Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước

16/08/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Theo quy định và cơ cấu tổ chức hiện hành, trong hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của Nhà nước chỉ có Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là cơ quan kiểm tra tài chính công mà kết quả hoạt động (thể hiện dưới dạng báo cáo kiểm toán) là cơ sở để Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN), đồng thời đây cũng là cơ quan duy nhất mà hoạt động chính gắn liền với từng khâu của chu trình ngân sách, có thể thấy rõ vấn đề này thông qua chức năng và nhiệm vụ của KTNN đã được pháp luật quy định.

Th.S Huỳnh Hữu Thọ
Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước

Vai trò của Kiểm toán Nhà nướctrong thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Luật KTNN năm 2005 có hiệu lực từ 01/01/2006 đã chỉ rõ: Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước;  KTNN có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước với mục đích phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự án, công trình quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN; tham gia với Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán NSNN; Việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp được thực hiện trước khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách; trong trường hợp đã thực hiện kiểm toán nhưng báo cáo quyết toán ngân sách chưa được Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước phải tiếp tục làm rõ những vấn đề Quốc hội, Hội đồng nhân dân yêu cầu để trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân vào thời gian do Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định; Báo cáo kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; gửi báo cáo kiểm toán cho Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cung cấp kết quả kiểm toán cho Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân nơi kiểm toán và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

Luật NSNN năm 2002 quy định: Cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán, xác định tính đúng đắn, hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp, cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật; khi thực hiện nhiệm vụ, cơ quan Kiểm toán Nhà nước có quyền độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận kiểm toán của mình; trong trường hợp cần thiết, cơ quan Kiểm toán Nhà nước được đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp công tác để thực hiện nhiệm vụ được giao; cơ quan KTNN có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

Kết hợp chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo quy định tại Luật KTNN, Luật NSNN cho thấy KTNN bằng hoạt động của mình phải trình Quốc hội ý kiến về dự toán NSNN; thực hiện kiểm toán hay nói cách khác là thẩm tra lại báo cáo quyết toán ngân sách của các địa phương cũng như các cơ quan trung ương và sau cùng là kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, tổng hợp các báo cáo kiểm toán này thành Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN với nhiều thông tin hữu ích để Quốc hội xem xét trước khi phê chuẩn quyết toán NSNN. Như vậy, báo cáo quyết toán NSNN do các cơ quan thuộc Chính phủ lập trước khi phê chuẩn được phản biện chủ yếu bởi ý kiến của KTNN thông qua hoạt động kiểm toán nên có thể khẳng định KTNN giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc thẩm tra quyết toán NSNN.

Những kết quả đạt được trong vai trò thẩm tra quyết toán NSNN của KTNN
Từ khi Luật KTNN có hiệu lực đến nay, KTNN đã hoàn thành kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN cho các năm từ năm 2005 đến năm 2010. Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, KTNN đã từng bước nâng dần chất lượng báo cáo kiểm toán. Qua mỗi năm, báo cáo kiểm toán đều được bổ sung những nội dung thiết thực, đảm bảo phản ánh phong phú nhất những vấn đề cần quan tâm đối với báo cáo quyết toán NSNN; mỗi nội dung nhận xét, đánh giá đều có những dẫn chứng, minh họa cụ thể để Quốc hội tham khảo trước khi phê chuẩn quyết toán. Có thể nói Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN qua các năm luôn thể hiện đúng vai trò thẩm tra báo cáo quyết toán NSNN của KTNN.

Qua quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, KTNN đã có những đánh giá xác đáng về những tồn tại hạn chế trong từng khâu của chu trình NSNN, gồm:

- Về công tác lập và giao dự toán, kết quả kiểm toán đã xác định trong những năm qua số ước thực hiện thu thường chưa sát thực tế, số Trung ương giao dự toán thu hàng năm còn tình trạng chưa đạt tỷ lệ phấn đấu tăng theo định hướng của Chính phủ; dự toán chi đầu tư ở một số bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết số vốn được giao; bố trí vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục hoặc kéo dài quá thời gian quy định; phân bổ vốn không đúng cơ cấu ngành được giao theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; một số địa phương còn điều chuyển vốn đầu tư sang chi thường xuyên; việc phân bổ vốn NSNN đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA tại một số đơn vị chưa đảm bảo đầy đủ căn cứ; bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của nền kinh tế; nhiều nhiệm vụ chi của các bộ, ngành, địa phương lập thiếu cơ sở (không tập hợp đầy đủ từ dự toán của các đơn vị trực thuộc), thiếu thuyết minh...; giao dự toán vẫn còn chậm ở một số đơn vị, không giao hết kinh phí ngay từ đầu năm; một số khoản chi lập và giao dự toán chưa sát yêu cầu nhiệm vụ nên khi thực hiện phải hủy dự toán.

Về thu NSNN: Tình trạng phổ biến dẫn đến số liệu quyết toán thu không phản ánh đúng thực tế là việc nhiều đối tượng nộp thuế kê khai sai thuế suất; hạch toán thiếu doanh thu, đưa vào chi phí một số khoản không hợp lý, hợp lệ, không đúng định mức; áp dụng sai đơn giá, tính sai diện tích khi xác định tiền sử dụng đất phải nộp NSNN; tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN tại các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương chưa khắc phục được nhiều, còn không ít đơn vị hạch toán sai, thiếu doanh thu; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản phải nộp NSNN; một số sai phạm trong công tác quản lý các khoản thu từ đất chậm được khắc phục (ban hành giá cho thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án chưa phù hợp với quy định; tính thiếu tiền sử dụng đất phải nộp NSNN, miễn, giảm tiền sử dụng đất sai quy định; xét giao đất ở không qua đấu giá quyền sử dụng đất...); nợ đọng thuế lớn và hầu hết năm sau luôn cao hơn năm trước.

Đối với chi NSNN: Kết quả kiểm toán về chi đầu tư phát triển trong những năm qua luôn cung cấp cho người đọc báo cáo một cách chi tiết các vấn đề về tính đúng đắn và phù hợp quy định của pháp luật đối với số quyết toán chi đầu tư xây dựng (ĐTXD); công tác quản lý nợ đọng ĐTXD; quyết toán dự án ĐTXD hoàn thành; giám sát, đánh giá đầu tư; chấp hành trình tự đầu tư, trong đó phổ biến nhất là tình trạng thi công chậm tiến độ, nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài qua nhiều năm không có biện pháp khắc phục; việc kiểm tra để đẩy nhanh tiến độ thi công chưa được thực hiện thường xuyên; chế tài xử lý, xử phạt trách nhiệm các bên liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc; hồ sơ quản lý chất lượng công trình chưa đảm bảo; không phát hiện và xử lý kịp thời việc thi công sai thiết kế; sử dụng vật liệu thi công không đúng chủng loại, quy cách...; nghiệm thu, quyết toán một số dự án còn sai quy định; nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, định mức; nghiệm thu thanh toán khống; thanh toán vượt giá trị quyết toán được duyệt; thanh toán cho dự án không được bố trí vốn, vượt so với kế hoạch vốn; công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư còn chưa đảm bảo quy định về thời gian; hồ sơ quyết toán còn nhiều thiếu sót, nội dung chưa đầy đủ; chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quyết toán còn nhiều hạn chế, chưa loại trừ hết sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức; quyết toán sai nguồn; Đối với chi thường xuyên, trong điều hành ngân sách còn sử dụng nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, dự phòng để bổ sung chi thường xuyên sai quy định; nhiều địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí, chi hỗ trợ không đúng chế độ, chi không đúng tiêu chuẩn, định mức... ngoài ra, quá trình thẩm tra báo cáo quyết toán NSNN, KTNN cũng có những đánh giá phù hợp về công tác quản lý tài sản từ khâu mua sắm, đấu thầu, đến việc ban hành các quy định quản lý tài sản, hiệu quả của việc sử dụng tài sản.

Công tác kế toán và quyết toán NSNN: luôn là một nội dung được kiểm tra, đánh giá thường xuyên của quá trình thẩm tra quyết toán NSNN. Kết quả của hoạt động này trong những năm qua đã chỉ ra báo cáo quyết toán NSNN được tổng hợp như thế nào, có phù hợp quy định về mẫu biểu không, quá trình quyết toán ở từng bộ, ngành, địa phương đáp ứng ở mức độ nào so với các quy định hiện hành về quyết toán NSNN, đồng thời qua kiểm toán, ở một vài niên độ KTNN cũng đã chỉ ra được sai sót trong quyết toán NSNN khi chưa phản ánh đúng, đủ số thu, số chi NSNN thực tế phát sinh trong năm.

Qua kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, KTNN còn cung cấp cho người đọc báo cáo kiểm toán thông tin về nợ công, tuy nội dung này không thuộc quyết toán NSNN nhưng là thông tin vô cùng quan trọng làm cơ sở để phản ánh mức độ an toàn của nền tài chính quốc gia, nhất là khi Luật Quản lý nợ công được ban hành và có hiệu lực từ 01/01/2010. Kết quả kiểm toán nợ công trong Báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các năm qua cho thấy công tác quản lý nợ công tuy song hành cùng quá trình quản lý, điều hành NSNN và chính sách tiền tệ của quốc gia nhưng là vấn đề khá mới mẻ, đặc biệt là đối với các kiểm toán viên nhà nước, tuy nhiên với lòng quyết tâm và chịu khó nghiên cứu, học tập từ thực tế đã giúp cho KTNN có những đánh giá đúng thực trạng nợ công cũng như việc quản lý công tác này. Đầu năm 2012, tại Báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2010, KTNN đã nêu bật những bất cập trong triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công từ khi Luật có hiệu lực, những hạn chế, tồn tại trong tổ chức quản lý các khoản nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương hay quản lý Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài đã được xem xét, đánh giá một cách trung thực, khách quan phù hợp với quy định của pháp luật. Qua đó, KTNN đã có ý kiến về tính chính xác đối với các khoản nợ, tỷ lệ nợ công so với GDP làm cơ sở cho việc đánh giá đúng tình hình tài chính quốc gia.

Không chỉ kiểm toán tính tuân thủ, khi kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, KTNN còn chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, điều hành NSNN, các hoạt động sử dụng NSNN, việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tài chính, tiền tệ của Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, tất cả các báo cáo kiểm toán đều xác định kết quả đạt được của các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia, so sánh chi phí đã chi ra với kết quả đầu tư để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả đầu tư từ NSNN, thẩm tra và xác định mức độ hiệu quả của việc khoán chi quản lý hành chính, việc thực hiện tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp có thu...

Từ thực tiễn kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, ở tất cả các niên độ, KTNN đều thực hiện phân tích, đánh giá những bất cập, hạn chế của những vấn đề chưa được các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, một số quy định, chính sách, chế độ, quy định không còn phù hợp với thực tế các hoạt động, quy định trái với các văn bản của cấp trên tại các luật, nghị quyết, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện... để đưa ra kiến nghị và phần lớn các kiến nghị đã được các đơn vị tiếp thu chỉnh sửa để phù hợp với thực tế. Quá trình phân tích, đánh giá đều chỉ rõ những văn bản nào cần hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, văn bản nào cần ban hành mới, kết quả này của KTNN đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động thu, chi NSNN.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã có nhiều kiến nghị về xử lý tài chính. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến năm 2010, tổng kiến nghị xử lý tài chính trên bảy mươi ngàn tỷ đồng, trong đó tăng thu cho NSNN trên mười lăm ngàn tỷ đồng; giảm chi NSNN trên mười ngàn tỷ đồng. Các kiến nghị này ngoài việc tăng thu, giảm chi cho NSNN còn có tác dụng hạn chế các sai sót lặp lại.

Có thể nói thành quả trên của KTNN đã phần nào đáp ứng được yêu cầu quy định của pháp luật, trong đó KTNN đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN theo quy định tại Điều 66 và đảm bảo thời gian để Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất sau 18 tháng kể từ khi kết thúc niên độ ngân sách theo Điều 67 Luật NSNN; báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN đã đăng tải được các nội dung phong phú để các đại biểu quốc hội tham khảo trước khi biểu quyết phê chuẩn quyết toán NSNN phù hợp với quy định tại Điều 15, Điều 34 Luật KTNN.

Vấn đề đặt ra và một số đề xuất giải pháp
Dù đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và kết quả quá trình thẩm tra quyết toán NSNN của KTNN những năm qua luôn được các Ủy ban của Quốc hội đánh giá có thông tin phong phú và hội đủ các điều kiện để Quốc hội xem xét trước khi phê chuẩn quyết toán NSNN, song thực tiễn công tác kiểm toán quyết toán NSNN cũng còn những hạn chế, bất cập.

Về công tác lập và giao dự toán: nội dung những đánh giá chủ yếu là thẩm tra lại quá trình này vào thời điểm ít nhất là hơn 01 năm sau khi các đơn vị tiến hành lập và giao dự toán NSNN nên các phát hiện qua kiểm toán chưa có tác dụng ngăn chặn các sai sót ngay từ khâu đầu của chu trình NSNN. Ngoài ra, do độ trễ về thời gian khá lớn nên một số nhận xét, đánh giá có thể lạc hậu so với thực tế và quan trọng hơn, KTNN chưa có ý kiến để phục vụ Quốc hội quyết định dự toán NSNN hàng năm.

Quá trình thẩm tra quyết toán ngân sách tại các bộ, ngành, địa phương: các thủ tục kiểm toán để đánh giá được tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí NSNN hay nói cách khác là tổ chức kiểm toán hoạt động chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là đối với các dự án quan trọng của quốc gia nên thông tin tổng hợp về vấn đề này không nhiều, không đủ sức thuyết phục người đọc báo cáo kiểm toán, chưa đáp ứng được những vấn đề bức xúc xã hội đặt ra.

Thực tế hoạt động kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN: dù quy định thời gian thực hiện quyết toán ngân sách tại các các bộ, ngành, địa phương khá dài nhưng còn nhiều đơn vị chưa tuân thủ thời gian gửi báo cáo quyết toán ngân sách về Bộ Tài chính nên công tác tổng hợp lập báo cáo quyết toán NSNN cũng như kiểm toán báo cáo này gặp không ít khó khăn và bị động về thời gian.

Quy mô, số lượng đơn vị được kiểm toán tuy đều tăng qua mỗi năm nhưng nhìn chung số đầu mối được kiểm toán thuộc ngân sách địa phương hay khối bộ, ngành ở trung ương chỉ đạt trên dưới 50, còn khá thấp so với quy định của pháp luật nên các kết luận, kiến nghị của KTNN trong báo cáo kiểm toán năm còn hạn chế.

Báo cáo kiểm toán chưa có những nhận xét, đánh giá sâu sắc hay phân tích về tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các vấn đề còn bất cập, hạn chế liên quan đến các chính sách này.

Kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN thường chỉ đạt tỷ lệ xấp xỉ 70 mà nguyên nhân chủ yếu là một số dự án ĐTXD đang trong quá trình thực hiện, chưa phê duyệt quyết toán nên đơn vị đề nghị sẽ thực hiện khi quyết toán; một số đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính nên chưa thực hiện kiến nghị, có đơn vị đã giải thể nên không còn đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện; phần lớn các đơn vị sử dụng sai nguồn kinh phí được KTNN kiến nghị bố trí nguồn để hoàn trả đều thuộc các địa phương nghèo, khó khăn về tài chính nên hầu hết đều không thực hiện được.... Một số đơn vị chưa nghiêm túc trong chỉ đạo thực hiện và thực hiện các kiến nghị của KTNN; còn trường hợp đã thực hiện kiến nghị nhưng chưa đúng theo hướng dẫn (về nội dung nộp NSNN, ghi gộp với các khoản nộp không thuộc kiến nghị...) dẫn đến không tổng hợp được kết quả; một số kiến nghị còn chưa rõ ràng, chưa đảm bảo đầy đủ bằng chứng kiểm toán nên khó khăn cho đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện; chưa có chế tài để xử lý đối với những trường hợp đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc kiến nghị của KTNN...

Việc chưa tổ chức kiểm toán một cách riêng rẽ, đầy đủ về nợ công, dẫn đến thiếu cơ sở xác định đúng đắn tỷ lệ nợ công so với GDP, đánh giá đúng tình hình an ninh tài chính quốc gia; việc lồng ghép nội dung kiểm toán nợ công với kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc kiểm toán này về nhân lực và thời gian.

Năng lực của đội ngũ kiểm toán viên chưa đồng đều, kinh nghiệm về ngân sách và quyết toán NSNN còn ít, ngoài ra thời điểm tổ chức cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN cũng là nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra quyết toán NSNN. Theo quy định hiện hành thời hạn Báo cáo quyết toán NSNN phải hoàn thành là 28/02 của năm thứ 2 sau niên độ quyết toán, tức là 14 tháng sau ngày niên độ ngân sách kết thúc nhưng ở ngay tháng tiếp theo KTNN đã phải trình Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN phục vụ cho kỳ họp thường kỳ của Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội phê chuẩn.

Một số lĩnh vực kiểm toán: kiểm toán dự toán, kiểm toán thuế chưa được quy định trong Luật KTNN nên KTNN chưa thể tổ chức thực hiện đã làm giảm phạm vi, đối tượng được kiểm toán liên quan đến quyết toán NSNN.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, thể hiện đúng vai trò thẩm tra quyết toán NSNN cần khắc phục những hạn chế nêu trên và tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu:

1- Khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật KTNN để bổ sung các lĩnh vực kiểm toán còn thiếu; tổ chức nghiên cứu định hướng, phương thức tổ chức kiểm toán dự toán NSNN, đồng thời xây dựng và ban hành quy trình kiểm toán, mẫu biểu, hồ sơ dùng trong kiểm toán dự toán NSNN.

2- Thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề để nâng dần tỷ lệ thực hiện kiểm toán hoạt động của KTNN, thời gian tổ chức cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN cần được nghiên cứu theo hướng tổ chức thành nhiều đợt trong năm cho nhiều nội dung khác nhau vừa đảm bảo mẫu được kiểm toán đủ lớn để đưa ra những nhận định, đánh giá xác đáng và không bị ảnh hưởng bởi thời gian khi tổ chức lập Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN trình Chính phủ và Quốc hội theo quy định.

3- Tuyển dụng và đào tạo đội ngũ kiểm toán viên để có đủ số lượng kiểm toán viên có năng lực chuyên môn đảm bảo yêu cầu công việc. Việc tuyển dụng nên chuyển dần theo hướng áp dụng chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài, quá trình đào tạo phải đảm bảo đánh giá chính xác năng lực, kết quả học tập, có như vậy KTNN mới có đủ lực lượng để thực hiện kiểm toán với quy mô lớn, số lượng đầu mối nhiều, đa dạng về loại hình và nâng dần tỷ lệ các cuộc kiểm toán hoạt động trong kế hoạch kiểm toán hàng năm, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao đối với hoạt động kiểm toán.

4- Đề xuất ban hành các văn bản quy định hình thức xử lý đối với các đơn vị thực hiện không nghiêm túc các kiến nghị của KTNN để vận dụng khi tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, đảm bảo cho các kiến nghị có tính hiệu lực cao; riêng về phần mình KTNN cũng phải nâng cao chất lượng các kiến nghị kiểm toán, tránh tình trạng kiến nghị chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

5- Tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung, mục tiêu kiểm toán có liên quan đến các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tại các cuộc kiểm toán để có cơ sở phân tích, đánh giá những mặt được và những tồn tại bất cập của chính sách, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh phù hợp ở những niên độ sau.

6- Phân giao nhiệm vụ để tổ chức kiểm toán các khoản nợ công từ trung ương đến địa phương làm cơ sở cho việc xác định một cách chính xác với độ tin cậy cao về tỷ lệ nợ công so với GDP và tình hình an ninh tài chính quốc gia.

7- Kiến nghị với Chính phủ ban hành quy định xử lý đối với việc chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời gian lập và gửi báo cáo quyết toán về Bộ Tài chính đối với nhiều bộ, ngành, địa phương nhằm tạo thuận lợi cho công tác tổng hợp quyết toán NSNN./.

 

            

 

 

 

 

 


      
                                                               

Xem thêm »