Trung ương, bên cạnh công tác xây dựng thể chế, công tác phòng ngừa đã được chúng ta làm tương đối tốt, trong hơn 5 năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định, tạo được những bước chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đồng thời trên một số lĩnh vực thì tham nhũng đã từng bước được hạn chế, ví dụ như lĩnh vực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, lĩnh vực quản lý sử dụng ODA, quản lý sử dụng tài sản nhà nước…
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, từ năm 2007 đến nay, công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam năm sau tiến bộ hơn năm trước. Năm 2007, Việt Nam được xếp thứ 124/180, năm 2008 là 123/180, năm 2009 là 120/179, năm 2010 là 116/182, năm 2011 là 112/183 quốc gia.
Tuy nhiên, Trung ương cũng cho rằng, tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn rất nghiêm trọng, tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt càng về sau thủ đoạn càng tinh vi, số vụ tham nhũng có thể giảm nhưng tính chất và quy mô tham nhũng lại lớn lên. Vì vậy, số lượng vụ tham nhũng chỉ là một phần, quan trọng hơn là tính chất và quy mô. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, tham nhũng còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia, lãnh thổ.
Với tư cách là lãnh đạo của một cơ quan thường xuyên có mối quan hệ phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính, ông kỳ vọng như thế nào về KTNN trong công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay?
Trong phạm vi hẹp, tôi luôn mong muốn KTNN là người song hành với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Hy vọng, sau 18 năm trưởng thành và phát triển, KTNN sẽ ngày càng khẳng định tác dụng, vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, theo đó nâng địa vị của KTNN lên. Luật định đã là rất quý nhưng sẽ quý hơn nếu KTNN được Hiến định trong thời gian tới đây. Khi đã Hiến định thì KTNN sẽ hoạt động hiệu quả hơn và để đủ mạnh phát huy tác dụng.
Trong 18 năm qua, tôi nhận thấy hoạt động KTNN càng ngày càng đi lên. Tuy nhiên, nếu không biết giữ gìn thì không khéo đây sẽ là một loại quyền lực rất mạnh và rất dễ nảy sinh tiêu cực. Giống như các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác, KTNN cũng cần một lực lượng cán bộ kiểm toán viên tốt, cộng với quy chế làm việc chặt chẽ để có thể giữ được những phẩm chất cần thiết. Nếu hệ thống cán bộ này mà cũng thoái hóa, biến chất thì cả xã hội thực sự xuống dốc rồi!
Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện!
Đinh Hiền (thực hiện)
Theo Tạp chí Kiểm toán số 8/2012