Một số ý kiến tham gia vào dự thảo thông tư quy định về thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ hành nghề kế toán

11/06/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ths. Nguyễn Huy Ngọc

Ngày 29/3/2011, Luật Kiểm toán độc lập (Luật KTĐL) được ban hành và có hiệu lực từ 01/01/2012. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Luật KTĐL, Bộ Tài chính (Bộ TC) có trách nhiệm "quy định về điều kiện dự thi, tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kiểm toán viên". Hiện nay, Bộ TC đang nghiên cứu, soạn thảo và xin ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư quy định về việc thi và cấp chứng chỉ KTV và chứng chỉ hành nghề kế toán (đăng trang web của Bộ TC).

Trước khi có Luật, điều kiện dự thi, tổ chức thi, cấp chứng chỉ kiểm toán viên (KTV) được thực hiện theo Thông tư 94/2007/TT-BTC và Thông tư số 171/2009/TT-BTC của Bộ TC. Tuy nhiên theo quy định mới của Luật KTĐL, tiêu chuẩn KTV và điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán có thay đổi. Theo đó cần rà soát, chỉnh sửa các quy định hiện hành để đáp ứng yêu cầu mới của Luật KTĐL. Mặt khác quy định về thi và cấp chứng chỉ KTV thời gian qua cũng phát sinh những bất cập, cần xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới. Đây là văn bản có nhiều nội dung mới, liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, đặc biệt là những người có nhu cầu dự thi lấy chứng chỉ KTV hoặc chứng chỉ hành nghề kế toán; các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT), doanh nghiệp dịch vụ kế toán, tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, các cơ sở đào tạo, …

Sau đây là một số ý kiến tôi xin được tham gia đề nghị Bộ TC nghiên cứu, xem xét hoàn chỉnh, sớm ban hành Thông tư để triển khai thực hiện trong kỳ thi  năm 2012, cụ thể như sau:

1. Bổ sung đối tượng được dự thi KTV

Điểm c khoản 1 Điều 14 Luật KTĐL, người đăng ký dự thi lấy Chứng chỉ KTV phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính. Để đáp ứng nhu cầu KTV ngày càng tăng, cần bổ sung thêm đối tượng dự thi KTV cho 2 loại sau:

Thứ nhất, ngoài đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán nên cho phép các đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học thuộc các chuyên ngành khác, trong đó tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7 (qui định hiện hành là 10) tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên được dự thi KTV.

Thứ hai, các đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp. Để có cơ sở pháp lý cho việc xem xét, cần qui định văn bằng, chứng chỉ do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp chỉ được công nhận để xem xét cho người dự thi KTV nếu thoả mãn đồng thời các điều kiện như: (1) Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp văn bằng, chứng chỉ phải là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), có văn phòng hoạt động tại Việt Nam và ký biên bản thoả thuận hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực kế toán, kiểm toán. (2) Chương trình, nội dung các khoá học được cấp văn bằng, chứng chỉ phải có số đơn vị học trình (số tiết học) về tài chính, kế toán, kiểm toán tương đương số tiết học ở trình độ đại học chuyên ngành về tài chính, kế toán, kiểm toán trong nước. (3) Văn bằng, chứng chỉ này phải được triển khai thực hiện thống nhất ở tất cả các quốc gia nơi Tổ chức nghề nghiệp có văn phòng hoạt động.

Lý do đề nghị bổ sung các đối tương dự thi KTV là:

- Việc yêu cầu người dự thi phải có trình độ Đại học chuyên ngành kế toán, tài chính, ngân hàng ... để đảm bảo họ đã được trang bị những kiến thức nhất định về kế toán, tài chính, kiểm toán (thông thường 500-600 tiết học).

- Thực tế, hiện nay ở Việt Nam có nhiều người tốt nghiệp đại học khác không phải chuyên ngành kế toán, tài chính, ngân hàng (như kinh tế đối ngoại của đại học ngoại thương, quản trị kinh doanh, luật kinh tế...) được trang bị kiến thức về kế toán, , kiểm toán, tài chính qua các khoá đào tạo nghề của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế có văn phòng hoạt động và ký biên bản hợp tác với Việt Nam trong hoạt động kế toán, kiểm toán như Hiệp hội Kế toán viên công chứng Anh - ACCA. Thực tế các DNKT lớn của Việt Nam rất trọng dụng những đối tượng này khi tuyển dụng cho dù những người này không đủ điều kiện dự thi KTV (do tổng số đơn vị học trình hoặc tiết học các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế dưới 10 tổng số học trình hoặc tiết học cả khóa học), vì vậy cần mở đường để đội ngũ này có thể được thi KTV. Thông lệ các nước người tốt nghiệp đại học thuộc các chuyên ngành luật hoặc kinh tế đều được tham dự kỳ thi KTV.

Việc bổ sung đối tượng là những người đã tốt nghiệp đại học (chuyên ngành bất kỳ) và thoả mãn các điều kiện trên để xem xét dự thi KTV là cần thiết. Trên thực tế, ACCA là tổ chức nghề nghiệp quốc tế lớn, đã hoạt động tại Việt Nam 10 năm nay. Bằng cấp của ACCA được triển khai từ nhiều năm nay và công nhận rộng rãi trên thế giới (170 nước). ACCA có chương trình thi phối hợp với Bộ TC và đã biên soạn nội dung học và thi 2 môn Thuế và Luật theo nội dung luật của Việt Nam. Trong chương trình của ACCA hiện nay có đào tạo để cấp chứng chỉ CAT (Certified Accounting Technician) hoặc ADAB (Advanced Diploma in Accounting and Business). Người đạt chứng chỉ CAT đã được trang bị khoảng 600 tiết học về kế toán, tài chính, kiểm toán, thuế. Người đạt chứng chỉ ADAB đã được trang bị 550 tiết học về kế toán, tài chính, kiểm toán cơ bản và nâng cao. Do vậy số tiết học về kế toán, tài chính, kiểm toán gần như tương đương với số tiết học mà người có trình độ đại học chuyên ngành kế toán, tài chính, kiểm toán được trang bị. Theo đó những người có chứng chỉ CAT hoặc ADAB của ACCA đủ điều kiện được xem xét dự thi KTV. 

2. Bỏ môn thi "Tin học thực hành"

Đề nghị bỏ yêu cầu người thi lấy chứng chỉ KTV và chứng chỉ hành nghề kế toán phải thi môn "Tin học thực hành" như quy chế thi hiện hành vì quy định về thi môn tin học được kế thừa từ quy chế thi năm 1994 đến nay, khi đó tin học còn mới và chưa phổ biến trong xã hội. Việc đưa vào môn thi nhằm đảm bảo người hành nghề kế toán, kiểm toán phải đạt trình độ công nghệ thông tin ở mức độ nhất định (trình độ B). Tuy nhiên hiện nay, tin học hoá đã trở thành phổ biến đối với hầu hết các ngành nghề, trong đó có kế toán, kiểm toán. Thực tế yêu cầu và công việc chuyên môn của người hành nghề tại các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán hầu hết đã được tin học hoá, khả năng thực hành tin học của người hành nghề đã cải thiện nhiều. Yêu cầu công tác thực tế đã đòi hỏi người hành nghề phải có trình độ về tin học nhất định. Các nuớc qui định về thi cấp chứng chỉ CPA (như Singapore, Trung Quốc, Malaysia, ACCA,...) cũng không quy định môn thi tin học. Thi lấy chứng chỉ hành nghề làm thủ tục thuế ở Việt Nam hiện nay cũng không yêu cầu môn thi này.

3. Bỏ quy định về miễn thi ngoại ngữ

Quy chế hiện tại cho miễn thi “Ngoại ngữ” cho 4 đối tượng: (1) Có bằng tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức hoặc tốt nghiệp Đại học ở các nước học bằng Tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức; (2) Có Chứng chỉ Anh văn Quốc tế TOEFL 450 điểm hoặc IELTS 5.0 điểm trở lên trong thời hạn 3 năm kể từ năm ghi trên Chứng chỉ đến năm đăng ký dự thi; (3) Nam từ 50 tuổi, nữ từ 45 tuổi trở lên và có chứng chỉ trình độ C tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức trở lên; (4) người có Thẻ thẩm định viên về giá do tổ chức có thẩm quyền cấp.

Tuy nhiên xu hướng chung của các kỳ thi hiện nay là xoá bỏ việc miễn thi ngoại ngữ để khuyến khích người thi nâng cao trình độ ngoại ngữ và đơn giản bớt hồ sơ, thủ tục cho người dự thi. Ngay cả Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ mới đây (ban hành Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28/2/2011 của Bộ Giáo dục và đào tạo) cũng đã bỏ quy định miễn thi môn ngoại ngữ, vì vậy nên bỏ qui định miễn thi môn ngoại ngữ.

4. Về mở rộng đối tượng được tổ chức học, ôn thi

Quy chế thi hiện hành quy định chỉ có Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) và Hội KTV hành nghề Việt Nam (VACPA) được tổ chức các lớp học, ôn thi cho người đăng ký dự thi. Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dự thi, cần mở rộng thêm cho một số cơ sở đủ điều kiện được tổ chức học, ôn thi nhằm tiến tới xã hội hoá vấn đề này nhưng vẫn có sự quản lý, kiểm tra của Bộ TC nhằm đem lại lợi ích, thuận tiện nhất trong việc học, ôn thi của người dự thi, đặc biệt là cho người dự thi ở nhiều tỉnh, thành khác ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đồng thời nên quy định cụ thể về điều kiện để các cơ sở đủ điều kiện có nhu cầu sẽ đăng ký và Bộ TC công khai trên trang Web của Bộ các cơ sở được tổ chức học, ôn thi để đối tượng dự thi lựa chọn nhằm thuận lợi triển khai trong thực tế.

5. Về nội dung kỳ thi sát hạch lấy chứng chỉ KTV

Theo quy định hiện hành, những người có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ KTV nước ngoài nếu có đủ các điều kiện khác theo quy định được tham dự kỳ thi sát hạch để lấy chứng chỉ KTV. Nội dung kỳ thi gồm 5 phần liên quan đến pháp luật về kinh tế và doanh nghiệp, tài chính, thuế, kế toán và kiểm toán. Hình thức thi sát hạch là trắc nghiệm và bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 14 Luật KTĐL quy định người có chứng chỉ chuyên gia kế toán và chứng chỉ KTV của nước ngoài phải tham gia và đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam mới được cấp chứng chỉ KTV. Đồng thời, người dự thi sát hạch cũng phải thi bằng tiếng Việt như các đối tượng khác. Vì vậy 5 phần thi sát hạch nên thống nhất với tên tương ứng của 5 môn thi KTV. Khi đó, tất cả các đối tượng dự thi, kể cả thi sát hạch sẽ học, ôn thi theo một tài liệu, chương trình thống nhất./.

Theo Tạp chí Kiểm toán số 5/2012
                                                               

Xem thêm »