Phỏng vấn PGS.Ts Ngô Trí Long - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính
Là một người luôn quan tâm đến lĩnh vực giá cả, ông có ý kiến thế nào trong vấn đề Nhà nước giao cho doanh nghiệp tự định giá mặt hàng xăng dầu?
Tôi cho rằng, việc giao cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP là hoàn toàn trái với cơ chế quản lý giá của nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, có hai chủ thể được quyết định định giá, một là thị trường, hai là Nhà nước. Khi sản phẩm đó có sự cạnh tranh trên thị trường thì giá cả sẽ do thị trường quyết định, mà cụ thể đó là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc điều hành giá theo thị trường không có nghĩa là Nhà nước không có vai trò định giá. Nhiều người vẫn ngộ nhận rằng, khi chuyển sang cơ chế thị trường là tự do hóa giá cả, mọi cơ chế giá cả, hàng hóa đều do thị trường quyết định. Cách nhận định, cách hiểu như vậy hoàn toàn sai vì trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước vẫn cần định giá đối với những sản phẩm độc quyền. Mục đích của doanh nghiệp là kinh doanh vì lợi nhuận, giá càng cao thì lợi nhuận càng cao. Cho nên, với bất kỳ một nước nào trong thể chế kinh tế thị trường, Nhà nước cũng phải định giá đối với những sản phẩm độc quyền. Điều này cũng thể hiện rõ trong hệ thống pháp lý của Việt Nam. Một là trong Pháp lệnh về giá, hai là trong Luật Quản lý giá vừa được Quốc hội thông qua. Việc Nhà nước định giá ở đây không phải là quay lại cơ chế cũ mà là đóng vai trò người đại diện cho sự hài hòa của mọi đối tượng trong nền kinh tế quốc dân, Nhà nước định giá đối với sản phẩm độc quyền là hoàn toàn tuân thủ theo quy luật của cơ chế thị trường, chẳng hạn như giá điện, giá hàng không ở thời điểm hiện tại. Trước đây, khi ngành viễn thông đang độc quyền thì Nhà nước định giá, nhưng khi thị trường đã có sự cạnh tranh thực sự thì Nhà nước để cho các doanh nghiệp tự thực hiện. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh đẻ ra độc quyền, độc quyền là bạn đường của cạnh tranh. Bởi thế, không có một nước nào chống độc quyền mà chỉ kiểm soát độc quyền vì hai mặt này tồn tại song song một cách tất yếu khách quan.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải để tự do hóa giá cả, khi tự do hóa giá cả, chúng ta phải quản lý giá cả theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường, đó là không bao giờ để cho doanh nghiệp độc quyền tự định giá. Trong khi đó, Nghị định 84 lại để cho doanh nghiệp tự định giá trong một môi trường chưa có cạnh tranh thực sự. Tính độc quyền của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thể hiện ở thị phần doanh nghiệp chiếm lĩnh được. Theo Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp chiếm lĩnh được 30 thị phần thì đó là doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Nhưng giữ vị trí thống lĩnh thị trường thực chất cũng là giữ vị trí độc quyền. Ngay cả lãnh đạo Bộ Công thương cũng có sự nhầm lẫn giữa thống lĩnh thị trường và độc quyền, cho rằng có doanh nghiệp hiện nay đang thống lĩnh thị trường chứ không phải độc quyền.
Chúng ta cần phải căn cứ vào thị phần chiếm lĩnh được để quyết định sản phẩm đó có phải độc quyền hay không? Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, với 11 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, trong đó Petrolimex chiếm đến 60 thị phần, PV oil chiếm gần 20, hai doanh nghiệp chiếm đến 80 thị phần. Biểu hiện của việc mức giá đồng loạt lên tất cả trên thị trường xăng dầu càng thể hiện tính độc quyền rất lớn. Như vậy, thị trường kinh doanh xăng dầu của chúng ta hiện nay vẫn chưa phải là một thị trường mang tính cạnh tranh thực sự.
Trong Nghị định 84, dù việc định giá đặt trong một biên độ rất hẹp là 0 đến 7 nhưng thực tế doanh nghiệp có thể chia nhỏ mỗi lần tăng, tích tiểu thành đại. Cách chia 3 bước trong việc định giá nghe có vẻ rất chi tiết, cụ thể nhưng thực chất không có cơ sở, không có căn cứ khoa học. Hiện nay, Chính phủ cũng đang yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi lại quy định của Nghị định 84 cho phù hợp với kinh tế thị trường. Theo tôi, vấn đề cốt lõi nhất là phải xem xét lại quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp.
Theo ông, tại sao cơ quan chức năng lại trao quyền định giá trong khi biết rõ thị phần của doanh nghiệp xăng dầu đang thể hiện rõ tính độc quyền?
Thường thường, khi theo tư duy cũ, nhiều người không hiểu đúng bản chất cơ chế quản lý giá mặc dù đã xây dựng luật, người ta vẫn dị ứng kỳ thị với việc Nhà nước định giá. Thứ hai nữa, trên thực tế, không ít người có chức năng quản lý nhà nước hiện nay vẫn chưa đủ năng lực và nghiệp vụ vì giá xăng dầu liên tục thay đổi, biến động. Ngay cả kiểm toán xăng dầu cũng phải có thời kỳ giai đoạn của nó. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc kinh doanh theo chu kỳ còn có rất nhiều chi phí mới phát sinh. Phân bổ, tính toán như thế nào là cả một quá trình phức tạp. Mỗi lần Nhà nước dùng giá cơ sở làm căn cứ để quyết định việc tăng giá hay giảm giá thì chỉ nghe một phía là doanh nghiệp báo cáo mà các cơ quan chức năng không thể thẩm định được đúng hay sai. Cần phải thừa nhận thực tế đó. Giống như giá điện, bản chất là Nhà nước định giá nhưng bao giờ cũng dựa trên cơ sở doanh nghiệp trình lên. Trên cơ sở phương án đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét.
Tôi cho rằng, đối với những mặt hàng độc quyền, một là cơ quan chức năng phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, ít nhất phải là những người am hiểu lĩnh vực kinh doanh này, phải có kinh nghiệm thực tiễn về từng lĩnh vực từ 5 đến 10 năm thì mới có thể quản lý được
Đối với những sản phẩm độc quyền mà nhà nước định giá, một trong những điểm nhiều nước cố gắng tránh và nghiêm cấm là sự móc nối giữa cơ quan chức năng và các doanh nghiệp.
Ông có thể so sánh cơ chế điều hành giá xăng dầu của nước ta với một số nước trên thế giới?
So sánh giá giữa các nước là một việc rất khó vì cơ cấu giá xăng dầu mỗi nước không giống nhau. Một số nước cơ cấu giá bao gồm: thuế (gồm thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường) và phí, ở nước ta còn thêm Quỹ bình ổn xăng dầu. Tùy thuộc điều kiện từng nước một mà mức độ thu các loại thuế khác nhau. Hiện nay, giá xăng dầu đối với khu vực châu Âu rất cao vì thuế môi trường rất lớn. Trong khi các nước khai thác dầu giá sẽ rất thấp vì đó là tiềm lực của họ. Việc so sánh nước này với nước kia chỉ là tương đối vì còn phải phụ thuộc thuế nhập khẩu. Ngoài ra còn phụ thuộc vào ngân sách, thực lực, điều kiện thu nhập của người dân. Nếu người dân thu nhập cao thì định giá cao, đánh thuế môi trường cao để bảo vệ môi trường. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, phải căn cứ vào thực lực của nguồn ngân sách của nhà nước. Nếu ngân sách nhà nước ốm yếu, thất thu rất nhiều thì không thể để thuế nhập khẩu bằng 0 mà phải quy định đến một tỉ lệ, mức độ nhất định.
Theo ông, Kiểm toán Nhà nước cần phải thực hiện kiểm toán như thế nào để đảm bảo tính minh bạch, hợp lý trong việc định giá xăng dầu của các doanh nghiệp?
Với vai trò của mình, Kiểm toán Nhà nước cần kiểm toán hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu, nghĩa là kiểm toán quá trình hoạt động trong một giai đoạn nhất định, xem việc tính chi phí, vấn đề giá tại thời điểm có đúng hay không. Phương thức kiểm toán hoạt động sẽ phản ánh một cách chi tiết về tính trung thực, tính đúng đắn của chi phí và giá.
Đặc thù quá trình hoạt động của kinh doanh xăng dầu là có giai đoạn có chu kì nên quá trình kiểm toán phải có thời gian, có giai đoạn. Do vậy, điều này đòi hỏi phải có kiểm toán hoạt động chứ không phải kiểm toán báo cáo tài chính.
Việc xác định giá thành gốc của từng doanh nghiệp, cơ cấu chi phí và việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp cũng là vấn đề cần được KTNN làm rõ.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang suy giảm kép, các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn, sức mua cạn kiệt thì xăng dầu vẫn luôn giữ một vị trí thống lĩnh, vị trí độc tôn vì bất kì thời điểm nào nó cũng có một lợi nhuận định mức nhất định, cố định là 300 đồng 1 lít. Do vậy, dù giá tăng cao hay thấp thì đây vẫn là cái cố định. Vừa rồi, Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến là cần phải đưa lợi nhuận định mức ra ngoài để phản ảnh đúng thực tế nhưng hiện nay vấn đề này vẫn để trong giá cơ sở. Cho nên khi xem xét việc điều chính giá hay không thì căn cứ vào giá cơ sở. Lĩnh vực xăng dầu ở vị trí ổn định nên nó luôn giữ vị trí thống soái, độc tôn… Trong bối cảnh lúc này, các doanh nghiệp hoàn toàn khó khăn - tồn kho rất lớn, lãi vay rất cao, chi phí đầu vào rất cao nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần phải chia sẻ lợi ích đối với doanh nghiệp khác và với người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp xăng dầu đầu tư “ma trận” thì sẽ làm cho giá đầu vào tăng. Giá đầu vào tăng càng làm giá thành tăng, tác động đến sự tồn kho, khó tiêu thụ của hàng hóa…
Xin cảm ơn ông!
Nhị Nguyên (thực hiện)
Theo Tạp chí Kiểm toán số 8/2012